Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

CLB Hà Nội phải thắng HAGL để bám sát Viettel

Sự căng thẳng giữa CLB Hà Nội và HAGL từng được đẩy tới đỉnh điểm khi đôi bên không có nhiều chênh lệch về chuyên môn, nhưng đó đã là câu chuyện của mùa giải 2018.

Trong quá khứ, cuộc đối đầu giữa HAGL và CLB Hà Nội từng là trận cầu “kinh điển” của V.League, hội đủ mọi yếu tố từ chuyên môn, giải trí tới ngôi sao.

HAGL CLB Ha Noi anh 1

Những trận đấu giữa CLB Hà Nội và HAGL trong quá khứ thường căng thẳng, nhiều tranh cãi. Ảnh: Minh Chiến.

Từng là đại chiến

2018 có lẽ là năm đáng nhớ nhất trong lịch sử đối đầu giữa HAGL và CLB Hà Nội. Mùa ấy, hai đội gặp nhau tổng cộng 4 lần trên hai mặt trận V.League và Cúp Quốc gia. Bỏ qua thất bại 0-5 của HAGL ở lượt đi V.League, ba trận còn lại đều là những bữa tiệc bóng đá thịnh soạn dành cho người hâm mộ.

Tứ kết lượt đi Cúp Quốc gia, HAGL hai lần dẫn trước đối thủ nhưng vẫn phải rời sân với tỷ số hòa 2-2. Đến trận lượt về, Nguyễn Văn Toàn tiếp tục giúp HAGL vượt lên trước khi Nguyễn Thành Chung ghi bàn quân bình tỷ số. Cả hai lượt trận, CLB Hà Nội đều bị dẫn, đều không thắng được đối thủ. Họ chỉ đi tiếp nhờ luật bàn thắng sân khách.

Tới lượt về ở V.League, mọi thứ vẫn căng như dây đàn. Nguyễn Văn Quyết và đồng đội dẫn 4 bàn nhưng HAGL gỡ liền 3 quả chỉ trong 26 phút. Trận đấu chỉ được định đoạt sau pha lập công quyết định của Đoàn Văn Hậu.

Chứng kiến HAGL chơi thăng hoa trước đội bóng mạnh nhất Việt Nam, bầu Đức từng cao hứng tuyên bố: “Đừng tưởng tụi nhỏ vốn chơi dở mà bất ngờ. Tôi đã bảo rồi mà, đá với lũ trẻ bây giờ khó lắm chứ không dễ nữa đâu”.

Sự quyết liệt trên sân cỏ như được tẩm thêm gia vị bởi những tranh cãi bên lề. Lượt đi V.League, Nguyễn Tăng Tiến có pha vào bóng “ăn người” với Đỗ Duy Mạnh. Đây là pha bóng được Mạnh miêu tả như “làm đổ chén cơm nhà người khác”.

Đến lượt đi Cúp Quốc gia, hai đội chỉ trực lao vào nhau. Rimario Gordon tranh cãi nảy lửa với Duy Mạnh, Ganiyu Oseni lao vào sân đòi ăn thua, Phạm Thành Lương nhận thẻ đỏ, HLV Chu Đình Nghiêm bị tước quyền chỉ đạo còn khán giả HAGL ném chai lọ xuống băng ghế huấn luyện đội khách.

Trận cầu hôm ấy tạo ra một hiệu ứng truyền thông khổng lồ, phủ kín nền bóng đá. Chuyện vừa căng thẳng, vừa hài hước tới độ các trọng tài thi nhau đùn đẩy làm nhiệm vụ ở lượt về. Ban trọng tài khi đó tiết lộ 2 trọng tài FIFA đã từ chối bắt trận CLB Hà Nội - HAGL tại Hàng Đẫy. Trước đó, trọng tài tốt nhất Việt Nam là ông Ngô Duy Lân cũng chịu rất nhiều áp lực từ cả hai đội sau lượt đi. Ban trọng tài phải thuyết phục mãi, người cầm còi cấp FIFA Nguyễn Hiền Triết mới đứng ra nhận nhiệm vụ.

Ông Dương Văn Hiền, khi đó là phó ban trọng tài, đã dùng từ “dũng cảm” để miêu tả về quyết định của trọng tài Hiền Triết.

HAGL CLB Ha Noi anh 2

HAGL không còn ở vị thế tương đương CLB Hà Nội trong những năm gần đây. Ảnh: Minh Chiến.

CLB Hà Nội đứng trên đối thủ

Năm 2018, những cuộc đối đầu căng thẳng giữa CLB Hà Nội và HAGL tới ở thời điểm nửa năm sau kỳ tích Thường Châu. Lúc ấy, cả CLB Hà Nội và HAGL đều đang có lực lượng mạnh, sở hữu nhiều tuyển thủ quốc gia đạt phong độ cao. HAGL vẫn còn Lương Xuân Trường, Nguyễn Công Phượng, vẫn còn nguồn cảm hứng từ Thường Châu. Hai đội bóng khi ấy đang có nhiều cầu thủ là nòng cốt U23 Việt Nam. Nhìn trận cầu ấy, người hâm mộ như thấy cuộc “nội chiến” ở U23.

Sự căng thẳng, tính chất đối đầu chỉ được đẩy lên cao nhất khi yếu tố chuyên môn giữa đôi bên không có khác biệt quá lớn. Khi HAGL đủ sức cạnh tranh với Hà Nội, họ mới đủ sức khiến đối phương thấy áp lực, đủ sức khiến người hâm mộ thấy kỳ vọng. Và điều đó chỉ diễn ra ở mùa giải 2018.

Sang năm 2019, HAGL có thêm hai trận hòa trước đối thủ. Nhưng việc Xuân Trường, Công Phượng cùng được cho mượn, bất ổn về phong độ của HAGL, việc CLB Hà Nội tập trung cho mặt trận châu Á khiến bầu không khí dần lắng xuống.

Trận lượt đi mùa này, HAGL nhận thất bại 0-3 ở Hàng Đẫy. Khi đó, CLB Hà Nội vẫn đang trong cuộc khủng hoảng nhân sự và phong độ. Tuy nhiên, họ đã lấy lại phong độ trong thời gian qua và đang chơi thứ bóng đá khiến cả V.League phải dè chừng. Cơ hội cho HAGL vào lúc này không còn nhiều.

Sân Pleiku, điểm tựa hiếm hoi của HAGL trong quá khứ, giờ cũng không còn là lợi thế. 6 trận từ khi lứa Công Phượng lên V.League, HAGL thắng 3, hòa 2, thua 1 trước CLB Hà Nội. Vấn đề là 3 chiến thắng đó đều đến trước năm 2018.

Tình thế hiện tại của CLB Hà Nội không cho phép họ được phung phí thêm điểm số. Chiến thắng trước CLB TP.HCM đã đưa đội Viettel lên đỉnh bảng V.League. Với 5 điểm ít hơn đối thủ, lựa chọn duy nhất của nhà đương kim vô địch là phải chiến thắng.

Họ sẽ phải vượt qua HAGL trên sân Pleiku lúc 17h ngày 15/10 rồi mới có thể nghĩ đến việc bảo vệ ngôi vô địch.

HAGL CLB Ha Noi anh 3

Tuyển Việt Nam và U22 có 4 tuần tập trung sau V.League

Tuyển quốc gia và U22 Việt Nam sẽ tập trung khoảng 4 tuần sau khi V.League khép lại vào giữa tháng 11.

HLV Hàn Quốc 'hết phép' ở đội TP.HCM

Kỳ vọng về đế chế mới và chất Hàn Quốc ở V.League đang dần sụp đổ sau những thất bại liên tiếp của huấn luyện viên Chung Hae-seong cùng CLB TP.HCM.

HAGL đua vô địch - thực tại hay mộng mơ

Chiến thắng bất ngờ trước CLB TP.HCM tại vòng cuối lượt đi giúp HAGL giành vừa đủ điểm để vào top 8. Lần đầu tiên từ năm 2013, HAGL có cơ hội đua vô địch V.League.

Thanh Hà

Bạn có thể quan tâm