Bình luận
Hợp đồng của Nguyễn Quang Hải với câu lạc bộ (CLB) Hà Nội sẽ hết hiệu lực vào ngày 12/4 tới, cũng là ngày sinh nhật của Quang Hải. Hôm đó, Hải sẽ tròn 25 tuổi. Có sự trùng hợp nào ngẫu nhiên giữa thời hạn hợp đồng và ngày sinh nhật hay không? Thực tế là chẳng có gì ngẫu nhiên ở đây cả. Nó là một “cách” làm bóng đá Việt Nam hôm nay.
Thời hạn hợp đồng của Quang Hải trùng ngày sinh
Sẽ không chỉ mình Quang Hải có cái ngày kết thúc hợp đồng rơi đúng vào sinh nhật tròn 25 tuổi của mình. Rất nhiều cầu thủ dưới 25 tuổi hiện nay đang cầm hợp đồng tương tự như thế. Thực tế, nó là thứ còn hơn cả hợp đồng, không chỉ là giao kèo công việc có tính pháp lý giữa thể nhân (cầu thủ) với pháp nhân (CLB), còn là ràng buộc mang tính trói chân nhau.
Vì cái gọi là “công đào tạo” mà FIFA quy định ở điều 20 của Quy định về tình trạng và chuyển nhượng cầu thủ mà các đội bóng V.League trói cầu thủ theo cách rất “đường cong mềm mại”. FIFA yêu cầu ở mỗi lần chuyển nhượng cho tới khi cầu thủ tròn 23 tuổi, CLB đào tạo cầu thủ ấy sẽ được nhận những đền bù tính bằng phần trăm trên tổng phí chuyển nhượng mỗi lần.
Quang Hải rời CLB Hà Nội vào tháng tới. Ảnh: Hoàng Mai. |
Các CLB V.League áp “công đào tạo tính tới 23 tuổi” và bổ sung thêm quy định 2 năm “cống hiến”. Và thế là những người trẻ như Quang Hải, lẽ ra đã trả sòng phẳng công đào tạo theo đúng quy định FIFA, nhưng vẫn phải cày thêm 2 năm cống hiến trước khi muốn thoải mái tìm bến đỗ mới. Bởi thế, các thể loại hợp đồng với cầu thủ dưới 25 tuổi mới có kiểu hết hạn kỳ khôi khi rơi đúng ngày sinh nhật cầu thủ.
Đây là điểm phi lý nhất của bóng đá Việt Nam hiện nay. Chúng ta cứ cho là để hỗ trợ cho các CLB trong giai đoạn V.League đang còn chập chững bước đi đầu của chuyên nghiệp đầy khó khăn, VFF đồng ý thêm 2 năm ân hạn đi nữa, thì việc thời hạn hợp đồng cũng không thể nào đi chệch ra khỏi khung thời gian của 2 phiên chuyển nhượng được.
V.League có 2 kỳ chuyển nhượng đầu mùa (kéo dài 8 tuần và mới kết thúc hôm 27/2 - riêng cầu thủ ngoại có ITC thì được nới thêm đến 15h ngày 4/3) và giữa mùa (12/8 - 8/9). Mọi mua bán ký kết thường rơi vào 2 kỳ mở cửa thị trường này và do đó thời hạn hợp đồng cũng sẽ rơi vào khoảng đó. Tuy nhiên, ở Việt Nam dường như là không đối với những cầu thủ dưới 25 tuổi và đang khoác áo CLB được cho là đào tạo nên mình.
Bài học cho chuyển nhượng bóng đá Việt
Chúng ta trở lại với trường hợp Quang Hải, anh chỉ còn không đầy một tháng nữa là hết hợp đồng với CLB và rõ ràng, đội bóng thủ đô đang trong tình thế khó khăn nếu muốn giữ chân anh. Việc đến lúc này CLB Hà Nội mới có những đàm phán với Quang Hải cho thấy rất rõ rằng họ dường như chủ quan, không có sự chuẩn bị nào cho việc giữ chân cầu thủ chủ chốt của mình.
Trên thị trường chuyển nhượng quốc tế, khi cầu thủ chỉ còn một năm nữa là hết hợp đồng, thậm chí còn 2 năm, CLB đã khởi động tiến trình đàm phán gia hạn. CLB Hà Nội có chủ quan chăng khi bỏ cả quãng thời gian 2 năm (từ khi Hải mới 23 tuổi) đến nay không tiến hành đàm phán cụ thể nào? Phải chăng, họ cho rằng Quang Hải sẽ không thể đi đâu tốt hơn nơi đây cả?
Bài học cho chuyển nhượng tại Việt Nam từ hợp đồng của Quang Hải. Ảnh: Minh Chiến. |
CLB Hà Nội có thể chủ quan, nhưng nhiều CLB khác có thể do sự ngắn ngày trong cách làm bóng đá. Một ông bầu nhận đội bóng thực tế không hề cho thấy biểu hiện sẽ gắn bó với đội bóng lâu dài, tính bằng thập niên. Đó đã là tình trạng chung của V.League suốt 20 năm qua.
Một khi không xác định lâu dài thì sẽ không có kế hoạch lâu dài và do đó, khi cầu thủ chỉ còn một năm hợp đồng, họ cũng không tiến hành đàm phán sớm. Kết quả, hết hợp đồng, cầu thủ sang đội nào lót tay cao hơn và từ đó, cái gọi là thị trường chuyển nhượng V.League toàn giá trị thể hiện trên phí lót tay chứ không hề có vụ mua bán nào giữa CLB với CLB.
Có thể nói, chuyển nhượng ở V.League mới chỉ có chuyển chứ chưa hề có nhượng. Và chuyện của Quang Hải với CLB Hà Nội hẳn sẽ là báo thức để các nhà điều hành CLB V.League hiện nay phải hành động khác.
Bản thân lứa điều hành các CLB V.League cũng bắt đầu có những dịch chuyển với những người trẻ tham gia nhiều hơn. Người trẻ nhanh nhẹn, tiếp cận hiện đại, hẳn họ sẽ có cách làm hiện đại, đúng xu hướng chung toàn cầu. Tuy nhiên, vấn đề là người trẻ có được quyết định hay không hay vẫn chỉ là câu chuyện làm "avatar" cho người già quyết hết?