Theo Bloomberg, ngân hàng First Citizens - công ty con của First Citizens BancShares - mới đây đã ký một thỏa thuận mua và nhận nợ đối với tất cả khoản tiền gửi cũng như tiền vay tại SVB. Đặc biệt, trong đó bao gồm cả việc mua lại khoảng 72 tỷ USD tài sản với mức chiết khấu 16,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, khoảng 90 tỷ USD chứng khoán và tài sản nợ khác của SVB vẫn sẽ được FDIC kiểm soát để xử lý sau.
Ngoài ra, FDIC còn nhận được quyền tăng giá cổ phiếu (Stock Appreciation Right: Quyền mà người sở hữu sẽ nhận được một khoản tương đương mức tăng của cổ phiếu trong thời gian định trước) đối với First Citizens BancShares với tổng giá trị tiềm năng lên tới 500 triệu USD.
First Citizens sẽ mua lại toàn bộ các khoản tiền vay và gửi tại SVB. Ảnh: Reuters. |
Theo thông báo mới nhất từ đại diện FDIC, các khoản chi phí ước tính cho sự thất bại của SVB là khoảng 20 tỷ USD. Tuy nhiên, cơ quan này sẽ công khai chi phí chính xác một lần nữa sau khi đã chuyển giao hoàn toàn quyền quản lý cho First Citizens.
Chia sẻ về thương vụ mua lại này, ông Frank Holding Jr. - Giám đốc điều hành First Citizens - cho biết: "Đây là một giao dịch quan trọng vì nó giúp chúng tôi xây dựng mối quan hệ đối tác với FDIC, ngoài ra, thương vụ này còn thúc đẩy niềm tin của người dân vào cả hệ thống ngân hàng và chính First Citizens".
Được biết, First Citizens sẽ nhận 56 tỷ USD tiền gửi và 17 chi nhánh của SVB, sau đó tiếp tục vận hành chúng như một bộ phận của mình. Những tài khoản cũ của khách hàng tại SVB tạm thời không cần thay đổi hay cập nhật gì thêm.
"Khách hàng của SVB nên tiếp tục sử dụng tài khoản hiện tại cho đến khi nhận được thông báo mới nhất về việc chuyển đổi hệ thống. Chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành việc chuyển đổi sớm nhất có thể, và các khách hàng của SVB có thể sử dụng mọi dịch vụ tại tất cả chi nhánh của chúng tôi", đại diện First Citizens cho biết.
Theo Bloomberg, ngân hàng này thực tế đã nộp hồ sơ dự thầu để mua lại SVB từ giữa tháng 3 - khoảng 10 ngày sau khi ngân hàng chuyên hậu thuẫn cho các startup chính thức sụp đổ. Ngoài First Citizens, Valley National Bancorp cũng là một trong số những nhà thầu muốn mua lại SVB.
Trong khi đó, FDIC đã cố gắng để bán được chi nhánh SVB Private và ngân hàng SVB cùng lúc nhưng không có nhà thầu nào muốn mua lại cả 2 đơn vị. Do đó, cơ quan này đã tách riêng SVB Private và SVB để đấu giá vào ngày 24/3.
First Citizens BancShares Inc là một trong những tập đoàn lớn chuyên tham gia vào các thương vụ mua lại ngân hàng phá sản tại Mỹ. Công ty con của nó - ngân hàng First Citizens - hiện là ngân hàng lớn thứ 30 tại Mỹ với tổng tài sản khoảng 109 tỷ USD và 89,4 tỷ USD tiền gửi.
Theo các chuyên gia, một thỏa thuận bán lại SVB thành công sẽ giúp thị trường bình tĩnh trở lại, đồng thời trấn an tâm lý của nhà đầu tư - những người đang rơi vào tình trạng hoảng loạn sau 2 tuần liên tiếp phải nghe tin về những vụ phá sản ngân hàng và rủi ro với ngành tài chính toàn cầu.
Việc First Citizens mua lại SVB được cho là tín hiệu tích cực đối với thị trường. Ảnh: CNBC. |
Tuần trước, thị trường tài chính thế giới đã kết thúc trong sự căng thẳng khi ngân hàng tư nhân lớn nhất nước Đức Deutsche Bank bất ngờ gặp rắc rối liên quan tới trái phiếu cấp 1 (AT1), khiến cổ phiếu giảm 8,5% ngay trong phiên và chi phí bảo hiểm trái phiếu của ngân hàng này tăng mạnh.
Sáng nay (27/3), nhóm cổ phiếu ngân hàng châu Á cũng chứng kiến nhiều biến động trái chiều khi các chỉ số tương đối ổn định ở Australia và Tokyo nhưng lại trượt dài ở Hong Kong. Nguyên nhân là cổ phiếu của Standard Chartered niêm yết tại đây đã giảm 3,5%.
Trước đó, chỉ tính trong tháng 3, chỉ số Stoxx của cổ phiếu ngân hàng châu Âu đã giảm hơn 18%, còn chỉ số ngân hàng khu vực KBW của Mỹ cũng mất 21%, khiến các nhà đầu tư lo lắng về một cơn bão với ngành ngân hàng.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.