Phân tích
Gần 2 năm đã qua kể từ trận gần nhất của tuyển Việt Nam tại vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á. Bỏ lại sau lưng những lợi thế, xuyên qua 2 năm bỏ trống vì đại dịch, tuyển Việt Nam sẽ đối diện với cả những thuận lợi và khó khăn mới.
World Cup - bước tiến tất yếu của “Thế hệ vàng”
Vòng loại thứ ba World Cup khu vực châu Á có 12 đội tuyển góp mặt. Đây là vòng đấu cuối cùng trước Cúp thế giới, sân chơi có đẳng cấp cao nhất bóng đá châu Á (hơn cả Asian Cup). Bởi vậy, 12 đội tuyển góp mặt ở vòng này cũng được xem là 12 đội mạnh nhất châu Á.
Sau hàng loạt chiến tích của U23 Việt Nam, thành tích tốp 8 châu Á tại Asian Cup 2019, bóng đá Việt Nam hiểu chúng ta đủ sức góp mặt ở nhóm tinh tú. Gần 4 năm ở Việt Nam, ông Park cũng đã chinh phục mọi đấu trường có thể. Đội U23 của ông là á quân châu Á, hạng 4 ASIAD, vô địch SEA Games, tuyển quốc gia của ông đăng quang AFF Cup, tiến sâu tại Asian Cup. Tất cả đều là thành tích tốt nhất trong lịch sử.
Ông Park và bóng đá Việt Nam chỉ còn một cột mốc cuối, nhưng quan trọng nhất và khó khăn hơn cả, ấy là vòng loại thứ ba World Cup.
Nhiệm vụ của tuyển Việt Nam vấp phải khó khăn ngay từ khâu bốc thăm. Trong 8 bảng đấu, chỉ 3 bảng có 2 đội dự vòng loại cuối World Cup 2018. Một trong số đó là bảng G với UAE cùng Thái Lan. Đây cũng là bảng đấu có cả đương kim vô địch (Việt Nam) và á quân (Malaysia) Đông Nam Á. Đội còn lại Indonesia cũng là cái tên mạnh nhất trong nhóm hạt giống số 5.
Tuy nhiên, bảng đấu càng khó, thực lực của tuyển Việt Nam càng được chứng minh. Sau 5 lượt trận, thầy trò ông Park bất bại, đứng đầu bảng với 11 điểm, hơn Malaysia 2 điểm. So với thời gian đầu ông Park đến Việt Nam, tuyển Việt Nam ở vòng loại World Cup không có nhiều khoảnh khắc thăng hoa nhưng ổn định, lỳ lợm hơn và cực kỳ hiệu quả. Ở châu Á, chỉ tuyển Nhật Bản có hàng thủ tốt hơn Việt Nam (0 so với 1 bàn thua).
Nếu vòng loại World Cup tiếp diễn như kế hoạch hồi đầu năm 2020, Thái Lan, Malaysia hay thậm chí cả UAE khó lòng cản nổi tuyển Việt Nam. Nhưng sự xuất hiện của dịch Covid-19 đã làm đảo lộn mọi thứ.
Tuyển Việt Nam chụp hình kỷ niệm trong buổi tập đầu tiên hướng tới vòng loại World Cup. Ảnh: Minh Chiến. |
Tuyển Việt Nam thay đổi thế nào?
Gần 2 năm sau ngày đó, nhiều thứ đã thay đổi.
Hai năm trước, thầy trò ông Park chập chững bước tới vòng loại với tư cách đội chiếu dưới. Còn lần này, họ trở lại với vị thế dẫn đầu. Hai năm trước, vòng loại diễn ra theo thể thức sân khách - sân nhà dài ngày. Còn bây giờ, vòng loại gói gọn trong chưa đầy 15 ngày, theo thể thức tập trung ở UAE.
Nếu vấn đề của các đội tuyển khác là thi đấu xa nhà, vấn đề của tuyển Việt Nam là lực lượng.
So với trận gặp Thái Lan hồi tháng 11/2019, tuyển Việt Nam chắc chắn không còn Nguyễn Trọng Hoàng, Đoàn Văn Hậu, Đỗ Hùng Dũng. Đổi lại, thầy Park sẽ có Lương Xuân Trường, Phan Văn Đức, Trần Đình Trọng.
Hai năm trước, tuyển Việt Nam được truyền cảm hứng bởi sự chắc chắn từ hàng thủ, trên nền tảng những cầu thủ của CLB Hà Nội. Hai năm sau, đội tuyển sẽ phải dựa nhiều và tuyến giữa và hàng công, với các nhân tố chính tới từ HAGL.
Bất lợi lớn nhất của tuyển Việt Nam, đồng thời là thất bại của bóng đá Việt Nam trong 2 năm qua là chúng ta chưa tìm ra lớp kế cận. Chức vô địch tại SEA Games 2019 chủ yếu được làm nên bởi nhóm cựu binh và tuyển thủ hơn tuổi. Một tháng sau danh hiệu đó, U23 Việt Nam cho thấy hình ảnh thực đáng lo ngại trên đất Thái.
Thất bại ở U23 châu Á 2020 bộc lộ khoảng trống phía sau thế hệ Quang Hải. Sau thành công liên tiếp của hai lứa U19, bóng đá trẻ Việt Nam chưa thể mang tới những viên ngọc mới. Lứa kế cận của Nguyễn Hữu Thắng gặp nhiều khó khăn trong việc bắt kịp các đàn anh. Hai năm qua, trong khi tuổi trung bình của đội tuyển đã tăng gần 2 đơn vị, những đàn em vẫn không thể cạnh tranh sòng phẳng với các anh.
Khi nguồn cung từ hậu tuyến không còn dồi dào, ông Park buộc phải gọi lại hàng loạt lão tướng như Nguyễn Anh Đức, Bùi Tấn Trường... Trong danh sách 37 tuyển thủ Việt Nam đợt này, chỉ 5 người đủ tuổi khoác áo đội U22, một tỷ lệ quá thấp.
Nhóm nòng cốt của tuyển Việt Nam đang ở tuổi 24-28, đẹp nhất nhưng không còn trẻ. Giống như những gì đã diễn ra tại SEA Games 2019, khi Quang Hải đá kỳ đại hội khu vực cuối cùng, vòng loại tới là cơ hội tốt nhất của lứa cầu thủ này. Bốn năm nữa, hầu hết đã xấp xỉ, bóng đá Việt Nam sẽ phải chờ rất lâu để có thêm một lứa cầu thủ tài danh.
Hàng thủ tuyển Việt Nam sẽ chứng kiến nhiều thay đổi khi các trụ cột vắng mặt. Ảnh: Minh Chiến. |
Toàn lực cho vòng loại World Cup
HLV Park Hang-seo và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) hiểu rõ những khó khăn về lực lượng và cơ hội của đội tuyển. Bởi vậy, họ đã nhiều lần khẳng định vòng loại World Cup sẽ là mục tiêu lớn nhất của bóng đá Việt Nam.
Để đội tuyển có sự chuẩn bị tốt nhất, cả nền bóng đá đã chấp nhận hy sinh. VPF thay đổi thể thức V.League, rút ngắn thời gian giải quốc nội, tạo áp lực cho các CLB và cầu thủ. Các đợt tập trung đội tuyển vẫn tổ chức dưới ảnh hưởng của dịch bệnh. V.League là giải quốc nội hiếm hoi ở Đông Nam Á kết thúc trong êm đẹp.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp ở châu Á, tuyển Việt Nam vẫn được tạo điều kiện có gần một tháng tập trung dù VPF sẽ căng mình xếp lịch cho các CLB ở nửa sau năm 2021. 3 năm trước, một đợt tập trung với thời gian tương tự đã mở đường cho vinh quang Việt Nam tại AFF Cup và Asian Cup. Lần này, điều tương tự có lặp lại?
So với 4 đội ở bảng G, tuyển Việt Nam có lịch thi đấu thuận lợi nhất. Thầy trò ông Park còn 3 trận, được nghỉ lượt mở màn, được gặp đội không còn nhiều mục tiêu (Indonesia) ngay trận đầu tiên (7/6). Nếu đánh bại đối thủ xứ Vạn đảo, Công Phượng và đồng đội sẽ có lợi thế về điểm số và tâm lý lớn trước hai trận với Malaysia và UAE. Bởi thế, nhiều người tin trận mở màn với đội yếu nhất Indonesia thực ra lại là quan trọng nhất của tuyển Việt Nam.
Khi lên tuyển, chúng tôi phải hy sinh những điều nhỏ nhặt, hướng tới mục tiêu lớn hơn của tập thể.
Quế Ngọc Hải
Thêm 6 điểm, kết thúc vòng bảng với 17 điểm là mục tiêu mà ông Park đặt ra cho các học trò. Nhưng trên thực tế, tuyển Việt Nam cần 4 điểm (tổng 15 điểm) để khép lại cuộc đua tới ngôi đầu. Dù không xếp nhất bảng, 15 điểm vẫn là quá đủ để thầy trò ông Park có vé dự vòng loại thứ ba với tư cách nhất bảng hoặc một trong các đội nhì bảng có thành tích tốt.
Tính toán của tuyển Việt Nam cũng cần xem xét đến những thay đổi từ đối thủ. Trong khi Việt Nam, Thái Lan tương đối ổn định, UAE, Indonesia và Malaysia đều thay đổi nhiều. Cả ba đội bóng này, nhất là Malaysia, đều nhập tịch hàng loạt cái tên mới, hứa hẹn những xáo trộn lớn trong đội hình. UAE và Indonesia đều có HLV mới, đều ở đẳng cấp World Cup. Cả Bert van Marwijk và Shin Tae-yong đều đã có rất nhiều thời gian với học trò. Thời gian đã giúp họ vượt qua cuộc khủng hoảng hồi năm 2019, hàn gắn những rạn nứt trong nội bộ nền bóng đá.
Trao đổi với Zing, HLV Hoàng Anh Tuấn cho rằng: “Một đội bóng vừa thay HLV sẽ là đội bóng rất khác. Đấy là còn chưa nói tới trình độ chuyên môn và khao khát chứng tỏ của HLV ấy. Xét một cách toàn diện, Shin Tae-yong không kém ông Park. HLV đội Indonesia có bản lý lịch tốt hơn, từng cầm quân tại World Cup”.
Nếu vượt qua vòng loại thứ hai, tuyển Việt Nam sẽ lần đầu tiên trong lịch sử điền tên vào vòng loại cuối World Cup.