Trấn Thành gây tranh cãi vì nhiều lần đưa ngoại hình của đồng nghiệp ra để đùa cợt. Nam nghệ sĩ từng bàn tán cân nặng của Yuno BigBoi hay Vsoul (Rap Việt), nói Hương Giang Idol người toàn mùi silicon, chê chân Puka như đàn ông hay gần nhất so sánh nụ cười Đức Phúc với hải ly trong Ca sĩ mặt nạ.
Trao đổi với Zing, nhiều chuyên gia tâm lý, xã hội học cho rằng cả thế giới đang chống lại vấn nạn body shaming. Do đó, việc một nghệ sĩ hạng A, được nhiều khán giả yêu thích ở Việt Nam lại nhiều lần miệt thị ngoại hình đồng nghiệp, dù vô tình hay cố ý đều khó chấp nhận.
Nạn nhân im lặng, không có nghĩa là đồng tình
PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung Tâm Dư luận xã hội (Viện Xã hội học Việt Nam) cho hay nhiều năm qua, trên sóng truyền hình, các nghệ sĩ thường xuyên tung hứng ngẫu nhiên nhằm mua vui cho khán giả. Trong những lần tung hứng đó, câu chuyện “cửa miệng” là đưa ngoại hình của nhau để chọc cười. Chuyện Trường Giang bị chê lùn, Mạc Văn Khoa bị đồng nghiệp nhận xét da đen, xấu hay vóc dáng của Miu Lê, Lâm Vỹ Dạ… là câu chuyện được “nhai đi nhai lại”.
Theo thời gian, tần suất này ngày càng tăng lên, đậm đặc hơn. Nhiều nghệ sĩ coi đó là sự sáng tạo, hài hước và yếu tố để tạo sự gần gũi, gây cười cho khán giả. Khi chuyện chê bai ngoại hình lặp đi lặp lại, mục đích bông đùa, vui vẻ ban đầu không còn mà đọng lại là sự chế giễu, hướng vào hạn chế hình thể của đối phương.
Trấn Thành nhiều lần đem ngoại hình của đồng nghiệp ra làm trò cười. |
“Nhiều nghệ sĩ tự nguyện chịu đựng, biến hạn chế ngoại hình của mình là phương tiện trình diễn. Họ xem đó không phải là câu chuyện lớn. Đa phần nghệ sĩ chỉ coi đây là trò đùa vui vẻ, chọc giỡn khi tham gia game show. Việc Trấn Thành lạm dụng việc khai thác yếu tố ngoại hình của người khác cũng thể hiện rằng nam nghệ sĩ dường như đã cạn kiệt nguồn năng lực sáng tạo và phải thay thế bằng ý tưởng kể trên”, PGS.TS Trịnh Hòa Bình trao đổi với Zing.
Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình nhìn nhận dù các "nạn nhân" của Trấn Thành như Đức Phúc, Hương Giang, Mạc Văn Khoa, Yuno BigBoi hay Vsoul… thường im lặng khi bị anh đưa chuyện ngoại hình ra mua vui trên các game show, nhưng ẩn sâu có thể là sự tổn thương nhất định.
Ngoài ra, khán giả truyền hình, đặc biệt là ở những đối tượng trẻ tuổi cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi hành vi này. Về lâu dài, không ít người hâm mộ của Trấn Thành hay các nghệ sĩ khác cũng sẽ xem việc miệt thị ngoại hình người khác là điều bình thường, hiển nhiên, gây ra hệ lụy tiêu cực trong đời sống văn hóa, xã hội.
Ở góc độ tâm lý, ông Ngô Minh Uy - Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục TP.HCM - nhấn mạnh với Zing rằng tình trạng body shaming khá phổ biến trong xã hội Việt Nam hiện tại. Tuy nhiên, người Việt thường hiểu nhầm là trò đùa tiêu khiển và ngó lơ, không có phản ứng chống trả.
“Khi bị body shaming, người bị miệt thị thường có những thiệt hại về mặt tâm lý. Nhìn chung, dù là nghệ sĩ hay người thường, chúng ta cũng không nên gây tổn thương cho ai khác. Có khá nhiều lý do khiến một người im lặng khi họ bị miệt thị ngoại hình. Chúng ta là người ngoài không thể biết được, chỉ có nạn nhân trong cuộc mới hiểu rõ họ có bị tổn thương ra sao và ở mức độ nào”, ông Ngô Minh Uy chia sẻ.
Về phía nghệ sĩ, diễn viên Lan Phương phản đối việc nghệ sĩ đưa ngoại hình của nhau ra để mua vui, trêu đùa trong các game show.
Cô nói: "Tôi chưa bao giờ lấy điểm yếu của đối phương để vui đùa. Không chỉ ở truyền hình hay ngoài đời, tôi cũng phản đối vấn đề body shaming. Điều đó dễ gây tổn thương cho người khác".
Cùng quan điểm, diễn viên La Thành cho rằng: "Đưa chuyện riêng tư, ngoại hình ra nói, đưa giám khảo ra chọc mà không liên quan đến câu chuyện không phải là diễn hài. Những điều đó một lần là vui, nhưng đến lần thứ 2-3 là không tôn trọng nghề của mình. Làm như thế chẳng khác nào không biết diễn nên đem chuyện đời tư ra cho khán giả cười".
Nghệ sĩ và NSX cần quan tâm đến xu hướng văn minh
Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, bản thân Trấn Thành cũng sẽ bị ảnh hưởng đến hình ảnh nếu vẫn tiếp tục body shaming đồng nghiệp. Tần suất Trấn Thành đưa chuyện ngoại hình đồng nghiệp ra chọc cười sẽ tỷ lệ thuận với sự giảm sút về hình ảnh của nam MC trong lòng công chúng và nhiều đối tác, thương hiệu.
"Việc Trấn Thành biến người khác thành trò cười, trêu đùa khuyết điểm, hạn chế của đối phương ngay trên sóng truyền hình, trước đám đông nhiều lần khiến đối tác, khách hàng của nam nghệ sĩ đồng nhất tên tuổi, thương hiệu Trấn Thành với hành động miệt thị ngoại hình", chuyên gia chia sẻ.
Trấn Thành nhiều lần bị chê kém duyên khi nhắc chuyện ngoại hình, đời tư khách mời trên game show. |
PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho biết sự lạm dụng kể trên sẽ triệt tiêu nguồn cảm hứng, năng lực sáng tạo của Trấn Thành cũng như nhiều nghệ sĩ khác. Để rồi, thay vì tìm tòi, khám phá những xúc cảm nghệ thuật, nam MC lại quẩn quanh với những câu chuyện cân nặng, hình thể, khuyết điểm của đồng nghiệp trong các chương trình.
Việc Trấn Thành chưa từng một lần lên tiếng xin lỗi đồng nghiệp vì biến họ thành trò cười của ê-kíp chương trình, khán giả trường quay lẫn người xem qua màn hình cũng thể hiện trình độ nhận thức xã hội của nhà sản xuất Bố già.
"Tôi nghĩ Trấn Thành chưa nhận ra được hành vi sai trái và mức độ ảnh hưởng từ trò đùa của anh ta. Trấn Thành không nghĩ đó là khuyết điểm nên không cần phải xin lỗi đồng nghiệp, khán giả. Theo tâm lý thông thường, chỉ khi ai đó phản ứng quyết liệt, người có lỗi mới đứng ra chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, trong câu chuyện này, vấn đề quan trọng nhất là thay đổi nhận thức, thái độ để điều chỉnh hành vi, không phải chờ người khác lên tiếng rồi mới đứng ra xin lỗi", ông Hòa Bình đánh giá.
Về phía nhà sản xuất, chuyên gia xã hội học cho rằng đơn vị, đội ngũ thực hiện chương trình phải chịu trách nhiệm liên đới vì không chặt chẽ trong biên tập.
Nhà sản xuất cần nhận thức được xu hướng văn minh của thế giới để cắt bỏ các phân cảnh, trường đoạn nghệ sĩ trêu đùa, chọc cười ngoại hình của nhau trên sóng.
"Khi nghệ sĩ không điều tiết được phát ngôn của họ trên truyền hình, nhà sản xuất đóng vai trò quan trọng. Họ phải dùng công cụ để điều chỉnh. Nếu không làm được điều đó, chính nhà sản xuất vô tình khiến hình ảnh người nghệ sĩ trở thành gây tranh cãi trên sóng truyền hình", Giám đốc Trung Tâm Dư luận xã hội (Viện Xã hội học Việt Nam) nhấn mạnh.