Marilyn Monroe. Ảnh: Baron/ Getty Images/ Hulton Archive. |
Marilyn Monroe không còn là cái tên xa lạ với những ai yêu điện ảnh. Cô đã trở thành hiện tượng của văn hóa đại chúng, với những bộ đầm bó sát, áo choàng lông và mái tóc bạch kim.
Tuy thế, có một Marilyn rất khác ở Manhattan. Ở đó, cô đã kết nối được với chính mình, trở về nguyên bản, sống cho riêng mình. Đó là năm 1955. Marilyn ở Manhattan - Một năm hạnh phúc đã ghi lại thời gian này qua ngòi bút của nữ tác giả Elizabeth Winder.
Sau ánh hào quang
Không nói quá nhiều về tuổi ấu thơ khốn khó của Marilyn, một năm hạnh phúc của nữ minh tinh bắt nguồn từ những thực tế không thể chịu nổi của ngành công nghiệp điện ảnh thời bấy giờ.
Đó là thời điểm mà những ông chủ gia trưởng lên ngôi, các nữ diễn viên dưới trướng không được tôn trọng, họ bị coi như những “cỗ máy in tiền ngu ngốc”, trong khi nghệ thuật bị biến tướng thành ngành “công nghiệp đồ hộp”, chỉ có đồng tiền được coi trọng.
Với Marilyn - một người tự chủ và đầy sáng tạo, cô không muốn đồng nhất bản thân mình vào thực trạng đó. Tuy vậy, thời đại không cho một diễn viên mới nổi như cô làm khác, cô bắt buộc phải vào vai những cô nàng lẳng lơ với kịch bản ngốc nghếch chủ yếu là khoe da thịt...
Với một người thích đọc sách, chăm sóc tinh thần, tránh xa những câu chuyện phiếm và những buổi tiệc đêm như Marilyn, bối cảnh thời đó biến cô thành người cô độc với chiều sâu nội tâm mà không một ai có thể đồng cảm. Chỉ đến một ngày, khi cô gặp được nhiếp ảnh gia Milton Greene, những năm tháng đẹp nhất đời cô mới kịp mở ra.
Cuộc tìm kiếm hạnh phúc
Mệt mỏi với thực trạng chung của Hollywood, Marilyn “chạy trốn” đến Manhattan. Ở đây, cô nuôi tham vọng xây dựng đế chế điện ảnh của riêng bản thân, từ đó giành quyền làm chủ cho sự nghiệp của mình.
Khoảng thời gian này, cô đã đến ở dinh thự nhà Greene và có quãng đời tuyệt vời. Những hình ảnh chưa bao giờ thấy như việc thích chơi với trẻ em, lái xe, tự dọn dẹp, ngắm tuyết trên cây trụi lá, được tặng quà Giáng sinh, say sưa nghe chuyện kể… đã “tái sinh” Marilyn.
Dẹp bỏ cuộc sống hào nhoáng, cô có thể đi đến ga tàu điện ngầm hay đi tẩy lông mà không ai biết. Cô xem kịch, tổ chức buổi tiệc và hòa mình vào New York như một con người bình thường. Nơi đây cũng đã chứng kiến một Marilyn Monroe “thật” khi đến học kịch với bậc thầy trong ngành diễn xuất là Lee Strauberg.
Việc học kịch ở Actors Studio ít nhiều cho thấy khát khao vươn đến nghệ thuật và muốn hoàn thiện bản thân của nữ minh tinh. Không phải là con nhà nòi, ở lớp học ấy, bên cạnh những ngôi sao sáng giá như “Bố già” Marlon Brando, Marilyn lần đầu tiên được thể hiện mình.
Khác với dáng vẻ có phần xa cách cũng như lo âu, Lee đã giúp cho Marilyn đối mặt với nỗi sợ hãi cũng như ám ảnh trú ngụ ở bên trong mình. Từ những tổn thương tuổi ấu thời, cô đã chiến đấu cùng nó và lấy đó làm thành sức mạnh để trở thành một diễn viên thực thụ, một người có đầy cảm xúc và giá trị.
Một năm ở Manhattan cũng đã giúp cô hoàn thiện bản thân, có thêm sức mạnh và đến gần với những người vẫn luôn yêu thương cô. Thành công nối tiếp thành công, hãng Fox cuối cùng đã phải “xuống nước”, cho cô được quyền tự do sáng tạo.
Tác phẩm kể về thời điểm Marilyn Monroe tìm thấy hạnh phúc của cuộc đời mình. Ảnh: Minh Huy. |
Hạnh phúc không nằm ở lớp áo lông và sự nổi tiếng
Hạnh phúc thì chẳng tày gang, dẫu cho Marilyn tìm thấy được con người mình, thì những khó khăn vẫn đang chờ cô ở phía trước. Một trong số đó là chuyện tình yêu, cô liên tục sa vào vũng lầy hôn nhân.
Chếnh choáng trong cơn say tình với Arthur Miller - nhà viết kịch sáng giá lúc bấy giờ, Marilyn quyết định kết hôn cùng anh mà không hề biết đó là một sai lầm của cuộc đời mình.
Quãng thời gian sống cùng Miller vừa là thời gian đẹp nhất và cũng đau đớn của nữ minh tinh. Tổn thương sau vụ ly dị người chồng đầu tiên, cuộc hôn nhân này tiếp tục lâm vào tình thế nghiệt ngã giữa hôn nhân, gia đình cùng sự nghiệp. Những gì cô cần chỉ là tình yêu và sự quan tâm, nhưng điều đó không dễ có được.
Bước ra từ lớp diễn xuất của những bậc thầy, Marilyn đã hoàn thiện hơn tài năng của mình. Thế nhưng, vốn đã quen với diễn xuất nhập tâm, nên khi trở lại với nhịp độ nhanh chóng của Hollywood, cô thêm lần nữa chới với trong sự nghiệp.
Nỗi đau cùng những tổn thương liên tiếp đã khiến Marilyn gục ngã. Cô đã cố gắng vươn lên nhưng rồi cuối cùng vẫn mãi đau đớn. Bảy năm sau đó, cô qua đời vì sử dụng thuốc ngủ quá liều.
Marilyn ở Manhattan đã khắc họa một mặt rất khác của minh tinh tóc vàng. Đó là một người tiến bộ, quyết đoán, làm việc hết mình để giành tự do. Khác với những gì công chúng áp đặt lên cô, Marilyn hiểu rõ hạnh phúc không nằm ở lớp áo lông chồn hay sự nổi tiếng, mà là bên trong mỗi người chúng ta, khi ta được yêu và sống hạnh phúc.