Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Văn Thanh và cuộc đấu tay ba ở tuyển Việt Nam

Trước khi Trọng Hoàng, Văn Hậu khẳng định được mình, Văn Thanh từng là hậu vệ cánh số một của HLV Park Hang-seo, một trong những trụ cột của lứa Thường Châu.

Bàn thắng vào lưới CLB Viettel là pha lập công thứ ba của Vũ Văn Thanh, thành tích ghi bàn ấn tượng nhất của một hậu vệ ở V.League 2020. Tuyển thủ Việt Nam đang dần trở lại với phong độ tốt nhất, thứ từng giúp anh có một vị trí không thể tranh cãi trong “Thế hệ Thường Châu”.

Van Thanh Tuyen Viet Nam anh 1

Văn Thanh (áo trắng) ăn mừng bàn thắng vào lưới CLB Viettel ở vòng 1 giai đoạn 2 V.League. Ảnh: Minh Chiến.

Văn Thanh từng là số một với thầy Park

Cùng với Văn Thanh, Nguyễn Trọng Hoàng và Đoàn Văn Hậu là ba cầu thủ chạy cánh tốt nhất của HLV Park Hang-seo ở các đội tuyển Việt Nam. Khác với nhiều sơ đồ khác, hệ thống 3-4-3 không có tiền vệ biên. Hậu vệ cánh trong sơ đồ này phải lo cả phòng ngự lẫn tấn công, phụ trách toàn bộ hành lang cánh. Vai trò ấy đòi hỏi hậu vệ cánh phải trở thành những “cỗ máy”. May cho ông Park, cả ba cái tên ở trên đều đã chứng minh họ đủ năng lực cho vị trí đặc biệt này.

Vấn đề là ông Park chưa bao giờ có đủ cả ba người từ khi tới Việt Nam.

Trong ba cái tên, Văn Thanh là người hùng đầu tiên của ông Park. Anh chơi trọn vẹn 6 trận, không nghỉ một phút nào tại U23 châu Á. Hậu vệ của HAGL để lại ấn tượng đặc biệt với pha ăn mừng ngạo nghễ trong thắng lợi trước Qatar ở bán kết U23 châu Á 2018. Trước đó, anh cũng là hậu vệ cánh số một của tuyển Việt Nam dưới thời HLV Nguyễn Hữu Thắng, với một dấu ấn khác là pha lập công vào lưới Indonesia tại bán kết AFF Cup 2016.

Khi Văn Thanh là người hùng ở Thường Châu, Văn Hậu chỉ đá 3 trận vòng bảng rồi vắng mặt vì chấn thương, Trọng Hoàng còn chưa được gọi lên tuyển dưới thời Park.

Tháng 10/2018, thời đỉnh cao của Văn Thanh tạm chấm dứt sau chấn thương dây chằng gối phải. Sự vắng mặt của hậu vệ HAGL ngay trước thềm AFF Cup 2018 buộc HLV Park Hang-seo phải tiến hành hàng loạt thử nghiệm, một trong số đó là kéo tiền vệ công Nguyễn Trọng Hoàng, Phan Văn Đức về đá hậu vệ phải.

Điều bất ngờ là Trọng Hoàng thích nghi quá tốt trong vai trò mới. Anh lấy luôn vị trí chính thức ở AFF Cup và trở thành không thể thay thế suốt từ đó tới nay. Cùng với sự tiến bộ thần tốc của Văn Hậu, hai người họ đã trở thành đôi cánh của tuyển Việt Nam dưới thời Park Hang-seo.

Thời của Trọng Hoàng, Văn Hậu ứng với giai đoạn hồi phục của Văn Thanh. Hậu vệ HAGL bình phục chậm, mất gần một năm để lấy lại phong độ. 8 trận đầu mùa 2019, anh bị thay ra tới 7 lần.

Van Thanh Tuyen Viet Nam anh 2

Văn Hậu, Trọng Hoàng đang là hai hậu vệ cánh tốt nhất của tuyển Việt Nam. Ảnh: Minh Chiến.

Cần giải pháp dự phòng cho Trọng Hoàng, Văn Hậu

Vì Văn Thanh chưa trở lại, ông Park chỉ còn hai hậu vệ cánh đẳng cấp trong đội hình. Đây chính là vấn đề.

Do chỉ còn hai người, Văn Hậu, Trọng Hoàng phải cày ải trong gần như mọi trận đấu. Họ không được phép vắng mặt, phải ra sân ngay cả khi chưa bình phục chấn thương. Trọng Hoàng nghỉ nửa đầu mùa 2019 vì rắc rối chuyển nhượng ở CLB Viettel nhưng vẫn đá chính cả 2 trận tại King’s Cup hồi tháng 6. Đến tháng 9/2019, dù chưa bình phục chấn thương, Trọng Hoàng tiếp tục phải ra sân khi tuyển Việt Nam đụng Thái Lan trên đất khách.

Văn Hậu cũng ở tình trạng tương tự. Anh cày ải trên mọi mặt trận trong năm 2019, đá liên tục cả ở U22, U23 và tuyển Việt Nam. Nhiều lần trong năm, Văn Hậu bay từ châu Âu về nước, tập đúng một buổi trước khi vào sân đá chính cho tuyển Việt Nam.

Ông Park đã thử nghiệm nhiều cái tên để thoát khỏi sự phụ thuộc ấy. Nhưng không một lựa chọn nào mang tới sự an toàn. Đòi hỏi quá cao ở vị trí chạy cánh khiến các phương án thử nghiệm đều không đáp ứng được nhu cầu. Phạm Xuân Mạnh, Nguyễn Phong Hồng Duy, Hồ Tấn Tài, Trần Văn Kiên... từng được gọi nhưng không ai đáp lại niềm tin nơi ông Park. Sự thiếu hụt ở vị trí chạy cánh tương tự thiếu hụt nơi hàng công, buộc cả Văn Hậu, Trọng Hoàng phải thi đấu liên tục, suốt từ AFF Cup tới nay.

Sự trở lại của Văn Thanh vì thế là liều “doping” đáng kể cho tuyển Việt Nam trước năm 2021 bận rộn.

So với hai người đồng đội, Văn Thanh không kém về phòng ngự. Anh thậm chí trội hơn ở khả năng hỗ trợ tấn công. Sau 120 trận V.League, Văn Thanh đã có 21 bàn (0,175 bàn/trận), cao hơn hẳn Văn Hậu (9 bàn sau 108 trận, 0,08 bàn/trận).

Sau khi tuyển Việt Nam định hình bộ khung ở AFF Cup 2018 và Asian Cup 2019, những cái tên mới gần như không còn cơ hội chen chân vào đội hình chính. Thành công duy nhất được ghi nhận tới thời điểm này là Nguyễn Tuấn Anh, một người của HAGL. Văn Thanh cũng tới từ HAGL và là công thần của buổi đầu triều đại Park Hang-seo.

Nếu Văn Thanh tiếp tục duy trì phong độ, tuyển Việt Nam sẽ có 3 lựa chọn đẳng cấp ở vị trí chạy cánh. Đó vẫn là một cơn đau đầu của ông Park, nhưng sẽ là cơn đau đầu dễ chịu mà ông muốn đón nhận.

Văn Thanh ghi bàn sau cú đá phạt nhanh của Xuân Trường Tình huống đá phạt nhanh của Lương Xuân Trường mở ra cơ hội để Văn Thanh dứt điểm vào lưới Viettel, rút ngắn cách biệt xuống còn 1-2 cho HAGL trước khi hiệp một kết thúc.

Cựu binh U23 Việt Nam giúp CLB Quảng Ninh đè bẹp Bình Dương

Bộ đôi Giang Trần Quách Tân và Nguyễn Hai Long chơi tốt, giúp CLB Quảng Ninh đè bẹp đối thủ Bình Dương bằng tỷ số 3-0 tại vòng một giai đoạn 2 V.League tối 10/10.

Xuân Trường, Văn Thanh đánh lừa hàng thủ CLB Viettel

Pha phối hợp tinh quái của Xuân Trường và Văn Thanh giúp HAGL có bàn thắng duy nhất trong trận thua 1-4 trước CLB Viettel tại vòng một giai đoạn 2 V.League tối 9/10.

Ngày tồi tệ của thủ môn HAGL

Thủ thành Trần Bửu Ngọc có ngày thi đấu đáng thất vọng khi mắc lỗi trong 3 bàn thua, khiến HAGL nhận thất bại 1-4 trước chủ nhà Viettel tại vòng 1 giai đoạn 2 V.League tối 9/10.

Thanh Hà

Bạn có thể quan tâm