Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Colombia mất kiểm soát với đàn hà mã của trùm ma túy Escobar

Kể từ khi những con hà mã của Escobar trốn thoát sau cái chết của trùm ma túy năm 1993, chính quyền Colombia đã nhiều lần thất bại trong việc chế ngự sự sinh sôi bùng nổ của chúng.

Lần đầu tiên nhìn thấy một con hà mã trồi lên khỏi đám cây, đi lạch bạch trên bãi cỏ và trượt xuống bờ sông vào làn nước nâu đục của sông Cocorná, những ngư dân ở Las Angelitas đã sững sờ vì kinh ngạc.

“Chúng tôi đã nghe tin đồn về những con hà mã này và nhìn thấy dấu chân ở phía hạ lưu nhưng vì chưa bao giờ đến sở thú nên chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy một con vật như vậy ngoài đời thực”, ngư dân địa phương Franki de Jesús Zapata Ciron nói với Guardian.

“Một con vật đến từ châu Phi, ở đây!? Nó có vẻ lạ và đẹp”, Zapata cho hay. Anh vẫn còn nhớ lúc đó các gia đình địa phương đã ngừng mọi công việc để tìm tới ngắm nhìn con vật nặng ba tấn.

Tuy nhiên, giống như các chương trước đó của câu chuyện 30 năm ở Colombia về những con hà mã của trùm ma túy Pablo Escobar, những gì bắt đầu một cách kỳ lạ và kích thích sự tò mò cuối cùng đều trở thành rắc rối và nguồn gốc của sự chia rẽ.

Quá nguy hiểm

Con hà mã thả mình xuống sông hôm đó nằm trong số những động vật ngoại lai do trùm ma túy nhập khẩu về. Escobar đã nhập 4 con vật khổng lồ từ châu Phi cùng với hươu cao cổ, lạc đà, đà điểu và những động vật kỳ lạ khác cho trại thú tại khu dinh thự xa hoa Hacienda Nápoles vào những năm 1980.

Kể từ khi những con hà mã trốn thoát sau cái chết của trùm ma túy vào năm 1993, chính quyền nhiều lần thất bại trong việc chế ngự sự sinh sôi bùng nổ của đàn hà mã đã coi lưu vực sông Magdalena là ngôi nhà mới của chúng.

ha ma anh 1

Những con hà mã trong công viên Hacienda Napoles là con cháu của 4 cá thể được ông trùm ma tuý Colombia Pablo Escobar mua từ châu Phi về vào cuối thập niên 1980, khi đó là một trong những người đàn ông quyền lực nhất thế giới. Ảnh: AP.

Chính phủ Colombia đã cố gắng tiêu hủy những con vật này vào năm 2009 nhưng phải dừng lại sau khi một bức ảnh gây phẫn nộ trên toàn quốc. Họ tiếp tục chiến dịch bằng cách tìm đường triệt sản đàn hà mã, nhưng chúng sinh sản nhanh hơn tốc độ tìm kiếm của các chuyên gia địa phương.

Hiện nay, chính quyền khu vực muốn thử một chiến lược mới. Giống như với cocaine của trùm ma túy, họ hy vọng những con vật cưng của Escobar có thể được vận chuyển ra nước ngoài. Chính quyền bang Antioquia ở tây bắc Colombia cho biết họ đang đàm phán để trao tay 60 con hà mã cho một công viên ở Ấn Độ, 10 con khác tới một khu bảo tồn ở Mexico.

“Sẽ rất nhẹ nhõm”, ông Zapata nói từ hiên ngôi nhà gỗ ven sông của mình. “Làm ơn, nếu các quốc gia khác có thể giúp đỡ, hãy lấy tất cả hà mã đi”.

ha ma anh 2

Ngư dân Franki de Jesús Zapata Ciron: "Làm ơn, nếu các quốc gia khác có thể giúp đỡ, hãy lấy tất cả hà mã đi". Ảnh: Guardian.

Hai con hà mã đầu tiên trú ngụ ở Las Angelitas vào năm 2016. Chúng sinh sống khá yên bình nhưng một năm sau, cặp đôi này sinh con đầu lòng và nhanh chóng trở nên hung dữ và bảo vệ lãnh thổ.

Giờ đây, 8 con hà mã sống gần đó và cộng đồng địa phương đã phải học cách tránh những cuộc đối đầu chết người. Họ tránh câu cá trong cùng một khu vực nếu hà mã ở xung quanh và để đèn bên ngoài vào ban đêm để ngăn chúng lật thuyền hoặc không hẹn mà đến.

Nhưng khi “dân số” đàn hà mã gia tăng, tác động ngày càng khó kiểm soát. Những vũng bùn rộng hàng mét ở bờ sông đầy cỏ, nơi những con hà mã thường xuyên trượt xuống nước để giải nhiệt chỉ cách ngôi nhà của gia đình Zapata chưa đầy 100 m.

“Chúng tôi không thể ra ngoài câu cá vào ban đêm nữa vì việc đó quá nguy hiểm và cũng ít thứ để đánh bắt hơn vì sự xua đuổi của lũ hà mã”, Zapata chia sẻ.

Sinh sôi bùng nổ

Ở khu vực cách Las Angelitas khoảng 16 km về phía tây, nơi sông Cocorná giao với Magdalena, cư dân có nhiều tình cảm hơn với loài động vật có vú khổng lồ này.

Noraldo Garzón, chủ cửa hàng ở Estación Cocorná, cho biết: “Mọi người ở đây đều hơi sợ những con hà mã và chúng tôi biết chúng là một vấn đề xã hội. Nhưng nếu bạn hỏi mọi người ở đây xem họ có muốn loại bỏ chúng hay không, thì không đời nào. Hà mã là một loài rất đáng yêu và người dân ở đây ngày càng thích chúng”.

Với những ngôi nhà không có gì nổi bật, nhạc Reggaeton sôi động và khí hậu ẩm ướt, Estación Cocorná hầu như không có gì khác biệt so với các khu ven sông khác của Colombia - bên cạnh bức tượng đầy màu sắc của một ngư dân và chú chó cưng trên thuyền, một tượng đài về lịch sử đánh cá của địa phương.

Nhưng nay cộng đồng có một ngành công nghiệp mới dễ dàng sinh lợi hơn: Du lịch hà mã.

Álvaro Díaz, 38 tuổi, một ngư dân chở du khách đến xem hà mã và thu phí, cho biết: “Chúng tôi không muốn hà mã bị triệt sản hoặc giết chết. Chúng tôi đã học cách chung sống với hà mã và có thể đọc được ngôn ngữ cơ thể của chúng để biết khi nào chúng tức giận và muốn được ở một mình”.

“Và bên cạnh đó, chúng được sinh ra ở đây. Bây giờ chúng cũng là dân Colombia”, Díaz chia sẻ thêm.

Vị trí của Cocorná phần nào giải thích sự phản ứng trái ngược của cư dân địa phương với hà mã. Khoảng cách của cộng đồng này đủ xa với những con quái vật khổng lồ nên cư dân không tiếp xúc trực tiếp với chúng, nhưng đủ gần để họ có thể kiếm tiền nhanh chóng từ dịch vụ chở khách du lịch ngược dòng trên những chiếc thuyền.

Tuy vậy, sự chung sống hòa hợp như vậy có thể sẽ sớm thay đổi, các nhà sinh vật học dự đoán. Từ bốn con hà mã ban đầu trốn thoát khỏi khu đất của Escobar, ngày nay có khoảng 130 con sống sót - quần thể hà mã lớn nhất bên ngoài châu Phi.

Không có cá sấu, sư tử hay bất kỳ loài săn mồi châu Phi nào khác để kiểm soát đàn hà mã, dân số của chúng sẽ tiếp tục tăng theo cấp số nhân. Một nghiên cứu ước tính rằng đến năm 2034, số lượng hà mã sẽ là 1.400 con.

Jorge Moreno-Bernal, nhà sinh vật học tại Universidad del Norte và đồng tác giả của nghiên cứu, cho hay: “Một số cuộc điều tra định lượng đã được thực hiện trong những năm gần đây và lần nào ‘dân số’ của chúng cũng vượt quá dự đoán của chúng tôi”.

ha ma anh 3

Hà mã trong đầm phá ở công viên Hacienda Nápoles. Ảnh: Fernando Vergara/AP.

Các nghiên cứu về tác động môi trường của hà mã đã cảnh báo rằng các loài xâm lấn đang hủy hoại hệ sinh thái ở Magdalena - con sông lớn nhất ở một trong những quốc gia đa dạng sinh học nhất trên thế giới.

Mỗi con hà mã ăn khoảng 40 kg cỏ mỗi đêm, nghĩa là chỉ riêng phân của chúng đã đủ gây độc nguồn nước, giết chết cá và gây nguy hiểm cho sự đa dạng sinh học phong phú của dòng sông.

Một nguy cơ đáng chú ý khác là nhiều loài đặc hữu bị đe dọa tuyệt chủng như lợn biển Tây Ấn Độ, rái cá tân nhiệt đới và cá sấu caimen đeo kính.

Nhiều chiến dịch đã thất bại

Những con hà mã cũng ngày càng xung đột với cư dân địa phương và các cuộc tấn công của hà mã đã trở nên phổ biến hơn trong những năm gần đây.

Luis Enrique, 46 tuổi, đang lấy nước tại một trang trại gần đó vào năm 2020 thì nghe thấy tiếng mà anh nghĩ là một đàn gia súc chạy về phía mình. Hóa ra đó là một con hà mã đực lao tới khiến anh bị gãy xương sườn và chân phải. Người đàn ông đã bất tỉnh trong ba ngày và phải nhập viện hơn một tháng.

Với thân hình đồ sộ và đôi chân nhỏ xíu, hà mã trông có vẻ bất cân xứng nhưng chúng có thể chạy với tốc độ 48 km/h.

Enrique, hiện phải chống nạng đi lại, cho biết anh không thể nói về chuyện này vì không muốn dính líu đến chính trị và sự chia rẽ địa phương liên quan.

Các chuyên gia nghiên cứu về sự xâm lấn của hà mã cho biết kế hoạch vận chuyển những con vật này ra nước ngoài có thể sẽ đánh dấu thêm một sự thất bại. Khi các thợ săn nước ngoài được cơ quan môi trường địa phương yêu cầu giết con hà mã “Pepe” vào năm 2009, một bức ảnh chụp những binh sĩ tạo dáng với xác con vật khổng lồ màu xám đã gây ra sự phản đối kịch liệt và buộc chính phủ phải dừng hoạt động này lại.

Những nỗ lực triệt sản đàn hà mã diễn ra quá chậm chạp, nguy hiểm và tiêu tốn hơn 8.500 USD cho mỗi cá thể. Có những trường hợp phi tiêu không xuyên qua da và có khi thuốc an thần không có tác dụng, trong khi liều lượng quá cao có thể dẫn tới tử vong.

Gina Paola Serna, nhà sinh vật học được giao nhiệm vụ triệt sản hà mã, cho biết xuất khẩu những con vật khổng lồ này có thể đồng nghĩa với việc phải tìm bắt chúng, xét nghiệm máu để tìm bệnh, triệt sản, cách ly một thời gian, rồi sau đó đưa chúng ra nước ngoài bằng trực thăng. Những con hà mã sẽ được đặt trong những thùng đặt làm riêng.

“Điều này không thực tế. Đó chỉ là một cách khác để tránh đưa ra quyết định cần thiết là loại bỏ chúng”, ông Moreno-Bernal nói.

Trước đây, một vài con hà mã đã được lên kế hoạch chuyển đến vườn thú địa phương nhưng hoạt động này gần như bị hủy bỏ vào phút cuối vì chúng quá nặng, khó vận chuyển, ông nói thêm.

David Echeverri López, phát ngôn viên của Cornare, cơ quan môi trường địa phương sẽ điều hành chiến dịch xuất khẩu hà mã, cho biết mặc dù đây không phải một giải pháp, nó có thể hữu ích cùng với các chiến lược khác như triệt sản.

ha ma anh 4

Trang trại của ông trùm ma túy khét tiếng giờ đã được xây dựng thành một công viên, nơi du khách có thể đến cho hà mã ăn. Ảnh: AP.

Đối với những ngư dân ở Las Angelitas, việc triệt sản sẽ là lựa chọn được yêu thích hơn nhưng ở giai đoạn này, họ nói rằng nếu việc giết hà mã là cần thiết thì họ sẽ ủng hộ.

“Những đứa trẻ chơi bóng đá ở đó”, một cư dân nói, chỉ vào một đám cỏ cạnh nhà.

Tại một cuộc họp gần đây của hiệp hội đánh cá địa phương, một số thành viên cho biết nếu giới chức trách vẫn không thể giải quyết vấn đề thì cộng đồng địa phương có thể phải tự ra tay. Nhiều tin đồn nổi lên rằng cư dân địa phương đã hành động - và nói rằng hà mã có vị giống như thịt lợn nướng.

Cách nhà Zapata một km về phía hạ lưu, ngư dân Alvaro Molinas nhớ lại cuộc chạm trán bất ngờ vào buổi tối với hà mã khi một con cái trồi lên khỏi mặt nước bên cạnh chiếc xuồng của anh. Mái chèo của anh gãy đôi trong cuộc đụng độ.

“Chúng tôi phải sống trong xung đột với những con vật này vì chúng tôi cũng phụ thuộc sinh kế vào dòng sông, nhưng mỗi ngày trôi qua thực sự bất an”, Molinas trải lòng.

Anh Zapata lo sợ không có lựa chọn thực sự nào khác ngoài việc tiếp tục sống chung với di sản của Escobar.

“Tôi đã hỏi chính quyền địa phương liệu họ có hỗ trợ nếu tôi bị mất một chi hoặc thuyền của tôi bị hà mã phá hỏng nhưng họ không có câu trả lời. Tuy nhiên, nếu ai đó chỉ cần bắn một mũi tên thì họ sẽ có mặt ngay lập tức và người này lập tức bị tống giam. Chúng tôi phải làm sao bây giờ?", Zapata ngao ngán.

72 giờ quay cuồng trong vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ hai của lịch sử Mỹ

Trong 72 giờ, các cơ quan quản lý của Mỹ đã gấp rút triển khai kế hoạch cứu trợ với mục tiêu bảo vệ niềm tin của công chúng trước "cơn địa chấn tài chính mạnh 7,9 độ".

Bé trai 2 tuổi suýt bị hà mã nuốt chửng ở Uganda

Iga Paul, bé trai 2 tuổi người Uganda, đã may mắn sống sót sau khi bị một con hà mã tấn công, nuốt nửa người rồi nhả ra, CNN đưa tin.

Những cuốn sách để hiểu thêm về Mỹ Latinh

Zing giới thiệu tới độc giả các cuốn sách nên đọc để hiểu thêm về Mỹ Latinh - một khu vực rộng lớn gồm nhiều quốc gia với nền văn hóa đa dạng.

Độc giả có thể xem thêm tại đây.

Minh An - Trần Hoàng

Bạn có thể quan tâm