Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nga làm đảo lộn toan tính của Trung Quốc khi đưa quân vào Kazakhstan

Việc Moscow dẫn đầu liên quân quốc tế tiến vào Kazakhstan gửi đi thông điệp nhắc nhở Bắc Kinh rằng Nga đã, đang và sẽ tiếp tục là thế lực ảnh hưởng chính ở khu vực Trung Á.

Sự hiện diện của gần 3.000 binh sĩ Nga ở Kazakhstan là diễn biến bất ngờ, nhưng mở ra thời cơ để Moscow gia tăng ảnh hưởng tại khu vực Trung Á - vị trí nhạy cảm trong chiến lược an ninh của Nga.

Nhưng trong khi cuộc khủng hoảng ở Kazakhstan là cơ hội để Nga gia tăng ảnh hưởng, một nước láng giềng khác là Trung Quốc đang đứng ngồi không yên khi quyền lực và nhiều lợi ích của Bắc Kinh có nguy cơ bị tổn hại, theo Asia Times.

Vì sao Nga hành động quyết liệt?

Từ sau năm 1991, các nhà lãnh đạo Nga, bất kể Boris Yeltsin, Dmitri Medvedev hay Vladimir Putin, đều có chung nỗi lo về đe dọa an ninh ở các khu vực biên giới trong kỷ nguyên hậu Chiến tranh Lạnh.

Việc NATO và EU đồng thời mở rộng, kết nạp thành viên mới tại các nước ở Đông Âu, vốn từng là vệ tinh của Liên Xô, là mối bận tâm thường trực của Nga suốt 30 năm nay.

Nghiêm trọng hơn, Điện Kremlin lo rằng những diễn biến bất ngờ có thể khiến Moscow mất luôn ảnh hưởng ở Trung Á.

Thực tế, để bảo đảm các nước Trung Á luôn nằm trong tầm ảnh hưởng của Moscow, Nga dẫn dắt việc thành lập hàng loạt cơ chế đa phương, như Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), hay Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU).

ngua dua quan vao kazakhstan anh 1

Quân đội Nga được triển khai tới Kazakhstan. Ảnh: Reuters.

Và trong khi Nga đang tập trung sự chú ý cho cuộc đối đầu ngày càng nóng ở biên giới với Ukraine, tình hình ở Kazakhstan, một trong những quốc gia then chốt nhất tại Trung Á, đột nhiên rơi vào hỗn loạn.

"Nga dẫn đầu lực lượng gìn giữ hòa bình đa quốc gia nhằm chấm dứt hỗn loạn và khôi phục trật tự, bởi thể hiện sự yếu đuối trên trường quốc tế ở thời điểm bấp bênh này có thể là thảm họa cho chiến lược lớn của Moscow", Asia Times bình luận.

Động thái quyết liệt của Moscow nhằm ngăn chặn nguy cơ các cường quốc khác đặt chân vào khu vực mà Điện Kremlin không chỉ coi là không gian ảnh hưởng độc quyền, mà còn là khu vực dễ bị tổn thương của Nga.

Không mất nhiều thời gian, phương Tây đã lên tiếng cho rằng việc Nga đưa quân vào Kazakhstan là bằng chứng tiếp theo cho cách hành xử không phù hợp của Nga trên trường quốc tế, sau khi Moscow hỗ trợ cho phong trào ly khai ở Georgia và Ukraine.

Dù vậy, bước đi của Nga ở Kazakhstan không thực sự là mối bận tâm quá lớn đối với Mỹ.

Thậm chí, việc Moscow phải phân chia nguồn lực khỏi Ukraine để chuyển hướng sang vùng Trung Á sẽ giúp phương Tây có thêm thời gian để tìm ra giải pháp cho vấn đề ở Đông Âu.

Đảo lộn toan tính của Bắc Kinh

Trong khi phương Tây không quá bận tâm tới vấn đề Kazakhstan, cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Á lại là một nhân tố ẩn chứa nhiều phức tạp với Trung Quốc.

Nhiều năm qua, Trung Quốc đã sử dụng Trung Á làm cầu nối giữa các công xưởng trong nước với thị trường Tây Á - châu Âu thông qua các dự án hàng tỷ USD thuộc sáng kiến Vành đai, Con đường.

Kazakhstan nằm tiếp giáp Tân Cương và là một trong những điểm khởi đầu của Vành đai, Con đường. Trong 15 năm qua, Trung Quốc đã đầu tư gần 20 tỷ USD vào Kazakhstan. Các dự án Bắc Kinh tài trợ hoàn tất vào năm 2023 có giá trị lên đến 24,5 tỷ USD, theo South China Morning Post.

Bởi Trung Quốc đã đầu tư lớn vào Trung Á nói chung và Kazakhstan nói riêng, hiện diện của Moscow ở Kazakhstan càng lớn, Bắc Kinh càng kém vui.

Dù Tổng thống Putin dành nhiều sự quan tâm hơn cho biên giới Đông Âu, Điện Kremlin vẫn luôn theo sát vùng ngoại vi phía đông và phía nam, bởi những đe dọa từ sự xâm nhập của các phần tử Hồi giáo cực đoan.

Và sâu xa hơn nữa, dù Moscow và Bắc Kinh đang có quan hệ đối tác nồng ấm mà chủ yếu do xung đột gay gắt với Washington, lời nguyền vị trí địa lý và lịch sử cho thấy Nga và Trung Quốc sẽ còn nhiều thách thức cần vượt qua để trở thành những đồng minh đáng tin cậy của nhau.

Nhiều năm qua, Trung Quốc đã phác thảo những chiến lược địa chính trị, địa kinh tế dài hạn nhằm bảo đảm trở thành quốc gia thống trị ở khu vực hành lang Á - Âu. Đây là điều hiển nhiên không nhà lãnh đạo nào của Nga mong muốn.

ngua dua quan vao kazakhstan anh 2

Tàu chở hàng Á - Âu từ Tân Cương dừng tại nhà ga ở Almaty, Kazakhstan. Ảnh: China Daily.

Giờ đây, sự hiện diện của quân đội Nga ở Kazakhstan sẽ làm đảo lộn nghiêm trọng những kế hoạch tham vọng của Bắc Kinh.

Năm 2014, Moscow "đạo diễn" sự hình thành của Liên minh kinh tế Á - Âu. Một mặt, tổ chức này nhằm đối phó sự mở rộng của EU ở châu Âu. Mặt khác, Moscow muốn đối phó với việc Vành đai, Con đường của Trung Quốc ăn sâu vào khu vực Trung Á.

"Trong khi miền Đông Ukraine quan trọng với tham vọng của Nga, Kazakhstan thậm chí còn quan trọng hơn", Asia Times nhận định.

Kazakhstan là một trong những quốc gia sản xuất nhiên liệu hóa thạch lớn nhất thế giới. Việc hỗ trợ chính quyền Kazakhstan giúp Nga có cơ hội kiểm soát thêm nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng.

Trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng ít phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga, việc giữ chắc Kazakhstan trong quỹ đạo ảnh hưởng giúp Moscow có thêm những quân bài trong quan hệ với Bắc Kinh sau này.

Tại Washington, một liên minh chống Mỹ giữa Nga và Trung Quốc hình thành trên lục địa Á - Âu sẽ là kịch bản ác mộng. Nhưng với việc Nga dẫn đầu CSTO đưa quân vào Kazakhstan, kịch bản ác mộng đã thụt lùi một bước không nhỏ.

Điện Kremlin đưa hàng nghìn quân, không chỉ của Nga mà còn các nước thành viên CSTO khác, vào Kazakhstan là một tín hiệu gửi tới Bắc Kinh, nhằm nhắc nhở ai mới là người làm chủ tình hình ở Trung Á.

Nga sử dụng CSTO, liên minh phòng thủ do Moscow sáng lập và không bao gồm Trung Quốc, gửi đi thông điệp rõ ràng rằng Điện Kremlin sẽ không bao giờ để mất vai trò truyền thống ở Trung Á, dù cho bất cứ quốc gia nào khác có thể rót hàng tỷ USD vào những dự án kinh tế tại khu vực này.

"Dù Bắc Kinh và Moscow đã trở thành đối tác thân thiết hơn nhiều so với những ngày đối đầu của thập niên 1970-1980, hai nước vẫn là những kẻ đồng sàng dị mộng", Asia Times bình luận.

Hơn 5.000 người bị bắt trong tuần bạo loạn ở Kazakhstan

Nhà chức trách Kazakhstan ngày 9/1 cho biết hơn 5.000 người bị bắt từ khi bạo loạn bùng nổ tại quốc gia Trung Á hồi tuần qua.

Mỹ bắt đầu rút nhân viên ngoại giao khỏi Kazakhstan

Washington bắt đầu cho phép nhân viên ngoại giao rời Almaty, đồng thời tỏ thái độ hoài nghi việc Nga đưa quân vào Kazakhstan.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm