Việc liên quân Nga đổ bộ vào Kazakhstan để giúp chính phủ nước này dập tắt các cuộc bạo loạn gần đây gửi một thông điệp rõ ràng tới phương Tây, cũng như những nước thuộc Liên Xô cũ. Tổng thống Vladimir Putin sẽ không cho phép bất cứ mối đe dọa nào đến khu vực mà ông coi là phạm vi ảnh hưởng “bất khả xâm phạm” của Nga.
Quyết tâm của ông Putin trong việc khẳng định lại ảnh hưởng của Nga tại khu vực, chưa bao giờ hạ nhiệt. Nhà lãnh đạo Nga nhận thấy Moscow và các nước thuộc Liên Xô cũ sẽ cùng có lợi nếu phát triển mối quan hệ thân thiết hơn.
Sự can thiệp tại Kazakhstan, cũng như Gruzia và Belarus trước đây nhằm mục đích đưa khu vực này lại gần Nga hơn, thông qua ủng hộ các nhà lãnh đạo thân Điện Kremlin. Nga muốn đóng vai trò trung gian quyền lực, và cố gắng làm suy yếu tư tưởng thân phương Tây, theo Wall Street Journal.
Quân đội Nga được triển khai tới Kazakhstan. Ảnh: Reuters. |
Tận dụng thời cơ
Những nỗ lực của ông Putin nhằm khẳng định ảnh hưởng của Nga tại “sân sau” đã lên đến đỉnh điểm, giữa lúc quan hệ giữa Moscow với phương Tây trong vấn đề Ukraine rơi vào bế tắc. Đây là quốc gia có biên giới với Nga, đang tìm kiếm mối quan hệ quân sự - kinh tế chặt chẽ hơn với phương Tây và thường diễn ra các cuộc biểu tình phản đối nhà lãnh đạo thân Nga.
Tổng thống Putin, người cho rằng NATO và Mỹ sử dụng Ukraine để mở rộng các hoạt động quân sự ở biên giới của Nga, đã điều khoảng 100.000 quân tới khu vực.
Vào ngày 10/1, các quan chức Nga và Mỹ bắt đầu cuộc gặp để thảo luận về vấn đề này. Trong các cuộc đàm phán đó, Điện Kremlin có thể tận dụng cơ hội để nêu bật lên cuộc khủng hoảng và lời kêu gọi giúp đỡ từ Tổng thống Kazakhstan Kassym Jomart Tokayev như bằng chứng cho thấy Nga đóng vai trò là người bảo vệ trật tự và ổn định khu vực.
“Ông Putin sẽ đến cuộc họp và nói: ‘Thấy chưa, đây là lý do tại sao tôi cần phải có một vị trí đặc biệt trong an ninh khu vực thuộc Liên Xô cũ. Nếu không có tôi, những thứ như thế này sẽ rối tung’", Maximilian Hess, thành viên tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại Mỹ, cho biết.
Các quan chức ở Moscow và những người ủng hộ Điện Kremlin nhấn mạnh rằng Nga chỉ đơn giản là giúp đỡ “quốc gia láng giềng anh em" và không muốn gì hơn là giúp khôi phục hòa bình ở Kazakhstan về mặt pháp lý cũng như thông qua đối thoại.
Động thái quyết liệt của Moscow tại Kazakhstan nhằm ngăn chặn nguy cơ các cường quốc khác đặt chân vào khu vực mà Điện Kremlin không chỉ coi là không gian ảnh hưởng độc quyền, mà còn là khu vực dễ bị tổn thương của Nga.
Các phương tiện quân sự của Nga xếp hàng dài trước khi được đưa lên máy bay vận tải quân sự hôm 7/1. Ảnh: AP. |
Tái khẳng định ảnh hưởng của Nga
Trong những năm gần đây, một số cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng của Nga đã làm “xói mòn" nỗ lực kết thân với nhiều quốc gia trải dài từ Trung Á đến Đông Âu.
Điện Kremlin đã phải theo dõi sát sao khi xu hướng thân phương Tây ngày càng lên ở các nước như Ukraine, Gruzia và Moldova. Nga đã nhiều lần can thiệp để ủng hộ các bên thân thiết.
Năm 2008, các lực lượng Nga tràn sang Gruzia - một đồng minh của Mỹ - sau khi Moscow cáo buộc nước này cố tình gây hấn chống lại Nam Ossetia. Đây là khu vực ly khai ủng hộ Điện Kremlin, nơi Nga đóng quân, mặc dù Gruzia khẳng định thuộc lãnh thổ của mình.
Động thái đó mở đầu cho hơn một thập kỷ can thiệp của Nga sau này.
Vào năm 2014, các cuộc nổi dậy ở Ukraine đã lật đổ một nhà lãnh đạo ủng hộ ông Putin. Điện Kremlin ngay lập tức đáp trả bằng cách sáp nhập bán đảo Crimea và ủng hộ phe ly khai thân Nga trong cuộc xung đột dai dẳng ở miền Đông Ukraine.
Ở nước láng giềng Belarus, Điện Kremlin đã hỗ trợ tài chính và quân sự cho nhà lãnh đạo Alexander Lukashenko, người đang phải đối mặt với làn sóng biểu tình phản đối trong nước.
Phần thưởng của Moscow là một hiệp ước được ký kết vào cuối năm ngoái nhằm hợp nhất hai nước thành một liên minh chính thức. Đây được xem là bước tiến quan trọng trong mục tiêu gây dựng ảnh hưởng lớn hơn tại khu vực của Điện Kremlin.
Quân đội Nga tại Kazakhstan. Ảnh: Eurasianet. |
Kyrgyzstan cũng là chủ đề gây tranh cãi giữa Moscow, Bắc Kinh và Washington kể từ khi nước này độc lập vào năm 1991. Vào tháng 10/2020, các đảng đối lập từng cố gắng giành quyền lực từ giới lãnh đạo thân Nga với những cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử quốc hội.
Biến động chính trị diễn trong nhiều tháng nhưng cuối cùng vẫn kết thúc với việc tổng thống Kyrgyzstan đồng ý duy trì quan hệ chặt chẽ với Nga.
Trong khi đó, thỏa thuận hòa bình vào tháng 11/2020 do Điện Kremlin làm trung gian, giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa Armenia vào Azerbaijan, giúp củng cố “đòn bẩy” của Moscow tại cả hai nước.
“Đối với ông Putin, điều tối quan trọng là đảm bảo sự ổn định ở các nước gần Nga”, ông Hess nói.
Biến nguy thành cơ giữa khủng hoảng
Theo một số chuyên gia chính trị, cuộc khủng hoảng ở Kazakhstan vừa là thách thức, vừa là cơ hội với Nga.
Phong trào biểu tình có thể mang đến cho Nga cơ hội “gieo" ảnh hưởng sâu hơn tại một khu vực quan trọng.
Khi các cuộc biểu tình gia tăng, yêu cầu của những người biểu tình cũng mở rộng từ việc đòi hỏi giá nhiên liệu thấp hơn cho đến yêu sách chính trị. Trong số những thay đổi chính trị mà họ yêu cầu bao gồm loại bỏ ông Nazarbayev, người đã nắm giữ quyền lực rất lớn ở nước này ngay cả khi đã rời vũ đài chính trị.
Maxim Suchkov, quyền giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế tại Học viện Quan hệ Quốc tế Moscow, nhận xét hỗn loạn ở Kazakhstan cho thấy ngoại trừ Ukraine, với các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, Nga vẫn là bên họ cần tìm đến khi khủng hoảng nổ ra.
Cuộc khủng hoảng ở Kazakhstan vừa là thách thức, vừa là cơ hội với Nga. Ảnh: Reuters. |
“Nếu chính phủ Tokayev có thể khôi phục lại sự ổn định và tiếp tục nắm quyền, thì họ sẽ mãi mãi biết ơn người Nga”, Paul Stronski, cựu Giám đốc phụ trách An ninh quốc gia Nga và Trung Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết. Điều này có thể ảnh hưởng đến cuộc cạnh tranh giữa Nga và Mỹ tại khu vực này.
Các lực lượng do Nga dẫn đầu, hỗ trợ chính phủ Tổng thống Tokayev, có nhiệm vụ bảo vệ sân bay và các cơ sở quân sự, cơ sở hạ tầng xã hội quan trọng khác.
Nhưng các nhà phân tích cũng cho rằng sự hiện diện của quân đội Nga ở Kazakhstan có thể gây rủi ro cho nhà lãnh đạo Tokayev.
Hôm 7/1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo rằng: “Bài học lịch sử gần đây cho thấy một khi người Nga ở trong nhà của bạn, đôi khi rất khó để mời họ rời đi”.
Ngay sau đó, các quan chức Bộ Ngoại giao Nga đã chỉ trích bình luận này và gọi đây là sự xúc phạm.
“Khi người Mỹ ở trong nhà bạn thì có thể khó sống sót và không bị cướp bóc hay cưỡng đoạt”, Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một tuyên bố đáp trả.