6 năm sau quyết định táo bạo của bầu Đức khi đôn lứa HAGL JMG lên đá V.League, dàn cầu thủ trẻ được ngưỡng vọng ngày nào đang bước sang trang mới sự nghiệp. Sau khi “dành cả thanh xuân để trụ hạng”, trước mắt Lương Xuân Trường, Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Tuấn Anh hay Nguyễn Văn Toàn không còn là bờ vực xuống hạng.
Bước đường trưởng thành của những trụ cột HAGL đang là cuộc cạnh tranh thành tích sòng phẳng. Họ đang đá để thắng, không phải cho vui. Vị trí đầu bảng sau 12 vòng chứng minh năng lực thực sự của Công Phượng cùng đồng đội, vốn luôn bị hoài nghi sau lớp vỏ đẹp đẽ nhưng mong manh.
HAGL đang bứt lên ở V.League. Trong cuộc cạnh tranh tại đội tuyển quốc gia, những cầu thủ này có làm được điều tương tự?
Xuân Trường từng giữ băng đội trưởng ở vòng chung kết U23 châu Á với những đóng góp đáng kể về chuyên môn và tinh thần. Ảnh: Minh Chiến. |
Giai đoạn nhạt nhòa
Thành công của U19 Việt Nam với nòng cốt là lứa HAGL JMG khóa I và II, từng tạo cơn sốt trong giai đoạn 2013-2014. Dưới sự dẫn dắt của HLV Guillaume Graechen, U19 Việt Nam hai lần về nhì Đông Nam Á, vượt vòng loại U19 châu Á với thành tích toàn thắng, trong đó có màn vùi dập U19 Australia 5-1. Bên cạnh thành tích, lối đá đẹp mắt, kỹ thuật và trong trẻo của Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường như cơn mưa mát lành, xối lên mảnh đất bóng đá Việt Nam khi ấy đang khô cằn.
Từng có thời điểm, 3 đội tuyển bóng đá nam (U19, Olympic và ĐTQG) cùng tập trung tại Hà Nội, nhưng sự chú ý chỉ đổ dồn vào lứa U19 Việt Nam, nơi Học viện HAGL đóng góp 9/11 cái tên trải dài từ thủ môn tới tiền đạo.
Năm 2016, HLV Nguyễn Hữu Thắng lên nắm tuyển Việt Nam. Việc làm đầu tiên của chiến lược gia xứ Nghệ là thay mới nòng cốt đội tuyển, trao cho Văn Toàn, Tuấn Anh, Xuân Trường và Vũ Văn Thanh suất đá chính. Thời điểm này, đội hình chính của ĐTQG thường dao động từ 3 đến 5 gương mặt HAGL.
Đến SEA Games 29 (2017), số cầu thủ HAGL được tạo điều kiện tăng lên 6. Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Thanh chắc suất, Nguyễn Phong Hồng Duy và Tuấn Anh là quân bài chiến lược.
Khi HLV Park Hang-seo nắm quyền, cầu thủ HAGL vẫn ghi dấu ấn. Giải U23 châu Á, Xuân Trường và Văn Thanh đá chính từ đầu đến cuối, bên cạnh Công Phượng “chia sẻ” thời gian ra sân với trung phong Hà Đức Chinh. Trong chiến tích lọt Thường Châu, Xuân Trường thể hiện được vai trò thủ lĩnh và cầm nhịp, Công Phượng ghi 1 bàn, còn Văn Thanh ghi dấu ấn với quả luân lưu quyết định tung lưới U23 Qatar.
Từ ASIAD 2018 đến nay, tầm ảnh hưởng của cầu thủ HAGL bắt đầu giảm. Nguyên nhân khách quan đến từ sự nổi lên của các trung tâm đào tạo khác như Hà Nội, Viettel, PVF. Lứa cầu thủ trẻ của CLB Hà Nội với tài năng, sự dạn dày, kinh nghiệm khi đạt thành tích cao ở các giải trong nước và được phát triển với chiến lược hợp lý hơn, đã bắt đầu chiếm được hào quang trên ĐTQG.
Đỗ Duy Mạnh, Trần Đình Trọng, Đoàn Văn Hậu là trụ cột hàng thủ, Phạm Đức Huy, sau đó là Đỗ Hùng Dũng đá trung tâm, còn Nguyễn Quang Hải là cầu thủ tấn công xuất sắc bậc nhất bóng đá Việt Nam có được lúc này.
Nhiều cầu thủ HAGL, đặt trong sự cạnh tranh với dàn sao từ các CLB khác, không còn giữ được tốc độ trưởng thành. Công Phượng, Xuân Trường sa sút sau những chuyến xuất ngoại thất bại, Tuấn Anh, Văn Thanh vật lộn với chấn thương, còn Văn Toàn, Hồng Duy đá mãi... vẫn thế.
Lối chơi hoa mỹ nhưng có phần ngây thơ, kém hiệu quả đẩy HAGL lùi dần khỏi các cuộc đua danh hiệu. 6 năm liền “đá cho vui”, Văn Toàn, Xuân Trường bị hoài nghi về tâm lý và khát vọng đua tranh đỉnh cao. Hòn sỏi nằm mãi một chỗ sẽ “mọc rêu”. Chỉ những viên đá lăn lộn với áp lực mới có thể sáng bóng rực rỡ.
Duy trì số lượng đông đảo ở mỗi đợt triệu tập, nhưng đóng góp của HAGL đang giảm dần. Ở vòng loại World Cup 2022, Tuấn Anh và Văn Toàn có suất đá chính, lần lượt với 315 và 358 phút thi đấu. Công Phượng (158 phút), Văn Thanh (40 phút), Hồng Duy (127 phút) được dùng tùy trận, tùy thời điểm. Xuân Trường chấn thương còn Trần Minh Vương mới được triệu tập lại.
Thời gian thi đấu ít ỏi, nên cầu thủ HAGL không có đóng góp trong trong 5 pha lập công của tuyển Việt Nam ở chiến dịch vòng loại.
Văn Toàn và Tuấn Anh (số 14) là hai cầu thủ HAGL hiếm hoi có trên 3 trận đá chính ở vòng loại World Cup 2022. Ảnh: Minh Chiến. |
Khởi sắc trở lại
Đợt triệu tập này, HAGL đóng góp 7 cái tên, không nhiều hơn các lần tập trung trước. Nhưng, vị thế của Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn đã rất khác. HAGL đang bay cao ở V.League. Đội chủ sân Pleiku thắng 9 trong 12 trận, từng có chuỗi 7 chiến thắng liên tục và 5 trận liền giữ sạch lưới.
Dưới bàn tay huấn luyện của Kiatisuk Senamuang, dàn cầu thủ ngây thơ, non nớt năm nào của bầu Đức đang chơi thứ bóng đá đẹp nhất sự nghiệp. Trên hàng công, bộ ba Văn Toàn, Công Phượng và Minh Vương ghi 17 bàn, nhiều hơn thành tích của 10 đội V.League sau 12 trận. Ở hai cánh, Văn Thanh, Hồng Duy thi đấu bền bỉ, dẻo dai và đẳng cấp.
Thành công lớn nhất của “Zico Thái” là làm sống dậy động lực của lứa cầu thủ thừa tài năng, nhưng thiếu sức chống chịu trước nghịch cảnh. Các cầu thủ tuân thủ chiến thuật, thi đấu như một thể thống nhất và biết cách vượt qua khó khăn. Giọt nước mắt hạnh phúc của Xuân Trường sau trận thắng CLB Hà Nội cho thấy khát vọng và sự tận hiến. Sau 6 năm vật lộn, HAGL đã biết đấu tranh để không phí hoài năm tháng sự nghiệp.
Trùng hợp hơn, giai đoạn đội bóng phố núi khởi sắc khớp với đà xuống dốc của CLB Hà Nội ở V.League. Quang Hải, Duy Mạnh... vẫn đẳng cấp, nhưng sự sa sút của đội bóng thủ đô báo hiệu một giai đoạn chuyển giao mà những cầu thủ HAGL có thể bật lên để giành lại vị thế ở đội tuyển.
Với chấn thương cùng án treo giò của Nguyễn Trọng Hoàng, Văn Thanh sáng cửa lấy lại suất đá chính ở hành lang phải. So với Trần Văn Kiên hay Hồ Tấn Tài, Văn Thanh được đánh giá cao hơn nhờ kinh nghiệm chơi bóng quốc tế và quãng thời gian làm việc cùng HLV Park trước đó. Tốc độ, khả năng đập nhả một chạm và sút xa của Văn Thanh cũng mang lại giải pháp tấn công cho đội tuyển. Mùa này, Văn Thanh đã ghi 2 bàn và cùng Công Phượng, Văn Toàn tạo thành tam giác tấn công nguy hiểm ở cánh phải HAGL.
Văn Thanh (số 17) là phương án hoàn hảo nếu Trọng Hoàng không kịp trở lại. Ảnh: Minh Chiến. |
Bên cánh đối diện nếu Văn Hậu không kịp hồi phục, Hồng Duy sẽ là lựa chọn hàng đầu. Cầu thủ sinh năm 1996 từng đá chính ở trận gặp Thái Lan ngày 5/9/2019, khi Văn Hậu mới trở lại từ Hà Lan. Tức là với HLV Park, Hồng Duy luôn là phương án dự phòng cho Văn Hậu. Cũng giống Văn Thanh, 12 trận tròn vai từ đầu mùa là điểm cộng trong “bản CV” của Hồng Duy.
Ở khu trung tuyến, chấn thương của Hùng Dũng đang mở ra cơ hội cho một loạt tiền vệ, trong đó có Xuân Trường, Minh Vương hay Cao Văn Triền. Xuân Trường mất suất đá chính sau AFF Cup 2018, nhưng đã sẵn sàng trở lại khi đang thi đấu tiến bộ ở HAGL mùa này. Tương tự, Minh Vương từng bị HLV Park bỏ qua, song khả năng săn bàn, đập nhả một chạm của cầu thủ gốc Thái Bình sẽ giúp tuyển Việt Nam tìm kiếm làn gió mới.
Trên hàng công, HLV Park đang có trong tay nhiều tiền đạo giỏi như Phan Văn Đức, Nguyễn Tiến Linh, Quang Hải,... Muốn đá chính, Văn Toàn và Công Phượng phải nỗ lực nhiều hơn, thay vì mặc định được ra sân như tại HAGL.
Cụ thể, Văn Toàn và Văn Đức cạnh tranh vị trí tiền đạo phải. Nếu Văn Toàn nhanh nhẹn, bền bỉ và dứt điểm tốt, Văn Đức lại giỏi tạo đột biến. Cuộc cạnh tranh này hứa hẹn mang lại cho HLV Park cơn đau đầu dễ chịu, bởi những “nguyên liệu” tốt là nền tảng để tuyển Việt Nam có bữa tiệc tấn công thịnh soạn. Còn với Công Phượng, những phẩm chất dị biệt sẽ giúp cầu thủ xứ Nghệ có ưu thế, dù Tiến Linh mới là ưu tiên hàng đầu với đầy đủ thế mạnh của một trung phong.
Sự trở lại và cạnh tranh sòng phẳng của một thế hệ tài năng báo hiệu tương lai đáng chờ đợi của tuyển Việt Nam, vốn đang cần rất nhiều thay đổi để viết nên trang sử mới.