Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng Đức: “Deutsche Bank không phải là Credit Suisse tiếp theo”

Theo Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Deutsche Bank đã tiến hành “tái cấu trúc và hiện đại hóa mô hình kinh doanh để có lãi lớn”, do đó không cần lo lắng về tương lai ngân hàng này.

Trong phiên giao dịch ngày 24/3, cổ phiếu Deutsche Bank bất ngờ lao dốc sau khi giá hợp đồng hoán đổi rủi ro vỡ nợ (CDS) của ngân hàng này tăng cao. Theo CNBC, lý do khiến cổ phiếu của nhà băng Đức bị bán tháo ồ ạt là do lo ngại về sự bất ổn của hệ thống ngân hàng châu Âu.

Sau vụ việc này, nhiều chuyên gia bày tỏ nghi vấn và cho rằng không hiểu vì sao một ngân hàng vững mạnh với 10 quý lãi liên tiếp lại trở thành mục tiêu tiếp của chế độ “tìm kiếm và hủy diệt" trên thị trường.

Deutsche Bank co phieu anh 1

Nhà đầu tư bất ngờ chuyển hướng sang lo lắng cho Deutsche Bank. Ảnh: Boris Roessler.

Hoạt động kinh doanh ổn định

Theo CNBC, thương vụ giải cứu khẩn cấp Credit Suisse của UBS cũng như sự sụp đổ trước đó của Silicon Valley Bank (SVB) dường như đã châm ngòi cơn hoảng loạn của các nhà đầu tư. Tâm lý này càng áp lực hơn nữa khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố tiếp tục tăng lãi suất hôm vừa rồi.

Trước đó, các ngân hàng trung ương đã kỳ vọng rằng thương vụ giải cứu Credit Suisse do giới chức Thụy Sỹ làm trung gian sẽ trấn an được giới đầu tư về sự ổn định của hệ thống tài chính châu Âu. Tuy nhiên, động thái đi ngược quy tắc xử lý quyền lợi cho các chủ nợ của Credit Suisse khi ghi giảm toàn bộ 17,4 tỷ USD trái phiếu đã khiến thị trường thất vọng.

Nhiều nhà đầu tư thậm chí cho biết họ tin rằng thương vụ trên chưa đủ để giải tỏa những căng thẳng của hệ thống ngân hàng châu Âu.

Dẫu vậy, các chuyên gia khẳng định Deutsche Bank hoàn toàn khác. Những năm gần đây, ngân hàng này đã thực hiện cuộc tái cấu trúc trị giá hàng tỷ USD với việc cắt giảm chi phí và tăng lợi nhuận, sau đó ghi nhận thu nhập ròng 5 tỷ euro trong năm 2022, tăng tới 159% so với năm trước.

Tỷ lệ CET1 - thước đo khả năng thanh toán - của Deutsche Bank là 13,4% vào cuối năm 2022, trong khi tỷ lệ đảm bảo khả năng thanh toán là 142% và tỷ lệ đảm bảo thanh khoản ở mức 119%. Đây được coi là những con số quá an toàn về nguồn lực của ngân hàng lớn nhất tại Đức.

Trong một cuộc họp báo ngày 24/3, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết Deutsche Bank đã tiến hành “tái cấu trúc và hiện đại hóa mô hình kinh doanh để trở thành một ngân hàng có lãi lớn”. Do đó, không có cơ sở nào để phải đồn đoán về tương lai của ngân hàng này.

Không có gì đáng lo ngại

Theo một số nhà phân tích, những lo ngại về Deutsche Bank chủ yếu xoay quanh danh mục bất động sản thương mại ở Mỹ cũng như danh mục tài sản phái sinh khổng lồ.

Tuy nhiên, công ty nghiên cứu Autonomous đã bác bỏ quan ngại này bởi cả hai đều “không đáng lo” so với “khả năng thanh khoản và nguồn vốn mạnh” của nhà băng Đức.

“Việc chúng tôi xếp hạng cổ phiếu Deutsche Bank ở mức kém hiệu quả đơn giản vì chúng tôi cho rằng có những cổ phiếu hấp dẫn hơn trong ngành”, các chiến lược gia Stuart Graham và Leona Li của Autonomous viết trong báo cáo. “Chúng tôi không lo ngại gì về khả năng tồn tại hay vấn đề tài sản của họ, và chắc chắn Deutsche Bank không phải là Credit Suisse tiếp theo”.

Các chiến lược gia này cũng đồng thời dự báo mức lợi nhuận trên giá trị sổ sách hữu hình của ngân hàng Đức năm nay sẽ là 7,1%, sau đó tăng lên 8,5% vào năm 2025.

Deutsche Bank co phieu anh 2

Các chuyên gia cho rằng Deutsche Bank sẽ tăng trưởng tốt trong năm nay. Ảnh: Financial Times.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia JPMorgan, giới chức trách vẫn nên cẩn thận hơn khi quản lý hệ thống ngân hàng vào thời điểm nhạy cảm.

Giải thích về điều này, họ bắt đầu từ 3 yếu tố dẫn đến sự sụp đổ của Credit Suisse. Thứ nhất là sự thất bại trong công tác quản trị làm xói mòn niềm tin vào năng lực của ngân hàng. Thứ hai là bối cảnh thị trường khó khăn cản trở kế hoạch tái cơ cấu. Và cuối cùng là nỗi lo về rủi ro thanh khoản của thị trường sau khi SVB sụp đổ.

Dù sự sụp đổ của SVB được xem là “giọt nước tràn ly” trong những nguyên nhân dẫn tới vụ việc Credit Cruisse, JPMorgan vẫn cho rằng không thể đánh giá thấp tầm quan trọng của bối cảnh khó khăn, nơi mà Credit Suisse đang cố gắng tái cơ cấu chính họ.

“Deutsche Bank cũng có những áp lực riêng và những khó khăn trong công tác quản trị. Theo quan điểm của chúng tôi, ngân hàng này vẫn có chi phí cơ sở tương đối cao và vẫn phụ thuộc vào nhượng quyền thương mại FICC (thu nhập cố định, tiền tệ và hàng hóa) để tạo vốn”, các chiến lược gia của JPMorgan viết trong báo cáo ngày 24/3.

Do đó, chính lãnh đạo ngân hàng cũng cần kiểm soát nội bộ cẩn thận hơn trong bối cảnh nhạy cảm này.

Ngoài ra, các chiến lược gia của JPMorgan nói thêm rằng dù chất lượng hoạt động thế nào, những sự kiện xảy ra gần đây cho thấy những tổ chức tài chính thường sống “hoàn toàn dựa vào niềm tin”.

Chính phủ Thụy Sĩ hạn chế chi trả tiền thưởng tại Credit Suisse

Giới chức Thụy Sĩ đã tạm thời đình chỉ việc Credit Suisse tiếp tục chi trả các khoản thưởng cho ban lãnh đạo và nhân viên của mình, do gặp phải làn sóng phản đối từ phía người dân.

Nhân viên Credit Suisse sốt sắng tìm việc mới sau cuộc giải cứu

Nhiều nhà tuyển dụng đang nhận được hàng loạt cuộc gọi từ nhân viên Credit Suisse sau khi ngân hàng lớn thứ 2 Thụy Sĩ gặp khó khăn và bị đối thủ UBS thâu tóm.

'Cứu' Credit Suisse, mỗi người dân Thụy Sĩ gánh 13.500 USD

Để giải cứu Credit Suisse - ngân hàng lớn thứ 2 Thụy Sĩ, chính phủ nước này đã phải chi một khoản tiền khổng lồ, mà nếu tính theo đầu người thì sẽ khoảng 13.500 USD.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Hằng Nga

Bạn có thể quan tâm