Ngày 3/2, giải bóng đá vô địch quốc gia Night Wolf V.League 2023 sẽ chính thức được khởi tranh. Bên cạnh sự kỳ vọng về một mùa bóng hấp dẫn, V.League 2023 đang trở thành tâm điểm khi CLB Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) mới đây bỏ ngỏ khả năng tham dự giải đấu do những bất đồng về vấn đề tài trợ với VPF (Công ty CP Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam, đơn vị được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam giao quyền tổ chức V.League).
Trao đổi với Zing, ông Võ Văn Quang - chuyên gia thương hiệu có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thể thao - tin rằng nếu không xét đến khía cạnh pháp lý, các bên trong câu chuyện tranh chấp này đều có cái đúng, cái sai. Trong đó, hai yếu tố cần quan tâm nhất là quyền lợi giữa VPF và CLB cũng như lợi ích ngắn hạn và lâu dài.
Rào cản tài chính
Ngày 10/2/2022, nước tăng lực Night Wolf ký hợp đồng trở thành nhà tài trợ chính cho V.League mùa bóng 2022-2024. VPF cho biết đã ban hành văn bản, thông báo đến các CLB tham dự về ngành hàng của nhà tài trợ chính là nước tăng lực. Đồng thời đề nghị các CLB không hợp tác khai thác tài trợ ngành hàng cạnh tranh với nhà tài trợ chính kể từ ngày 11/2/2022, tức Night Wolf sẽ là nhà tài trợ độc quyền ngành hàng nước tăng lực.
Tuy nhiên, cuối tháng 12/2022, HAGL ký hợp đồng hợp tác với thương hiệu nước tăng lực Carabao và công bố vào ngày 15/1. Trước đó, nhà tài trợ cũ của CLB là Red Bull, cũng là một thương hiệu nước tăng lực.
Do hợp đồng của VPF với nhà tài trợ chính cho V.League đã ký và công bố từ đầu năm 2022, việc HAGL nhận tài trợ chính từ một thương hiệu nước tăng lực đã vi phạm điều lệ V.League 2023. VPF đã liên hệ và yêu cầu đội bóng không được quảng bá hình ảnh nhà tài trợ mới theo đúng điều lệ giải.
CLB HAGL hợp tác với Carabao từ tháng 12/2022 và chính thức công bố vào tháng 1/2023. Ảnh: HAGL. |
HAGL gửi công văn phản đối sau đó, đồng thời cho biết sẽ mất nguồn thu, không có tiền trả lương cho cầu thủ, ban huấn luyện và phải đền bù một khoản tiền lớn nếu không tuân thủ hợp đồng. Bản thân HAGL đã hoàn tất mọi công tác chuẩn bị cùng nhà tài trợ mới như sơn tên nhà tài trợ lên khán đài, chụp ảnh mùa giải, in logo lên áo đấu 2023.
Trong công văn mới nhất, HAGL khẳng định sẽ nỗ lực đàm phán lại với Carabao và thông báo khi có kết quả.
Theo ông Quang, điều lệ được ban hành đều có sự công khai, thống nhất từ các phía. Song, cần đặt câu hỏi điều lệ đang xét đến lợi ích ngắn hạn hay dài hạn.
VPF đúng về lý nhưng chỉ là ngắn hạn. Trong khi đó điểm bất hợp lý là cấm đối thủ của Night Wolf tham gia tài trợ. Việc này bị bó hẹp và trái với thông lệ quốc tế.
Điều lệ của VPF cũng có sự mâu thuẫn khi HAGL từng có hợp đồng với thương hiệu nước tăng lực Red Bull từ năm 2021 và phải đến hết 14/1/2023 mới hết hiệu lực.
VPF là đơn vị đưa ra điều lệ nhưng lại mâu thuẫn với chính hợp đồng tài trợ của CLB. Do đó mối quan hệ này không công bằng. Lệnh cấm của VPF đang trói nguồn tài trợ cho CLB
Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang
Nhìn vào khía cạnh kinh tế, lợi ích từ hợp đồng với nước tăng lực Night Wolf phần lớn thuộc về VPF. Trong khi đó CLB là thực thể khác và việc duy trì thế độc quyền tài trợ có thể khiến CLB gặp nhiều rào cản về tài chính. Đối với HAGL, số tiền 40 tỷ đồng/mùa giải từ nhà tài trợ mới có thể giúp CLB trang trải các loại chi phí.
Vị này cũng đặt câu hỏi nếu HAGL có những hợp đồng với thời hạn dài hơn, giá trị hơn như xây sân vận động gắn liền tên nhà tài trợ thì CLB sẽ bị hạn chế những gì, chịu thiệt thòi ra sao. Đây được xem như một điểm chưa rõ ràng và thỏa đáng.
Văn bản điều lệ có hai vấn đề. Đầu tiên, quyền lợi giữa các nhà tài trợ đang là nút thắt, các bên đều chịu áp lực từ nhà tài trợ. Tuy nhiên, điều lệ cũng có thể được điều chỉnh sao cho hợp lý dựa trên sự đồng thuận từ các bên.
“Động thái ‘dọa’ bỏ giải có thể chỉ là thủ thuật thương lượng của HAGL. Nhưng nếu điều này thực sự xảy ra, không riêng gì HAGL chịu thiệt mà là toàn nền bóng đá trong nước. Một khi nền bóng đá bị ảnh hưởng, thực thể chịu trách nhiệm sẽ là VPF”, ông Quang khẳng định.
Title Sponsor tràn lan tại Việt Nam
Theo vị chuyên gia, thị trường tài trợ giải đấu tại Việt Nam tương đối hỗn loạn và thường phổ biến với loại hình Title Sponsor. Nghĩa là hình thức bảo trợ cho một sự kiện bằng cách cung cấp dịch vụ hoặc tài chính để đổi lấy quyền độc quyền thương hiệu xuất hiện nổi bật trước tiêu đề của sự kiện.
Trên thực tế, Title Sponsor vẫn xuất hiện tại nhiều giải bóng đá uy tín trên thế giới nhưng đang dần được kiểm soát và tránh xuất hiện tràn lan để đảm bảo hình ảnh giải đấu. Ví dụ logo giải Ngoại hạng Anh từng đi kèm nhà tài trợ Barclay trước khi quay về biểu tượng con sư tử truyền thống.
Một số giải đấu hiện nay vẫn đi kèm song song tên nhà tài trợ như La Liga Santander (giải bóng đá vô địch quốc gia Tây Ban Nha), Ligue 1 Uber Eats (giải bóng đá vô địch quốc gia Pháp) hay Serie A TIM (giải bóng đá vô địch quốc gia Italy). Không giống Việt Nam, đa số CLB bóng đá tại các giải đấu lớn không đi kèm tên nhà tài trợ.
Logo V.League luôn gắn lièn với nhà trợ chính. Ảnh: VPF. |
Theo ông Quang, tình trạng lạm dụng Title Sponsor có thể khiến thương hiệu giải đấu lẫn hình ảnh CLB giảm sút. Người hâm mộ khi xem cũng chỉ để ý đến tên nhà tài trợ.
Ngành bóng đá còn nhiều vấn đề nhức nhối như cơ sở vật chất yếu kém. Đây cũng là yếu tố liên quan đến nguồn tài trợ. Cái nguy hiểm nhất là nếu để nhà đầu tư thấy rủi ro, họ sẽ không dám tham gia và tác động đến kinh tế không chỉ CLB mà toàn nền bóng đá
Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang
Ngay cả nhà tài trợ cũng không hoàn toàn có lợi. Việc đưa tên đơn vị bảo trợ song song tên truyền thống khiến bản sắc CLB, thương hiệu riêng và hệ thống nhận diện bị mai một.
Đáng chú ý, hợp đồng tài trợ giải đấu tại Việt Nam thường chỉ kéo dài trong thời gian ngắn. Trên thực tế, kể từ năm 2000 đến nay, V.League đã trải qua 12 nhà tài trợ khác nhau.
Chủ yếu thời hạn hợp đồng kéo dài một năm, tiêu biểu như nhà tài trợ Pepsico, Kinh Đô, Tân Hiệp Phát, Eurowindow, NutiFood, Masan. Một số doanh nghiệp tài trợ trong vòng 2-3 năm là Strata, Petrovietnam, Eximbank, Toyota, LS Holdings và cuối cùng là Sâm Ngọc Linh với thương hiệu Night Wolf.
Theo chuyên gia, bóng đá Việt Nam cần hướng đến lợi ích dài hạn và không nên khuyến khích Title Sponsor. Bên cạnh số tiền đầu tư từ các ông bầu, doanh nghiệp đứng sau, nguồn tiền từ nhà tài trợ cũng rất quan trọng với CLB. Do đó, cần có sự hài hòa về lợi ích giữa các bên.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế