Vừa qua, Công ty Thoát nước Hà Nội trình lên UBND Hà Nội, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên Môi trường đề xuất xây dựng trạm bơm công suất 156.000 m3/h, dẫn nước từ sông Hồng qua hệ thống cống ngầm vào Hồ Tây, sau đó nước sẽ được xả từ Hồ Tây chảy vào sông Tô Lịch.
Dự án này được kỳ vọng sẽ cấp nước thường xuyên cho Tô Lịch, giảm mùi hôi, giúp hồi sinh dòng sông.
Tuy nhiên, phương án này đang nhận những quan điểm trái chiều. Một số chuyên gia về môi trường, thủy lợi cho rằng tạo dòng chảy theo cách này sẽ đẩy áp lực ô nhiễm từ nội thành Hà Nội ra khu vực hạ nguồn, các con sông liên thông, thậm chí sang cả các tỉnh thành khác.
Theo ước tính của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, mỗi ngày sông Tô Lịch tiếp nhận khoảng 150.000 m3 nước thải từ hơn 250 cửa xả dọc con sông. Ảnh: Sơn Hà. |
"Có thể làm được"
Ông Bùi Ngọc Uyên, Phó trưởng phòng Thông tin đối ngoại - Công ty thoát nước Hà Nội, cho biết công ty đã trình lên UBND Hà Nội xem xét, thẩm định phương án này.
Theo ông Uyên, đây là một trong những giải pháp đã được thành phố nghĩ đến từ nhiều năm trước. Bản chất của việc này là tạo dòng chảy cho Tô Lịch, pha loãng chất bẩn để giảm bớt mùi hôi, ô nhiễm trên con sông, từ đó hồi sinh con sông này.
"Về cách thức thực hiện thì rất đơn giản, việc bơm nước sông Hồng vào hồ Tây không quá khó khăn. Nước từ hồ Tây sẽ giúp làm sạch, pha loãng chất bẩn ở sông Tô Lịch. Từ đó tạo dòng chảy cho con sông", đại diện công ty cho biết.
Trao đổi với Zing.vn, GS.TS Vũ Trọng Hồng (nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi) nhận định giải pháp dẫn nước từ sông Hồng cho Tô Lịch là đúng đắn.
"Tôi hoàn toàn đồng tình với phương pháp này, đã từ lâu sông Tô Lịch không có dòng chảy do không có nguồn cấp nước. Có được nguồn cấp nước, Tô Lịch sẽ có động lực dòng chảy, lưu lượng nước sẽ dồi dào, các kế hoạch, phương pháp làm sạch sẽ đạt hiệu quả hơn so với hiện tại", GS Trọng Hồng nói.
Theo phân tích của nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, việc xây dựng trạm bơm như vậy sẽ giúp giải quyết bài toán dòng chảy của Tô Lịch, đặc biệt vào mùa khô.
"Vào mùa khô, nước sông Tô Lịch luôn rất thấp, cộng với thời tiết nắng nóng khiến sông bốc mùi hôi thối, đây là điều đương nhiên. Như chúng ta thấy vừa rồi, chỉ cần hồ Tây xả nước là lập tức sông hết mùi, cảm giác không còn ô nhiễm nữa. Nếu nước được cấp thường xuyên thì sẽ là tác động tốt đến con sông này", ông Hồng nêu quan điểm.
Chưa thực sự phù hợp thời điểm hiện tại
Trước đề xuất này, PGS.TS. Trần Hồng Côn, Giảng viên khoa Hóa, trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN), lại cho rằng đây chưa phải giải pháp phù hợp thời điểm hiện tại. Ông cho rằng tạo dòng chảy trong khi chưa tách được nước thải sẽ chỉ khiến chất bẩn bị loang ra xa, đẩy ô nhiễm từ nơi này sang nơi khác.
Nước sông Tô Lịch xanh biếc khi nhận nước cấp từ hồ Tây, nhưng chỉ được 3 ngày. Ảnh: Việt Linh. |
"Nên nhớ, nước thải chảy vào Tô Lịch không chỉ có nước thải sinh hoạt mà còn cả nước thải sản xuất, công nghiệp. Mỗi ngày 150.000 m3, một năm là gần 55 triệu m3 nước thải, từng ấy nước thải mà lan sang cả các con sông khác, địa phương khác thì rất nguy hiểm", ông Côn cho biết.
Về vấn đề này, Công ty Thoát nước Hà Nội, đơn vị đưa ra đề xuất, cho biết đã tính đến việc này. Theo đại diện công ty, nước thải của nội thành Hà Nội dù có hay không có dòng chảy đều lan sang các con sông liên thông. Việc bổ cập thêm nước cho Tô Lịch sẽ giúp pha loãng được chất bẩn, giảm được ô nhiễm.
Mặc dù đồng tình với phương pháp này, GS Trọng Hồng vẫn nhấn mạnh, bước khơi thông dòng chảy nên là bước thứ 2 sau khi đã tách được nước thải từ gần 280 ống xả dọc con sông này. Ông hiểu tại sao nhiều chuyên gia không đồng tình với phương pháp này.
"Bước 1 vẫn là cắt được nước thải dân sinh, công nghiệp, rồi mới sang bước 2 là bơm nước. Hà Nội đang xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, tuy nhiên để thu gom được nước thải về nhà máy lại là một bài toán khó. 14 km chiều dài sông, xây dựng được hệ thống cống bao không phải đơn giản", vị chuyên gia nhận định.
Ngày 9-10/7, Công ty Thoát nước Hà Nội đã cho mở 2 cổng xả nước hồ Tây, dẫn 1,5 triệu m3 nước vào sông Tô Lịch. Sông Tô Lịch trong nháy mắt trở nên xanh biếc, mùi hôi thối gần như không còn.
Theo các chuyên gia, đây là tác động kép của việc con sông được nhận nước từ hồ Tây khiến chất bẩn bị pha loãng, đẩy đi xa. Tuy nhiên, chỉ 3 ngày sau, nước Tô Lịch đen kịt trở lại, kèm theo cá chết nổi lên mặt sông.