Cựu Đại sứ Phạm Quang Vinh nhận định sự cạnh tranh giữa các nước lớn như Mỹ và Trung Quốc sẽ có tác động lớn đến tình hình thế giới và kinh tế toàn cầu trong tương lai. Ảnh: Reuters. |
"Tình hình thế giới trong năm 2022 rất sâu sắc và phức tạp. Một số vấn đề chủ đạo sẽ là cạnh tranh nước lớn, xung đột Nga - Ukraine, khó khăn kinh tế và chiến lược tại khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương".
Đó là đánh giá của ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, trong buổi đối thoại gần đây có chủ đề "Tổng kết tình hình chính trị thế giới năm 2022 và dự báo tình hình năm 2023".
Buổi đối thoại do Hội Sinh viên Nghiên cứu khoa học, Học viện Ngoại giao (Galileo Society) tổ chức.
Trong buổi tọa đàm, Đại sứ Phạm Quang Vinh đã đưa ra nhận định về những vấn đề trọng tâm của năm 2022 cũng như dự báo các xu hướng trong quan hệ quốc tế năm 2023.
Mỹ - Trung tăng cường cạnh tranh công nghệ
Theo cựu Đại sứ Phạm Quang Vinh, năm 2022 là năm mà Mỹ và Trung Quốc đánh giá lại đầy đủ bản chất của mối quan hệ giữa 2 nước.
"Trong năm 2022, hình thái quan hệ Mỹ và Trung Quốc dần được định hình. Hình thái quan hệ này có thể được duy trì trong nhiều năm, thậm chí là hàng thập kỷ tới", ông Phạm Quang Vinh chia sẻ.
Theo nhận định của ông Phạm Quang Vinh, một trong những điểm nóng hàng đầu trong cạnh tranh Mỹ - Trung chính là cạnh tranh về thương mại và công nghệ.
Cựu Đại sứ Phạm Quang Vinh (giữa) cho rằng hình thái quan hệ Mỹ và Trung Quốc dần được định hình trong năm 2022 và có thể được duy trì trong nhiều năm, thậm chí là hàng thập kỷ tới. Ảnh: Galileo Society. |
Trong cạnh tranh Mỹ - Trung về thương mại và công nghệ, cựu đại sứ đánh giá vấn đề công nghệ sẽ có tầm quan trọng lớn hơn do có khả năng quyết định quốc gia nào sẽ lãnh đạo thế giới trong tương lai. Theo đó, Mỹ nhiều khả năng sẽ tiếp tục thúc đẩy các biện pháp cấm vận và ngăn Trung Quốc tiếp cận công nghệ hiện đại.
Đối với cạnh tranh về thương mại, ông Phạm Quang Vinh nhận định Mỹ và Trung Quốc sẽ dần dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt với nhau do đây là lĩnh vực mà 2 bên đều có thể hưởng lợi.
Do hệ quả của quá trình cạnh tranh nước lớn, cựu Đại sứ Phạm Quang Vinh khẳng định trên thế giới sẽ bắt đầu diễn ra quá trình chuyển dịch nguồn vốn và chuỗi cung ứng để thích nghi với những biến động của tình hình thế giới.
Dù vậy, ông Phạm Quang Vinh nhận định quá trình chuyển dịch này sẽ không dẫn đến sự tách rời hoàn toàn giữa các cường quốc như Mỹ và Trung Quốc trong tương lai.
Thế giới chú trọng chuyển đổi xanh
Bên cạnh quá trình cạnh tranh giữa các nước lớn, cựu Đại sứ Phạm Quang Vinh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của những vấn đề an ninh phi truyền thống như thích ứng với biến đổi khí hậu trong thời gian tới.
Theo ông, những ngành kinh tế đi cùng với quá trình thích ứng với biến đổi khí hậu trong tương lai sẽ có vai trò rất quan trọng.
"Bên cạnh quá trình chuyển đổi số, việc chuyển đổi xanh sẽ tiếp tục có vai trò cực kỳ quan trọng trong thời gian tới", nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh nhận định.
Cựu Đại sứ Phạm Quang Vinh khẳng định chuyển đổi xanh sẽ là xu thế đóng vai trò quan trọng trong tương lai. Ảnh: Times of India. |
Cựu Đại sứ Phạm Quang Vinh cho biết ở các cuộc cách mạng công nghiệp trong quá khứ, các quốc gia có thể đuổi kịp tiến bộ về khoa học kỹ thuật ngay cả khi tụt hậu từ 10 đến 20 năm. Nhưng trong quá trình thích ứng biến đổi khí hậu, việc tụt hậu về công nghệ có thể khiến các quốc gia tụt lại phía sau hàng thập kỷ.
Vị cựu đại sứ nhận định trên thế giới đã xuất hiện những ngành như "tài chính xanh, công nghiệp xanh, hạ tầng xanh", đòi hỏi các quốc gia phải có những "sản phẩm xanh" để có thể buôn bán sang thị trường nước ngoài.
"Việc không bắt kịp những xu thế này có nghĩa chúng ta tự đóng cửa thị trường của mình và thị trường của những nước khác. Để thích ứng với chuỗi cung ứng toàn cầu đòi hỏi chúng ta phải đi cùng với những xu thế mới", cựu Đại sứ Phạm Quang Vinh khẳng định.
Cạnh tranh Nga - Mỹ về vấn đề Ukraine
Trong cuốn sách “Cạnh tranh địa chiến lược Nga - Mỹ: Tiếp cận từ chủ nghĩa hiện thực và trường hợp khủng hoảng Ukraine”, tiến sĩ Phan Thị Thu Dung nhận định đặt trong tổng thể cạnh tranh chiến lược Nga - Mỹ từ năm 2013 đến nay thì Ukraine là điển hình cho cạnh tranh địa chiến lược quyết liệt giữa hai cường quốc hàng đầu về quân sự trên nhiều chiến tuyến, từ an ninh, chính trị, kinh tế đến truyền thông, năng lượng.