Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Chuyên gia Trung Quốc bị phản bác tại hội thảo Biển Đông

Các học giả Nhật Bản và Mỹ phản đối việc Trung Quốc không tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài cùng ý định muốn đẩy EU, Mỹ, Nhật Bản khỏi việc giải quyết tranh chấp tại Biển Đông.

Bien Dong anh 1

“Biến động, bất định, phức tạp, mơ hồ” là bốn từ mà tiến sĩ Vannarith Chheang, Viện trưởng Viện Tầm nhìn châu Á (Campuchia), sử dụng để mô tả về Biển Đông trong phiên thảo luận thứ nhất với chủ đề "Biển Đông trong bối cảnh thế giới đang thay đổi" của Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần thứ 13, bắt đầu hôm 18/11.

Biển Đông ngày càng phức tạp

Tiến sĩ Chheang - một trong 5 diễn giả của phiên đầu tiên - đưa ra khái niệm "thế giới VUCA" xuất hiện từ sau Chiến tranh Lạnh. Đây là cụm từ được ghép lại từ bốn chữ cái đầu của bốn từ tiếng Anh “volatility” (biến động), “uncertainty” (bất định), “complexity” (phức tạp) và “ambiguity” (mơ hồ)”.

Theo ông Chheang, cụm từ VUCA đến nay vẫn có ý nghĩa, bất chấp sự phát triển của các thể chế đa phương, cũng như sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng lớn giữa các nước.

Tiến sĩ Chheang cho rằng có 3 nguyên nhân gốc rễ gây ra căng thẳng và xung đột trong khu vực Biển Đông, bao gồm cạnh tranh Mỹ - Trung, quá trình quân sự hóa và chính trị đối nội.

Ba yếu tố này sẽ gây áp lực lên hòa bình và an ninh khu vực, giới hạn hành động của ASEAN, và làm phát sinh xu hướng nguy hiểm là buộc các nước chọn phe.

Bien Dong anh 2

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu phát biểu chào mừng Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 hôm 19/11. Ảnh: Bộ Ngoại giao.

“Áp lực này làm giới hạn đáng kể hoạt động ứng phó các mối đe dọa an ninh truyền thống như ô nhiễm biển và đánh bắt cá trái phép”, ông Chheang nói.

Ông Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao thuộc RAND Corporation (Mỹ), cho rằng các hành động đơn phương của Trung Quốc đã gây mất niềm tin trong khu vực, bắt đầu từ việc tuyên bố chủ quyền với cái gọi là đường 9 đoạn, bao phủ khoảng 90% Biển Đông và các thực thể trong đó.

Từ trước khi bồi đắp trái phép đảo nhân tạo ở Biển Đông, Trung Quốc đã thực hiện chiến thuật vùng xám với các nước trong khu vực. Lấy ví dụ, ông Grossman chỉ ra sự việc giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong năm 2014.

Theo ông Grossman, tin tốt là các nước trong khu vực đã phản ứng rất có trách nhiệm.

“Chẳng hạn, Việt Nam luôn nhất quán và bình tĩnh nhấn mạnh Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) khi ứng phó với Trung Quốc”, ông nói. “Hoặc Malaysia cũng gửi nhiều công hàm lên Liên Hợp Quốc để phản đối yêu cầu của Trung Quốc về mặt ngoại giao”.

Ông Grossman cho rằng điều quan trọng trước mắt là cần quan sát hiệu quả của những chiến lược này. “Ít nhất là trên phương diện công khai, Trung Quốc đã ra tín hiệu về việc nước này cuối cùng cũng sẵn sàng hoàn tất một COC có tính chất ràng buộc về pháp lý”, vị chuyên gia này chỉ ra.

Tuy nhiên, ông Grossman không quá lạc quan vì các bên dường như còn khác xa nhau về quan điểm.

Bien Dong anh 3

Ông Derek Grossman tham gia hội thảo qua hình thức trực tuyến. Ảnh: Quốc Đạt.

Tranh cãi cách giải quyết

“Thật kỳ lạ khi Trung Quốc tuyên bố ủng hộ trật tự dựa trên luật lệ, trong khi chính họ không tuân thủ phán quyết năm 2016”, ông Grossman nhận định trong buổi hội thảo.

Tiến sĩ Ding Duo, viện sĩ nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Nam Hải Quốc gia (Trung Quốc), cho rằng phán quyết của tòa quốc tế không phải cách phù hợp để giải quyết toàn bộ tranh chấp.

Chuyên gia Trung Quốc cũng phản đối sự tham gia của các lực lượng bên ngoài trong Biển Đông trong giải quyết tranh chấp - một luận điểm tương đồng với quan điểm của chính phủ Trung Quốc, khi luôn chống lại tiếp cận đa phương hóa trong giải quyết tranh chấp.

Không đồng ý, ông Yoji Koda - cựu Phó đô đốc Hải quân Nhật Bản - nhấn mạnh Nhật, Mỹ và EU không đứng ngoài cuộc trong vấn đề Biển Đông, vì vùng biển này không chỉ của các quốc gia ven biển, mà còn của nhiều quốc gia khác, miễn là vùng hoạt động trên Biển Đông nằm ở hải phận quốc tế.

“Việc Mỹ, Nhật Bản và EU hiện diện tại vùng biển này cũng không phải vấn đề mới, thậm chí xảy ra cách đây hơn một trăm năm”, ông Koda nói.

Bien Dong anh 4

Hội thảo lần này có sự tham gia của 40 diễn giả và hàng trăm đại biểu. Ảnh: Bộ Ngoại giao.

Đứng từ góc độ thủy thủ để nói về việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC), ông Koda cho rằng COC cần tuân thủ UNCLOS vì các thủy thủ không muốn có nhiều quy tắc khác nhau trên biển. “Nhật Bản không muốn có bất kỳ quy định nào khác dành riêng cho một khu vực nhất định”, ông nói.

Tương tự, giáo sư Stephen Nagy thuộc khoa Nghiên cứu Chính trị và Quốc tế, Đại học Cơ Đốc giáo Quốc tế tại Tokyo, cho rằng nếu xuất hiện các bên khác tại Biển Đông, các nước Đông Nam Á sẽ có thêm đối tác để phối hợp và tăng cường sự tự chủ chiến lược.

Điều này có thể giúp đem lại nhiều lựa chọn và nhiều nguồn lực hơn cho các nước có năng lực hạn chế, nhằm ứng phó sự bất cân xứng giữa Trung Quốc và Đông Nam Á, ông Nagy nhận định.

AUKUS và QUAD là hồi chuông với ASEAN

Tham gia hội thảo, ông Marty Natalegawa, cựu Ngoại trưởng Indonesia, đưa ra nhiều nhận định liên quan tới vai trò và vị thế hiện nay của ASEAN, nhất là trong bối cảnh các cơ chế khác như QUAD hoặc AUKUS có nguy cơ làm suy yếu ASEAN.

Ông Natalegawa cho rằng ASEAN không nên và không thể có vị thế độc nhất trong việc thúc đẩy và khởi xướng mọi tiến trình ngoại giao trong khu vực.

Bien Dong anh 5

Thỏa thuận AUKUS được ba nước Anh, Australia và Mỹ công bố vào ngày 15/9. Ảnh: Wyndham Review.

“Thực tế là vai trò trung tâm của ASEAN và sự tồn tại của ASEAN tới nay vẫn luôn song hành cùng các ‘liên minh đa phương mini’”, ông nói. “AUKUS chỉ là ví dụ mới nhất, trước đó là Thỏa thuận Phòng thủ sức mạnh 5 nước (giữa Singapore, Malaysia, New Zealand, Anh và Australia) từ 50 năm trước”.

Tuy nhiên, việc QUAD được tái khởi động và sự trỗi dậy của AUKUS cần xem như sự nhắc nhở cho ASEAN. “Điều này đối với tôi có nghĩa là có một số nhu cầu hoặc điều kiện mà ASEAN chưa thể đáp ứng”, vị cựu ngoại trưởng nói.

“Tôi nhớ rằng QUAD tồn tại từ trước đó rất nhiều năm, nhưng ASEAN đã có thể soán ngôi của QUAD bằng cơ chế Hội nghị Cấp cao Đông Á”, ông nói. “ASEAN khi ấy đã có thể biến Hội nghị Cấp cao Đông Á trở thành tiến trình hàng đầu trong khu vực”.

Nhưng ông Natalegawa quan ngại rằng dường như hội nghị này đã được tổ chức quá thường xuyên chỉ với ý nghĩa là các cuộc họp được tổ chức hàng năm.

Theo ông, câu hỏi ở đây không phải là xây dựng những cơ chế mới vì đó có thể là quá trình lâu dài và tốn thời gian, mà là trao quyền cho những cơ chế đã có, như Diễn đàn Khu vực ASEAN, Hội nghị cấp cao Đông Á… để đảm bảo chúng kịp thời hơn, từ đó có năng lực kiểm soát khủng hoảng.

Hàng trăm đại biểu tham dự Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông

Với 8 phiên thảo luận trong hai ngày 18-19/11, Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 hứa hẹn sẽ là diễn đàn trao đổi góp phần thúc đẩy hòa bình, hợp tác ở khu vực.

Đề nghị các nước không làm phức tạp tình hình Biển Đông

Việt Nam đề nghị các bên không làm phức tạp tình hình, sau sự kiện tàu Trung Quốc ngăn tàu Philippines tiếp tế lương thực cho lực lượng đồn trú trái phép ở Bãi Cỏ Mây của Việt Nam.

Quốc Đạt - Đinh Vân

Bạn có thể quan tâm