Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyên gia Nhật tắm nước sông Tô Lịch

Trước sự chứng kiến của hàng trăm phóng viên và người dân, ông Kubo Jun ngâm mình 5 phút trong bể nước thành phẩm sau xử lý.

Chiều 8/8, Công ty JVE, đơn vị thí điểm làm sạch sông Tô Lịch  tổ chức buổi trình diễn quá trình xử lý nước sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật Bản.

Để chứng minh khả năng làm sạch và chất lượng nước, ông Kubo Jun, cố vấn kỹ thuật Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản trực tiếp xuống bể thành phẩm để ngâm mình, tắm cho phóng viên xem.

Sau 5 phút, ông Jun lên bờ mô tả lại trải nghiệm của mình.

"Khi tôi tắm không còn ngửi thấy mùi hôi của nước thải sinh hoạt nữa, nước gần như không còn mùi. Về độ trong, chúng ta có thể thấy gần đạt độ như nước đóng chai đang bày bán trên thị trường", ông nhận xét.

Đại diện Công ty JVE cho biết hệ thống trình diễn xử lý được chia thành 4 bể nhỏ để đặt máy Nano và tấm vật liệu Bioreactor. Bể đầu tiên là xử lý yếm khí, đặt tấm vật liệu kích hoạt vi sinh vật yếm khí. Bể tiếp theo đặt máy Nano nhằm kích hoạt vi sinh vật hiếu khí.

Sau khi bùn hữu cơ được phân huỷ thì bùn vô cơ sẽ lắng đọng lại. Bể cuối cùng là bể nước sạch đạt quy chuẩn Việt Nam có thể dùng tắm rửa được.

chuyen gia Nhat tam song To Lich anh 1
Ông Kubo Jun "trải nghiệm" tắm bằng nước sông Tô Lịch. Ảnh: Sơn Hà.

Zing.vn đặt câu hỏi về tính thực tiễn của quá trình trình diễn và liệu mô hình xử lý này có giống với sông Tô Lịch không khi mỗi ngày có đến 150.000 m3 nước thải sinh hoạt hôi thối liên tục chảy vào. Trong khi đó, các bể vừa trình diễn chỉ có một lượng nước thải cố định được tách ra để xử lý.

Về việc này, ông Tuấn Anh cho biết dù đây là hệ thống để trình diễn nhưng đáp ứng các yếu tố khách quan, đặc điểm ở con sông.

"Chúng tôi làm vậy để mọi người hiểu được quy trình làm sạch của công nghệ này thế nào. Nước ở bể đầu tiên gồm nhiều bùn và nước thải là nước sông Tô Lịch hiện tại. Nước ở bể cuối cùng đại diện cho nước sông trong tương lai nếu công nghệ được áp dụng", ông Tuấn Anh cho biết.

Theo ước tính của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, mỗi ngày sông Tô Lịch phải tiếp nhận hơn 150.000 m3 nước thải sinh hoạt và sản xuất chưa qua xử lý. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng công nghệ Nano nên được sử dụng như biện pháp song song với hoạt động thu gom và xử lý nước thải.

Kết quả thí điểm Tô Lịch bị lùi do chuyên gia JVE chưa tìm hiểu kỹ

Theo Công ty Thoát nước Hà Nội, chuyên gia của đơn vị thí điểm có ít thời gian chuẩn bị, tìm hiểu điều kiện tự nhiên con sông nên việc thử nghiệm làm sạch Tô Lịch bị ảnh hưởng.

Sơn Hà

Bạn có thể quan tâm