Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cô gái sáng tác artbook về lịch sử triều Trần

Bằng sự nỗ lực và kiên trì, Trần Tuyết Hàn (sinh năm 1996) đã phát triển đề tài tốt nghiệp tại ĐH Mỹ Thuật TP.HCM thành cuốn artbook "Hành trình Đông A" nói về lịch sử triều Trần.

Tuyết Hàn đã chia sẻ về ý tưởng thực hiện đồ án lịch sử triều Trần trong lời tự giới thiệu: “Khi gia đình có cơ duyên sở hữu một căn nhà cổ, tôi lại say mê những hoạ tiết cũ xưa tinh tế và mê hoặc. Mỗi khi ngắm nhìn những cột kèo, xà nhà, tôi lại tự hỏi những họa tiết ấy đến từ đâu, có hàm nghĩa gì, làm sao người xưa khéo tay như vậy?".

Lịch sử và văn hóa bắt đầu lôi cuốn mình theo cách giản dị như thế. Hàng ngày đi qua những con đường mang tên các vị anh hùng, danh nhân văn hóa, địa danh vẻ vang suốt nghìn năm lịch sử, cô gái càng khao khát muốn tìm hiểu sâu hơn cội nguồn văn hóa của đất nước mình.

Ý tưởng đến từ chính ngôi nhà cổ của gia đình

Sau khi tham khảo về những sự kiện lịch sử như: Hội nghị Diên Hồng năm 1284, ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông… đến các nhân vật nổi tiếng của triều Trần như: Thái sư Trần Thủ Độ, Trần Quốc Toản, nhà giáo Chu Văn An… trong các tài liệu, cô bạn đã tái hiện kiến thức bằng nét vẽ theo phong cách khắc gỗ Việt Nam tinh tế trong từng chi tiết.

Điều này giúp thông tin lịch sử “khô cứng” trở nên hấp dẫn, gần gũi và dễ nhớ hơn với các bạn trẻ.

Lich su trieu Tran anh 1

Trần Tuyết Hàn và cuốn artbook Hành trình Đông A. Ảnh: NVCC.

Đưa lịch sử đến gần hơn với các bạn trẻ bằng artbook

“Sau khi bảo vệ bài tốt nghiệp, mình mong muốn đề tài này sẽ trở thành một sản phẩm thương mại để có thể tiếp cận với nhiều bạn trẻ hơn nên đã gửi bản thảo đến Nhà xuất bản Kim Đồng. May mắn là mình đã được các anh chị hỗ trợ, chỉnh sửa đồ án để xuất bản dưới dạng artbook bằng việc sắp xếp nội dung một cách khoa học, hợp lí hơn và tìm hiểu thêm nội dung, bổ sung chỉnh sửa hơn 60% đồ án hiện có”, cô bạn bật mí.

Bên cạnh đó, Tuyết Hàn tạo sợi dây kết nối giữa lịch sử với bạn đọc trẻ hôm nay để tác phẩm trở nên gần gũi hơn.

Trong tôi có một niềm khát khao muốn tìm hiểu sâu hơn cội nguồn văn hóa của đất nước mình.

Tác giả Trần Tuyết Hàn

Thế là câu chuyện hóa thân thành nhân vật Đông A - hậu duệ đời thứ 40 của Trần tộc, nhờ có món bảo vật là sợi dây chuyền chạm khắc hình rồng thời Trần mà được xuyên không về quá khứ, tìm hiểu những trận đánh huy hoàng của vua quan nhà Trần, làng nghề nổi tiếng, nét đặc sắc trong phong cách mỹ thuật… ra đời.

“Điều khó khăn nhất khi thực hiện artbook là nhiều hình ảnh tư liệu hiện không còn nên mình phải tốn nhiều thời gian, công sức tìm tư liệu nước bạn để tham khảo và kết hợp tư liệu thực tế của Việt Nam như tượng, tranh, sách… trong các bảo tàng, đền chùa để có phương án tạo hình tốt nhất. Nhưng để được chọn in vào sách thì mình còn phải diễn giải và thuyết phục được các anh chị biên tập viên, cả hai bên sẽ cùng kiểm tra, so sánh nhiều lần đảm bảo cung cấp thông tin chính xác nhất cho độc giả”, Tuyết Hàn chia sẻ.

Cô bạn còn tập trung tả nét biểu cảm của từng nhân vật tuỳ theo tính cách, tình huống sự kiện lịch sử như: Phong thái quyết đoán của một thái sư trong những ngày đầu lập nên nhà Trần của Trần Thủ Độ, Trần Quốc Toản có nét mặt cương trực khi bóp nát trái cam trong hội nghị Diên Hồng, nét từ bi của Phật hoàng Trần Nhân Tông, sự đoan trang của một công chúa vì lợi ích dân tộc với đôi mắt xa xăm nhìn về phương nam của Huyền Trân Công chúa… giúp sách trở nên ấn tượng hơn.

“Để độc giả không bị nhầm lẫn với phong cách manga Nhật Bản hay truyện tranh Trung Quốc, mình cố gắng đưa những yếu tố thuần Việt như: Họa tiết trên trang phục hoa văn gốm sứ hoa nâu thời Trần hay các bức chạm khắc bằng gỗ ở chùa Thái Lạc, tiêu chuẩn đẹp người phụ nữ của xã hội thời bấy giờ (ví dụ: Nhuộm răng đen, đi chân đất)… vào tranh và chăm chút kĩ từng chi tiết, tô đậm vẻ đẹp truyền thống Việt Nam”, Tuyết Hàn chia sẻ.

Sau dự án này, Tuyết Hàn sẽ tiếp tục đưa độc giả xuyên không lịch sử tìm hiểu các triều đại vẻ vang khác.

Nam Kha/ Tym Book & Media/ NXB Phụ nữ Việt Nam

SÁCH HAY