Hai Thủ tướng Việt Nam - Campuchia trong lễ kỷ niệm 45 năm "Hành trình hướng tới lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot" của Thủ tướng Campuchia Hun Sen (20/6/1977-20/6/2022). Ảnh: Báo điện tử Chính phủ. |
“Trải qua các thăng trầm lịch sử, quan hệ Campuchia - Việt Nam đã phát triển trên nhiều lĩnh vực, mang lại lợi ích thực chất cho nhân dân mỗi nước”.
Đó là bình luận của học giả Uch Leang, chuyên gia tại Viện Quan hệ Quốc tế, Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia (RAC), trong một bài viết được đăng tải trên Khmer Times ngày 7/11, ngay trước chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Campuchia.
Nhận lời mời của Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ thăm chính thức Campuchia trong ngày 8-9/11, cũng như dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các hội nghị liên quan ngày 10-13/11. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Campuchia.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ hội đàm với Thủ tướng Hun Sen và cùng người đồng cấp Campuchia tham dự, phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Xúc tiến đầu tư, thương mại Việt Nam - Campuchia.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng sẽ hội kiến Quốc vương Norodom Shihamoni, Chủ tịch Thượng viện Say Chhum, Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin và gặp một số lãnh đạo cấp cao của Campuchia, Bộ Ngoại giao cho biết.
Chuyến thăm tăng cường lòng tin
Trong bài viết trên Khmer Times, học giả Uch Leang nhận định trong thời gian qua, Việt Nam và Campuchia đã thường xuyên có các chuyến thăm lẫn nhau ở mọi cấp độ, giúp tăng cường lòng tin và thúc đẩy hợp tác.
“Quan hệ giữa Campuchia và Việt Nam đã liên tục được đẩy mạnh và củng cố bởi các lãnh đạo và người dân hai nước trên khuôn khổ ‘láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài’ được xác định năm 2005, mang lại lợi ích chung quan trọng cho nhân dân hai nước”, ông viết.
Tác giả nhận định chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Campuchia lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều biến động, như đại dịch Covid-19, cạnh tranh nước lớn, cuộc xung đột Ukraine hay tình hình tại Myanmar…
Học giả Uch Leang nhận định các chuyến thăm ở mọi cấp độ giữa Việt Nam và Campuchia giúp hai nước tăng cường lòng tin và thúc đẩy hợp tác. Ảnh: Báo điện tử Chính phủ. |
“Đối mặt các vấn đề trên, Việt Nam và Campuchia đã tiếp tục củng cố quan hệ láng giềng hữu nghị, giúp đỡ lẫn nhau trên tinh thần đồng chí, đồng cam cộng khổ, giữ ổn định chính trị - xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”, ông Uch Leang viết.
2022 cũng là năm kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Campuchia, cũng như được chọn làm “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Campuchia”.
Tác giả chỉ ra từ đầu năm đến nay, Việt Nam và Campuchia đã tổ chức nhiều sự kiện nổi bật, bao gồm lễ kỷ niệm 45 năm "Hành trình hướng tới lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot" của Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen hồi tháng 6, hay chuyến thăm của Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng tới Campuchia tháng 10 vừa qua.
Bên cạnh đó, lãnh đạo các địa phương hai nước - đặc biệt là các tỉnh biên giới - cũng tới thăm lẫn nhau. Trong các chuyến thăm, cả hai bên đều bày tỏ vui mừng trước các thành tích đạt được trong quan hệ song phương, cũng như tiếp tục khẳng định sẽ hỗ trợ lẫn nhau ở cả kênh song phương lẫn đa phương.
Quan hệ phát triển toàn diện
Học giả Uch Leang cũng điểm lại một cách toàn diện những thành tựu của quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia trên các lĩnh vực.
Về chính trị, hai bên đã luôn giúp đỡ lẫn nhau trong việc giữ ổn định chính trị và thúc đẩy phát triển đất nước. Về thương mại, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Campuchia đạt 8,46 tỷ USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước đó.
Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia đạt 4,56 tỷ USD, xuất khẩu của Campuchia sang Việt Nam đạt 3,9 tỷ USD. Dự kiến tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2022 sẽ vượt mốc 10 tỷ USD, và Campuchia sẽ trở thành một trong 12 quốc gia có kim ngạch thương mại cao nhất với Việt Nam.
Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Campuchia sắt thép, hàng dệt may, phân bón… Trong khi đó, Campuchia xuất khẩu nhiều sang Việt Nam các sản phẩm nông lâm nghiệp như cao su, hạt điều, thuốc lá…
Quan hệ Việt Nam - Campuchia đã có những bước phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực. Ảnh: Báo điện tử Chính phủ. |
Về đầu tư, tính đến cuối tháng 9 năm nay, Việt Nam đã có 199 dự án đầu tư tại Campuchia với tổng vốn đầu tư 2,93 tỷ USD, biến Campuchia trở thành địa điểm đầu tư nước ngoài lớn thứ hai của Việt Nam.
Nhiều dự án của Việt Nam tại Campuchia đã góp phần tạo việc làm và thu nhập cho lao động Campuchia, cũng như thúc đẩy sự phát triển của kinh tế địa phương, như các dự án của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, công ty nông nghiệp Thagrico hay mạng di động Metfone.
Ở chiều ngược lại, Campuchia cũng đã có 21 dự án đầu tư ở Việt Nam với tổng vốn 64 triệu USD.
Về văn hóa - xã hội, cả Việt Nam và Campuchia đã tổ chức hàng loạt sự kiện kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, như Tuần văn hóa Campuchia tại Việt Nam (27/9-2/10) hay Tuần văn hóa Việt Nam tại Campuchia (10-14/8). Những sự kiện này giúp người dân hai nước hiểu nhau hơn, đóng góp vào việc củng cố quan hệ song phương.
Lĩnh vực quốc phòng và an ninh cũng được cả Việt Nam và Campuchia cam kết củng cố và tăng cường hợp tác. Hai bên cùng nhau đảm bảo an ninh biên giới, trao đổi về các vấn đề an ninh khu vực, cũng như hợp tác tìm kiếm thi hài quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia.
Trong các diễn đàn đa phương, Việt Nam đã ủng hộ Campuchia đăng cai các hội nghị cấp cao ASEAN trong năm nay, trong khi Campuchia ủng hộ Việt Nam trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025.
“Quan hệ giữa Campuchia và Việt Nam không chỉ mang tính truyền thống, mà còn là quan hệ của những người anh em và đồng chí thân thiết, đã đồng cam cộng khổ vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như xây dựng và phát triển đất nước”, học giả Uch Leang viết.