Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hàng trăm đại biểu tham dự Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông

Với 8 phiên thảo luận trong hai ngày 18-19/11, Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 hứa hẹn sẽ là diễn đàn trao đổi góp phần thúc đẩy hòa bình, hợp tác ở khu vực.

Hội thảo Khoa học Quốc tế Biển Đông thường niên lần thứ 13 sẽ quay lại Hà Nội với chủ đề “Nhìn lại quá khứ để có một tương lai tươi sáng hơn”.

“Hội thảo sẽ thảo luận các diễn biến liên quan đến khu vực nói chung và Biển Đông nói riêng cả từ khía cạnh địa chính trị và pháp lý, vai trò và tầm nhìn của ASEAN về Biển Đông, cùng các vấn đề an ninh biển truyền thống và phi truyền thống nổi lên hiện nay”, theo thông báo của Học viện Ngoại giao (DAV).

Hội thảo năm nay do DAV cùng các đối tác như Quỹ hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông (FESS), Hội Luật gia Việt Nam, và đại sứ quán các nước tại Việt Nam… phối hợp tổ chức theo hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp.

Sự kiện này sẽ có sự tham gia của khoảng 40 diễn giả. 8 phiên thảo luận chính thức của hội thảo sẽ được chia đều tổ chức trong hai ngày 18-19/11.

Tình hình Biển Đông ngày càng phức tạp

Phiên làm việc thứ nhất có với chủ đề “Biển Đông trong bối cảnh toàn cầu đang thay đổi” và do Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam Giorgio Aliberti điều phối.

Bien Dong anh 1

Phiên thảo luận thứ nhất của Hội thảo 13 có chủ đề "Biển Đông trong bối cảnh toàn cầu đang thay đổi". Ảnh: Nghiên cứu Biển Đông.

Trong phiên này, các học giả sẽ điểm lại các diễn biến trên Biển Đông trong những năm qua để tìm hiểu động cơ hành động của các bên liên quan, cũng như nguyên nhân gây căng thẳng trong khu vực.

Về chủ đề này, tiến sĩ Ding Duo - viện sĩ nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Nam Hải Quốc gia (Trung Quốc), 1 trong 5 chuyên gia tham gia phiên thảo luận đầu tiên - cho rằng tình hình tại Biển Đông ngày càng phức tạp, theo trang web của hội thảo.

“Lựa chọn khôn ngoan cho các nước trong khu vực là làm cho miếng bánh lợi ích chung lớn hơn và chống lại các yếu tố gây bất ổn thông qua hợp tác”, tiến sĩ Ding nói.

Phiên thứ 2 đặt câu hỏi liệu một cuộc Chiến tranh Lạnh khác đang nhen nhóm và cách ngăn chặn nó bùng phát thành xung đột.

Tại đây, các diễn giả sẽ nhìn lại những bài học từ cuộc Chiến tranh Lạnh gần nhất để trao đổi về cách thiết lập bộ quy tắc ứng xử cho tất cả, từ đó tránh xảy ra tính toán sai lầm và xung đột. Vai trò của các nước siêu cường, trung cường, yếu tố độc lập và liên minh… cũng sẽ được đề cập tới.

Năm 2021 đánh dấu việc 5 năm đã trôi qua kể từ khi tòa trọng tài ra phán quyết về Biển Đông, bác bỏ đường 9 đoạn của Trung Quốc. Phán quyết này cũng là một chủ đề trong phiên thảo luận thứ 3 với chủ đề “Củng cố trật tự pháp lý ở Biển Đông: Đánh giá 5 năm qua”.

Bien Dong anh 2

Cũng như năm 2020, Hội thảo 13 sẽ được thực hiện dưới hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp. Ảnh: Học viện Ngoại giao.

Theo website sự kiện, phiên thảo luận này sẽ xem xét câu hỏi trật tự pháp lý đã được bộc lộ ra như thế nào tại Biển Đông trong 5 năm qua. Cuộc trao đổi còn sẽ bao gồm phân tích về vai trò của thực tiễn quốc gia đối với việc thực thi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và chiều hướng phát triển tương lai của trật tự pháp lý trên biển.

Kết thúc ngày làm việc đầu tiên của Hội thảo 13 là phiên thảo luận thứ 4 với chủ đề “Hãy công bằng với sự thật: Lịch sử và Biển Đông”. Phiên 4 sẽ đánh giá lại lịch sử Biển Đông qua những nghiên cứu mới, làm rõ những sự kiện cụ thể, đặc biệt trong giai đoạn nhiều biến động sau Thế chiến II và trong Chiến tranh Lạnh.

Hướng tới tương lai tươi sáng hơn

Ngày thứ hai của Hội thảo 13 đưa ánh nhìn hướng về tương lai, với phiên thảo luận mở màn bằng chủ đề “ASEAN và QUAD trong cấu trúc khu vực”.

Được Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, điều phối, phiên thứ 5 của Hội thảo 13 sẽ tập trung vào tương lai cấu trúc an ninh khu vực để phân tích cách thức ASEAN và QUAD sẽ cạnh tranh hay bổ sung cho nhau.

“Giữa ASEAN và QUAD có sự hội tụ tự nhiên trên phương diện tầm nhìn của cả hai về kết cấu khu vực trong Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, giáo sư Harsh Pant, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Chiến lược thuộc Quỹ Nghiên cứu Quan sát viên (Ấn Độ), nhận định. Ông Pant là một trong 4 diễn giả tham gia phiên 5.

“Cả bốn quốc gia trong QUAD đều đặt vai trò trung tâm của ASEAN trong cốt lõi tầm nhìn của họ về kết cấu khu vực. Sự hội tụ tự nhiên giữa ASEAN và QUAD sẽ giúp định hình một trật tự khu vực mới”, giáo sư Pant nói.

Bien Dong anh 3

Một cuộc gặp của lãnh đạo các nước thành viên QUAD. Ảnh: New York Times.

Khi nói về tương lai lúc này, chúng ta không thể nhắc đến việc hồi phục kinh tế sau Covid-19, cụ thể là cách khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đây cũng chính là chủ đề của phiên thảo luận thứ 6 trong Hội thảo 13.

Một trong 6 chuyên gia của phiên 6, tiến sĩ Alejandro Reyes, Giám đốc phụ trách phát tán thông tin thuộc Viện Toàn cầu châu Á, Đại học Hong Kong, nhận định ưu tiên lập tức lúc này là giải quyết vấn đề y tế công cộng đang ngăn cản hoạt động sản xuất và đường đi của hàng hóa.

“Đặc biệt gấp rút là nhu cầu đảm bảo sự an toàn của người lao động dọc các chuỗi cung ứng, bao gồm thủy thủ đoàn và nhân viên cảng”, tiến sĩ Reyes nói, theo website sự kiện.

Trong phiên thảo luận thứ 7 với chủ đề “Thúc đẩy ngoại giao khoa học vì lợi ích chung của đại dương”, các chuyên gia sẽ trao đổi về những tiến triển gần đây và xác định cơ hội mới từ những tiến bộ của khoa học và công nghệ để ứng phó thách thức truyền thống và phi truyền thống trên biển.

Về chủ đề này, tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Môi trường biển, nhận định rằng việc hợp tác thực chất trên phương diện khoa học và công nghệ biển sẽ góp phần xây dựng niềm tin các bên, duy trì hòa bình và giảm căng thẳng ở Biển Dông.

Phiên thảo luận thứ 8 có chủ đề “Sự minh bạch thông qua Công nghệ giám sát”.

“Trong vài năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự phổ biến và phát triển nhanh của công nghệ giám sát và viễn thám tinh vi, mở ra những khía cạnh mới về môi trường biển và nhận thức tình huống, đặc biệt ở Biển Đông”, website sự kiện viết. “Phiên này sẽ thảo luận cách thức khía cạnh mới này có thể và cần được tận dụng một cách khôn ngoan để tránh hiểu nhầm và đưa thông tin sai lệch”.

Nguyễn Thế Phương, nhà nghiên cứu thuộc Sáng kiến Đại sự ký Biển Đông (Việt Nam), cho rằng công nghệ đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong an ninh hàng hải.

“Đối với nước nhỏ, điều thiết yếu là tăng cường nhận thức vấn đề hàng hải bằng cách đầu tư khôn ngoan vào các loại công nghệ phù hợp, chủ động hợp tác với các đối tác tiềm năng… để đưa ra chiến lược phát triển công nghệ phù hợp với các vấn đề hàng hải”.

Mỹ - Trung chạy đua vũ trang, nguy cơ va chạm trên biển gia tăng

Hải quân Trung Quốc trở thành lực lượng có số tàu chiến đông nhất thế giới, kéo theo nguy cơ gia tăng các vụ va chạm tàu ở Biển Đông.

Kết luận về vụ tàu ngầm Mỹ gặp sự cố tại Biển Đông

USS Connecticut - chiếc tàu ngầm chịu thiệt hại sau sự cố ở Biển Đông vào tháng 10 - đã va chạm với một ngọn núi ngầm chưa được ghi nhận trên bản đồ, Hải quân Mỹ thông báo.

Quốc Đạt

Bạn có thể quan tâm