Trước khi thua CLB Hà Nội ở vòng 11, trước vụ lùm xùm thượng tầng hồi tháng 7, TP.HCM không phải đội bóng tệ. Họ xếp hạng ba với 17 điểm, mới thua 3 trận từ đầu mùa.
Mọi thứ thay đổi chóng mặt sau thảm bại 0-3 trước nhà đương kim vô địch ở vòng 11. Trên băng ghế chỉ đạo, HLV Chung Hae-seong bị đẩy lên làm GĐKT, bắt đầu 20 ngày bất ổn thượng tầng với hàng loạt diễn biến phức tạp. Trên sân cỏ, CLB TP.HCM thua 3 trong 5 trận sau đó, bị loại ở Cúp Quốc gia, bị bỏ xa ở V.League. Họ hiện tụt xuống hạng năm, kém ngôi đầu 7 điểm.
Giấc mơ vô địch và tham vọng về đế chế mới đang xa dần tầm tay của họ.
CLB TP.HCM đã làm mọi thứ có thể, nhưng vẫn không thể vượt qua đội Hà Nội trong 4 lần gặp nhau ở mùa này (Siêu cúp, Cúp Quốc gia, 2 trận ở V.League). Ảnh: Minh Chiến. |
Nỗi sợ hãi trước ngọn núi
Cuộc khủng hoảng ở đội TP.HCM gắn liền với đối thủ CLB Hà Nội. Đây là đội bóng trực tiếp loại họ ở Cúp Quốc gia, thắng họ 2 lần tại V.League. Ông Chung Hae-seong bị cách chức cũng sau trận thua trực tiếp trước CLB Hà Nội ở vòng 11 hôm 24/7.
Nhìn cách đội TP.HCM đá với Hà Nội mùa này là đủ thấy họ đã khác nhiều thế nào so với năm ngoái.
Hai trận gặp CLB Hà Nội tại V.League 2019, đoàn quân của HLV Chung Hae-seong thua 0-1 tại Hàng Đẫy, hòa 2-2 ở Thống Nhất. Hai đội cạnh tranh quyết liệt, bám đuổi không ngừng. CLB TP.HCM chỉ chịu thua ở những vòng cuối cùng, với cách biệt điểm số rất thấp.
Điều đó không còn được duy trì ở mùa này. Dù đá đôi công như hồi đầu mùa hay chơi phòng ngự như trận vừa qua, CLB TP.HCM đều không có cửa trước đối thủ. Họ viện đủ mọi phương cách, đưa về một hàng loạt cầu thủ mới, liên tục chỉ trích trọng tài nhưng vẫn không có nổi dù chỉ một điểm. Họ càng đá càng thua, trận thấp nhất cách biệt 2 bàn, trận cao nhất cách biệt 4 bàn. Có cảm giác, HLV Chung Hae-seong đã hoàn toàn bất lực, đã gặp phải khắc tinh.
Điều kỳ lạ là khắc tinh ấy không hề mạnh hơn. CLB Hà Nội thậm chí yếu đi nhiều so với mùa giải 2019. Vấn đề là đội TP.HCM còn yếu đi nhiều hơn.
Mùa trước, HLV Chung Hae-seong không có Công Phượng, Trần Phi Sơn chưa bình phục chấn thương. Tuy nhiên, đội bóng của ông vẫn băng băng trên đường chạy. Mùa này, họ có thêm 2 ngôi sao lớn, vừa bổ sung cả Trần Đình Khương, Lâm Ti Phông (người đã chơi khá tốt ở trận đấu hôm 10/10). Dù vậy, họ vẫn thất bại.
Những sự bổ sung liên tiếp về lực lượng không mang lại nhiều giá trị khi ông Chung không còn duy trì được sự kỷ luật và tinh thần đoàn kết, thứ từng làm nên sức mạnh của đội bóng ở mùa giải trước.
Sau bê bối của HLV trưởng hồi tháng 7, cảm giác có nhiều cơn sóng ngầm đang tồn tại trong nội bộ CLB này. Các cầu thủ, thành viên ban huấn luyện không còn nhìn về một hướng. Họ có lẽ đang bận rộn cho những phân tranh nội bộ hơn là khao khát danh hiệu V.League.
HLV Chung Hae-seong đang trải qua quãng thời gian khó khăn nhất trong 2 năm ở CLB TP.HCM. Ảnh: Minh Chiến. |
Có sóng ngầm ở đội TP.HCM?
Án phạt của trung vệ đội phó Nguyễn Hữu Tuấn là dấu hiệu cho những mâu thuẫn âm ỉ trong lòng đội bóng. Là cầu thủ chuyên nghiệp, tuyển thủ quốc gia và thành viên ban cán sự đội, Hữu Tuấn phải hiểu anh không thể đá phủi trong bối cảnh mùa giải khốc liệt. Anh đã sai và phải nhận án phạt. Tuy nhiên, cái cách đội TP.HCM phản ứng Hữu Tuấn mới là điều đáng nói. Án kỷ luật nội bộ chưa đủ, lãnh đạo đội còn tính tới việc thanh lý hợp đồng cầu thủ mà họ vừa gia hạn 2 năm cách đây vài tháng.
Sự việc Hữu Tuấn cho thấy những căng thẳng âm ỉ trong lòng đội đương kim á quân. Nó chỉ cần vài cái cớ để bộc phát mạnh mẽ. Đó cũng là điều hợp lý ở CLB mà HLV vừa bị cách chức rồi lại phục chức chỉ sau vài chục ngày, chứng kiến hàng loạt biến động, hàng loạt thay đổi từ ban huấn luyện tới đội ngũ cầu thủ.
Không giữ được sự tập trung bên trong, dàn sao của CLB TP.HCM không đá nổi bên ngoài. Đội bóng mà ông Chung từng tự hào miêu tả là CLB chuyên nghiệp nhất Việt Nam giờ nhìn đâu cũng thấy vấn đề. Công trình dang dở xây dựng từ mùa trước giờ đứng trên bờ vực sụp đổ. Với 7 điểm cách biệt ngôi đầu, đội TP.HCM không còn nhiều cơ hội.
HLV Chung Hae-seong cũng mới nhận thêm tin sét đánh liên quan tới Công Phượng. Chấn thương ngón chân trái buộc Phượng nghỉ thi đấu 6-8 tuần, đồng nghĩa với vắng mặt trong toàn bộ phần còn lại của mùa giải.
Sự vắng mặt của Phượng là cú đấm quyết định giáng vào tham vọng của CLB TP.HCM. Bốn trận gần nhất, CLB TP.HCM thua ba. Ba thất bại ấy đều không có Công Phượng. Chiến thắng duy nhất của họ tới khi Phượng vào sân trước Nam Định. Với TP.HCM, Công Phượng vừa là niềm cảm hứng, chân sút tốt nhất (6 bàn tại V.League). Tuy nhiên, anh chơi càng hay, hạn chế của đội bóng càng được bộc lộ rõ ràng. Vì lẽ gì mà nhà đương kim á quân phải phụ thuộc vào năng lực của tân binh vừa gia nhập, dù anh ta xuất sắc tới đâu?
Sau trận thua CLB Hà Nội hôm 10/10, chúng ta thấy hình ảnh mệt mỏi, bất lực của ông Chung. Ông từ chối dự họp báo với lý do sức khỏe, không xuất hiện để nói về những vấn đề của đội bóng. Sau 4 trận toàn thua CLB Hà Nội từ đầu mùa, ông có lẽ cũng chẳng còn gì để nói. Cứ thể hiện phong độ này, ngày chia tay (một lần nữa) của ông Chung ở đội bóng đang tới gần. Lần này, có lẽ không còn ai níu kéo người thầy Hàn Quốc.
Những điều ở lại sẽ chỉ là nỗi tiếc nuối, tiếc cho một đại công trình hứa hẹn và dang dở, tiếc cho một Công Phượng vừa tìm thấy đường sáng của riêng mình.