Los Angeles Times hôm 5/5 cho biết nghiên cứu của các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos, Mỹ, chỉ ra virus corona tiếp tục đột biến, chủng đột biến này có khả năng lây lan cao hơn so với chủng xuất hiện vào thời gian đầu của đại dịch.
Các nhà khoa học cho biết chủng đột biến của virus corona xuất hiện tại châu Âu vào tháng 2, sau đó nhanh chóng lây lan tới bờ Đông của Mỹ. Chủng virus này sau đó lây lan ra toàn cầu từ giữa tháng 3. Không chỉ có khả năng lây lan mạnh hơn, chủng này khiến bệnh nhân có thể tái nhiễm bệnh sau khi đã hồi phục.
Lây lan nhanh chóng
Đột biến mới được phát hiện trên virus ảnh hưởng tới phần gai bên ngoài của virus corona, phần cho phép chúng xâm nhập vào các tế bào cơ thể người. Nhóm tác giả nghiên cứu cho biết cần thiết có "cảnh báo sớm" nhằm giúp các loại vaccine và thuốc đang được phát triển trên khắp thế giới có thể phát huy hiệu quả với chủng virus đã đột biến.
Theo báo cáo, chủng virus đột biến lây lan mạnh hơn nhiều tại những nơi nó tấn công, so với chủng ban đầu từ Vũ Hán, Trung Quốc, và đây là chủng phổ biến tại một số quốc gia chỉ sau vài tuần nó xuất hiện.
Sự phổ biến của chủng mới này, so với chủng virus trước đây, là minh chứng cho thấy khả năng dễ lan lan của nó, dù nguyên nhân chưa được tìm ra.
Nghiên cứu do các nhà khoa học từ Los Alamos tiến hành dựa trên phân tích máy tính hơn 6.000 mẫu virus corona trên toàn cầu. Sau nhiều lần phân tích, kết quả cho thấy chủng mới đang trở nên chiếm ưu thế so với các chủng cũ.
Một ảnh chụp kính hiển vi điện tử hình ảnh virus SARS-CoV-2. Ảnh: AP. |
Nhóm nghiên cứu từ Los Alamos, với sự hỗ trợ của các nhà khoa học Anh, xác nhận tổng cộng 14 đột biến của virus. Những đột biến này xảy ra trên gần 30.000 cặp ARN cơ bản được cho là tạo nên bộ gene của virus corona.
Các nhà khoa học từ Los Alamos tập trung vào đột biến có tên D614G, chịu trách nhiệm cho sự thay đổi tại gai móc của virus.
David Motefiori, nhà khoa học tham gia nghiên cứu từ Đại học Duke, Anh, cho biết đây là lần đầu tiên ghi nhận một đột biến có bằng chứng về khả năng lây nhiễm cao hơn.
Dù các nhà khoa học chưa biết chi tiết về cách gai móc đột biến hoạt động bên trong cơ thể người, nghiên cứu chỉ ra đột biến đã giúp virus có lợi thế mang tính đột phá, khiến chúng lây lan nhanh hơn nhiều so với chủng cũ. Các nhà khoa học gọi đây là "trường hợp tiến hóa Darwin điển hình".
Nghiên cứu chỉ ra D614G xuất hiện ngày càng thường xuyên ở mức độ báo động, cho thấy lợi thế về sức mạnh giúp virus lây lan nhanh hơn so với chủng ban đầu ở Vũ Hán.
"Tình hình là đáng lo ngại, chúng ta nhìn thấy thể đột biến xuất hiện rất nhanh, và trở nên phổ biến chỉ sau 1 tháng. Khi virus với loại đột biến này xâm nhập vào cộng đồng, chúng sẽ nhanh chóng chiếm ưu thế dịch bệnh tại cộng đồng đó, bởi chúng dễ lây lan hơn", Better Korber, chuyên gia sinh học tại Los Alamos, cho biết.
Theo nghiên cứu của nhóm khoa học tại Los Alamos, Italy, là một trong những quốc gia đầu tiên bị chủng virus đột biến tấn công vào tuần cuối của tháng 2, gần như cùng thời điểm chủng virus cũ cũng xuất hiện tại quốc gia Nam Âu này.
Trong khi đó, Washington là một trong những bang đầu tiên của Mỹ mà virus chủng cũ xâm nhập. Tuy nhiên, đến 15/3, chủng virus đột biến đã chiếm phần lớn ca bệnh tại đây. New York bị chủng virus cũ tấn công khoảng 15/3, nhưng chỉ trong vài ngày, chủng virus mới đã chiếm ưu thế hoàn toàn.
Nguy cơ vô hiệu hóa các loại thuốc đang phát triển
Giới khoa học tại các tổ chức lớn đang nghiên cứu vaccine và thuốc điều trị Covid-19 cho biết virus corona gây ra đại dịch lần này có tính ổn định và không đột biến như virus gây ra cúm mùa. Nghiên cứu của Los Alamos nhiều khả năng sẽ chấm dứt kỳ vọng đó.
Nếu đại dịch không yếu đi theo mùa khi thời tiết trở nên ấm hơn, virus có thể sẽ trải qua những lần đột biến tiếp theo, đe dọa hiệu quả các loại vaccine và thuốc điều trị đang được phát triển.
Một số thành phần trong thuốc điều trị đang được phát triển hiện nay hoạt động theo cách bám vào gai móc của virus, hoặc làm gián đoạn hoạt động của nó. Nếu các loại thuốc được phát triển dựa trên dữ liệu về virus chủng cũ, chúng sẽ không hiệu quả chống lại các virus đột biến sau này, các nhà khoa học cảnh báo.
Các nhà khoa học Mỹ tin rằng có 2 chủng virus khác nhau đang gây ra đại dịch ở nước này. Ảnh: AFP. |
Tại Mỹ, các bác sĩ đã bắt đầu đặt ra câu hỏi các chủng mới của virus có phải là nguyên nhân tạo ra sự khác biệt trong cách chúng lây nhiễm, gây bệnh và khiến người bệnh tử vong hay không, giáo sư Alan Wu, từ Đại học Tổng hợp San Francisco, cho biết. Trong 2 tuần trở lại đây, các chuyên gia y tế suy đoán học đã chứng kiến ít nhất hai chủng virus tại Mỹ, một loại phổ biến ở bờ Đông, một loại chiếm ưu thế ở bờ Tây.
"Chúng tôi đang xác định sự đột biến", ông W cho biết, nhấn mạnh bệnh viện nơi ông làm việc chỉ ghi nhận một vài ca tử vong trong số hàng trăm ca nhiễm bệnh, "khác xa" điều xảy ra ở New York.
Trong khi đó, nghiên cứu của Los Alamos không chỉ ra virus đột biến có khả năng gây tử vong cao hơn, tuy nhiên người nhiễm virus đôt biến có số lượng virus cao hơn.
Dù chủng virus đột biến không nguy hiểm hơn so với chủng ban đầu, nó vẫn có khả năng làm phức tạp thêm các nỗ lực nhằm kiểm soát dịch bệnh. Sự đột biến, nếu khiến virus trở nên rất khác so với các chủng trước đây, có thể vô hiệu hóa khả năng miễn dịch đã hình thành từ những người đã hồi phục sau khi nhiễm virus chủng cũ.
"Mọi người có thể bị nhiễm bệnh lần hai nếu trường hợp đó thực sự xảy ra", các tác giả của nghiên cứu nhận định.
Bên cạnh đó, cũng có khả năng đột biến làm biến đổi gai móc của virus theo cách giúp chúng vô hiệu hóa hệ miễn dịch của con người, giáo sư Montefiori nhận xét. "Đó hiện là giả thuyết, chúng tôi đang xem xét nó hết sức nghiêm túc".