Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Chuyên gia: Nước Mỹ đang phân cực hơn bao giờ hết

Không có chiến thắng áp đảo như kỳ vọng, song đảng Cộng hòa đã kéo dài truyền thống "lật lại" ít nhất một viện quốc hội trong bầu cử giữa kỳ.

bau cu my anh 1

Với việc đảng Cộng hòa đã đạt đủ số ghế để kiểm soát Hạ viện, Quốc hội Mỹ một lần nữa lại "chia đôi", điều thường thấy trong các cuộc bầu cử giữa kỳ gần đây.

Việc cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa chỉ chiếm đa số với chênh lệch nhỏ sẽ đặt ra những thách thức cho cả hai đảng trong việc đạt được thỏa thuận lưỡng đảng, dấy lên những lo ngại về việc bế tắc tại cơ quan lập pháp Mỹ.

Thời điểm phân cực nhất

Trả lời Zing, ông Jerry Haar, giáo sư Trường Kinh doanh Quốc tế tại Đại học Florida, nói rằng đất nước đang ở tình trạng phân cực hơn bao giờ hết, khi hai đảng không coi nhau như đối thủ mà là "kẻ thù".

bau cu my anh 2

Giáo sư Jerry Haar, Trường Kinh doanh, trực thuộc Đại học Quốc tế Florida (Mỹ). Ảnh: Đại học Quốc tế Florida.

"Nhóm trung dung dường như đã không còn ở trong hệ thống chính trị Mỹ, thay vào đó là những người 'cực tả hoặc cực hữu' đang giữ lấy hai đảng. Những từ như là ‘đồng thuận’ đều có thể bị coi là ‘phản bội’", ông Haar nói.

Với kịch bản đảng Cộng hòa kiểm soát các viện quốc hội, họ sẽ ngăn chặn chương trình nghị sự của ông Biden. Khi đó, những người cấp tiến của đảng Dân chủ sẽ càng nghiêng dần về cánh tả, khiến ông Biden càng khó khăn trong việc đồng thuận với đảng đối lập, ông nhận định.

Chiến thắng của đảng Cộng hòa ở Hạ viện đồng nghĩa với nguy cơ quốc hội gặp bế tắc trong hai năm tới, cho đến khi bầu cử tổng thống 2024 kết thúc.

Ngoài ra, các đảng viên Cộng hòa có thể nỗ lực luận tội tổng thống đương nhiệm và nhiều thành viên chủ chốt khác, nhiều khả năng là trả đũa việc ông Trump bị luận tội trước đây, bà Mitchell Brown, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Auburn (Mỹ), nhận định với Zing.

bau cu my anh 3

Các ứng viên đắc cử Hạ viện Mỹ chụp ảnh lưu niệm bên ngoài Điện Capitol ngày 15/11. Ảnh: Reuters.

Kịch bản không đổi

Đảng của tổng thống dường như luôn mất ghế trong các cuộc bầu cử giữa kỳ. Trong 10 năm qua, cựu Tổng thống Barack Obama từng mất Hạ viện về đảng Cộng hòa (năm 2010), hay thậm chí mất hai viện quốc hội trong năm 2014. Đảng Dân chủ cũng giành được Hạ viện trong bầu cử giữa nhiệm kỳ của ông Donald Trump (năm 2018).

Các chuyên gia đều nhận định mất một viện quốc hội cũng khiến chương trình nghị sự của ông Biden bị cản trở, cũng như các cam kết tranh cử của tổng thống, điều sẽ ảnh hưởng đến triển vọng tranh cử vào năm 2024 nếu ông Biden trở lại đường đua giữ chiếc ghế tổng thống.

Trả lời Bloomberg, ông Ramesh Ponnuru, biên tập viên tạp chí National Review, nói vẫn có những điều mà đảng Cộng hòa có thể ăn mừng, dù kết quả bầu cử giữa kỳ không mang lại lợi thế lớn như kỳ vọng ban đầu.

bau cu my anh 4

Bà Mitchell Brown, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Auburn (Mỹ). Ảnh: Đại học Auburn.

Ông Ponnuru nói chính quyền Biden đã không có nhiều thay đổi về luật pháp trong hai năm đảng Dân chủ kiểm soát cả quốc hội và Nhà Trắng, khi so với những cựu tổng thống Dân chủ tiền nhiệm như ông Bill Clinton hay Barack Obama.

Ông cho hay không có những thay đổi liên bang về luật bầu cử, tài trợ cho phá thai, hay đẩy mạnh các nghiệp đoàn. Các cam kết tăng mức lương tối thiểu và tăng thuế thu nhập với người giàu cũng chưa được luật hóa.

"Những gì đảng Dân chủ đã làm là chi rất nhiều tiền. Điều đó không tốt và khôi phục lại hạn chế chi tiêu không bao giờ là điều dễ dàng. Nhưng nó cũng không khó bằng việc hủy một đạo luật", ông Ponnuru nói.

Trong khi đó, ông Jerry Haar cho rằng chính sách kinh tế của ông Biden trong hai năm qua là "ổn", với luật hạ tầng 1.200 tỷ USD và Đạo luật Chip và Khoa học - đầu tư 280 tỷ USD thúc đẩy ngành sản xuất chip bán dẫn của Mỹ - là những thành công lớn.

Song, gói kích thích 1.900 tỷ USD hỗ trợ người dân trong đại dịch Covid-19 đã đẩy mạnh tình trạng lạm phát tại Mỹ, dù việc thiếu hụt chuỗi cung ứng cùng chi phí cao cho các vật tư y tế nằm ngoài tầm kiểm soát của ông Biden, ông Haar nói với Zing.

Ông cũng cho rằng việc kìm hãm lạm phát tại Mỹ không liên quan nhiều đến đảng nào nắm quyền ở quốc hội.

"Điều này như việc một chú chó đuổi theo xe buýt. Đuổi kịp chiếc xe buýt rồi thì nó sẽ làm gì nữa? Tổ chức chính phủ duy nhất có thể kìm hãm lạm phát là Ngân hàng Trung ương Mỹ - tức Cục Dự trữ Liên bang. Ngay cả khi đảng Cộng hòa có những biện pháp cắt giảm ngân sách, giảm lực lượng lao động, giảm an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe, tác động lên lạm phát vẫn rất nhỏ", ông Haar nhận định.

"Không đảng nào có thể giảm lạm phát, bất kể họ nói gì. Nền kinh tế cần vận hành theo lộ trình của nó", ông nhấn mạnh.

Sóng gió chờ đợi chính trường Mỹ

Các đảng viên Cộng hòa trong nhiệm kỳ này nói rằng họ sẽ tập trung phần lớn vào điều tra chính quyền ông Biden, báo hiệu việc có thể dùng ưu thế đa số để chặn chương trình nghị sự của tổng thống.

bau cu my anh 5

Tổng thống Biden vừa trở về Nhà Trắng ngày 17/11 sau khi tham dự loạt hội nghị tại Đông Nam Á. Ông nhận kết quả bầu cử ở hai viện quốc hội khi không ở quê nhà. Ảnh: Reuters.

Các cuộc điều tra bao gồm phản ứng của chính quyền Biden với đại dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh của Hunter Biden, con trai tổng thống, và FBI. Đảng Cộng hòa đã cáo buộc FBI có động cơ chính trị khi thu giữ các tài liệu mật của ông Trump, dù không đưa ra bằng chứng, theo Washington Post.

Trong chiến dịch tranh cử, các ứng viên đảng Cộng hòa cam kết cắt giảm thuế và thắt chặt an ninh biên giới, các nhà lập pháp Cộng hòa cũng sẽ ngăn cản viện trợ cho Ukraine hoặc lấy lý do tình hình nợ quốc gia như đòn bẩy để cắt giảm chi tiêu xã hội, dù những cam kết này sẽ gặp khó khăn để hiện thực hóa với tỷ lệ đa số không lớn.

Khi là thượng nghị sĩ và phó tổng thống, ông Biden dành cả sự nghiệp để cố thỏa hiệp với đảng Cộng hòa. Nhưng hiện tại, với vị trí lãnh đạo đất nước, ông nhận thức những đe dọa đến từ đảng đối lập, theo AP.

Trái với kỳ vọng của đảng Dân chủ, nhiều người cho rằng ông Biden không nên hoàn toàn bị đổ lỗi là tác nhân gây lạm phát. Gần một nửa cử tri cho rằng giá cả tăng vọt đến từ những yếu tố ngoài tầm kiểm soát của tổng thống Mỹ.

Phe Dân chủ cũng hưởng lợi từ những chỉ trích việc Tòa án Tối cao lật lại phán quyết Roe v. Wade về quyền phá thai.

Theo khảo sát của AP, 7/10 cử tri cho biết phán quyết từ Tòa án Tối cao đã tác động đến quyết định bỏ phiếu của họ, và đa số nói rằng họ không hài lòng với tòa án, hoặc ủng hộ luật đảm bảo hợp pháp quyền phá thai trên toàn quốc.

Ông Jerry Haar là giáo sư khoa kinh doanh quốc tế tại Trường Kinh doanh, trực thuộc Đại học Florida (Mỹ). Ông có bằng tiến sĩ khoa học chính trị tại Đai học Columbia, New York. Ông Haar là tác giả của nhiều đầu sách, cũng như có nhiều bài nghiên cứu trên các tạp chí khoa học.

Bà Mitchell Brown là giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Auburn (Mỹ). Bà có những nghiên cứu tập trung vào nỗ lực trao quyền cho các cộng đồng bị thiệt thòi. Bà cũng là tác giả nhiều đầu sách.

Đêm bầu cử Mỹ trong 60 giây: Cuộc đua gay cấn Bất ngờ, kịch tích và khó đoán là những từ mô tả cuộc bầu cử giữa kỳ cân sức tại Mỹ trong năm nay, khi vẫn chưa thể xác định cán cân tại quốc hội sẽ thuộc về đảng nào.

Phân cực chính trị ở Mỹ hiện nay

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách “Phân cực chính trị ở Mỹ hiện nay: Tình hình, nguyên nhân và tác động”. Cuốn sách khái quát về hệ thống chính trị Mỹ, định nghĩa phân cực chính trị, lịch sử hình thành và tình hình phân cực ở Mỹ hiện nay. Bên cạnh đó cuốn sách cũng nêu nguyên nhân và tác động của phân cực chính trị, cũng như đánh giá xu hướng chính trị Mỹ trong thời gian tới.

Quốc hội Mỹ 'chia đôi'

Khi thế đa số ở Hạ viện và Thượng viện Mỹ đều đã ngã ngũ, Washington đang chuẩn bị đối mặt với sự chia rẽ quyền kiểm soát tại Quốc hội trong ít nhất hai năm.

Cử tri Mỹ thức giấc đã thấy phe Cộng hòa kiểm soát Hạ viện

Hạ nghị sĩ Kevin McCarthy - lãnh đạo phe Cộng hòa - nhấn mạnh một vài điểm sáng cho đảng này vào đêm bầu cử 8/11, sau khi các ứng viên của họ chiếm ưu thế tại Hạ viện.

Trần Hoàng

Bạn có thể quan tâm