Hình ảnh của những ngôi sao bóng đá luôn là điều mà các doanh nghiệp tài trợ khao khát. Ảnh: Soccrates Images. |
Những mâu thuẫn giữa đơn vị tài trợ và câu lạc bộ bóng đá không còn xa lạ đối với người hâm mộ bộ môn túc cầu. Nhiều đội bóng lớn trên thế giới như Manchester United, Barcelona, Chelsea… cũng có những bất đồng với đơn vị tài trợ dù các doanh nghiệp này có thể “rót” cho câu lạc bộ hàng chục triệu USD mỗi năm.
Lợi ích nhãn hàng là ưu tiên hàng đầu
Theo GM Authority, kể từ sau mùa giải 2020/2021, logo của thương hiệu xe hơi Chevrolet đã không còn xuất hiện trên áo đấu của câu lạc bộ Manchester United.
Trước đó, hãng ôtô đến từ Mỹ đã ký kết hợp đồng với “Quỷ đỏ” vào năm 2014 với thỏa thuận lên tới 7 năm. Đội chủ sân Old Trafford nhận được Chevrolet tài trợ hơn 78 triệu USD/mùa.
Logo của thương hiệu Chevrolet từng gắn bó với câu lạc bộ Manchester United một khoảng thời gian dài. Ảnh: Goal. |
Tuy nhiên, theo Insider, GM, công ty mẹ của Chevrolet, đã quyết định rút thương hiệu này khỏi thị trường châu Âu vào cuối năm 2015 do thị phần của hãng tại đây không đạt như kỳ vọng. Việc này khiến chiến dịch quảng bá của Chevrolet tại Premier League không còn quá quan trọng. Chính vì vậy, công ty xe hơi này đã dừng tài trợ cho MU.
Cũng tại giải đấu Premier League, câu lạc bộ Chelsea từng gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tài trợ. Theo The Guardian, công ty dịch vụ viễn thông Three đã dừng hoạt động tài trợ cho Chelsea vào tháng 3 năm ngoái. Động thái diễn ra sau khi chính phủ Anh đưa ra thông báo trừng phạt tỷ phú người Nga - Roman Abramovich - ông chủ Chelsea thời điểm đó. Phía Three cũng yêu cầu bỏ logo khỏi áo đấu Chelsea.
Tuy nhiến, đến tháng 6 cùng năm, sau khi thương vụ bán Chelsea hoàn tất, đội bóng thành London có ông chủ mới, nhà tài trợ Three đã tái kích hoạt hợp đồng tài trợ với câu lạc bộ này.
Không chỉ Three, Hyundai cùng một số nhà tài trợ của Chelsea cũng cân nhắc việc cắt hợp đồng. Điều này cũng xuất phát từ việc ông Roman Abramovich bị chính phủ Anh trừng phạt. Giới chức quốc gia này cho rằng vị tỷ phú người Nga có liên quan đến những bất ổn tại Ukraine.
Không chỉ Premier League, giải đấu La Liga tại Tây Ban Nha cũng ghi nhận những mâu thuẫn giữa đội bóng và nhà tài trợ. Theo City A.M., việc Messi muốn rời Barcelona đã ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng gia hạn tài trợ của câu lạc bộ với Công ty thương mại điện tử Rakuten.
Trong hợp đồng tài trợ đến tháng 6/2022, doanh nghiệp đến từ Nhật Bản đã giảm mức tài trợ cho Barcelona, từ hơn 54 triệu USD/năm xuống hơn 32 triệu USD/năm.
Nguyên nhân chính của việc này đến từ tương lai không chắc chắn của Messi tại câu lạc bộ trong mùa hè năm 2020. Ngoài ra, sự thiếu vắng các cầu thủ nổi tiếng như Luis Suarez và Neymar cũng khiến Barca không còn hấp dẫn đối với nhà tài trợ Rakuten.
Không nhận tài trợ bằng mọi giá
Các đội bóng cũng không tùy tiện nhận tài trợ một cách bất chấp. Theo Los Angeles Times, những cầu thủ của đội tuyển Saudi Arabia đều đã từ chối giải thưởng từ nhà tài trợ Anheuser-Busch, một hãng bia của Mỹ, trong giải đấu World Cup 2006.
Tại Saudi Arabia, nơi mà C.Ronaldo đang thi đấu, đồ uống có cồn bị cấm trên phạm vi toàn lãnh thổ. Sự khác biệt về văn hóa trong đạo Hồi khiến mọi hoạt động sản xuất, nhập khẩu, mua bán và tiêu thụ rượu bia đều bị coi là phạm pháp tại quốc gia này.
Theo The Guardian, câu lạc bộ Barnsley, đội bóng đang thi đấu tại giải League One của Anh, đang cố gắng chấm dứt thỏa thuận tài trợ áo thi đấu của Công ty tiền mã hóa Hex.
Một số cá nhân trong ban lãnh đạo của Hex cùng thường xuyên có những tuyên bố gây tranh cãi trên Twitter. Ảnh: Owen Humphreys. |
Nguyên nhân của việc này xuất phát từ những phát ngôn trên Twitter của các thành viên công ty. Các bài đăng phân biệt giới tính và ủng hộ thuyết âm mưu về vụ xả súng ở trường học Sandy Hook của cá nhân này đã khiến người hâm mộ Barnsley bất bình.
Số tiền tài trợ luôn là một khoản doanh thu quan trọng đối với các đội bóng. Dựa trên số liệu từ Statista, Real Madrid (Tây Ban Nha) đang là câu lạc bộ bóng đá có hợp đồng tài trợ áo đấu lớn nhất thế giới trong mùa giải 2022/2023 với tổng số tiền lên tới 70 triệu euro, tương đương hơn 75 triệu USD.
Xếp thứ 2 và 3 trong danh sách này là các câu lạc bộ Paris Saint-Germain (Pháp) và Barcelona (Tây Ban Nha). Tổng số tiền tài trợ áo đấu của hai đội bóng này lần lượt là 65 triệu euro (khoảng 70,4 triệu USD) và 62,5 triệu euro (tương đương 67,7 triệu USD).
Theo Harvard Business Review, các nhãn hàng cần tìm hiểu về đơn vị và sự kiện thể thao mà mình tài trợ. Điều này sẽ giúp cho các thương hiệu có thể hướng tới chính xác đối tượng khách hàng mục tiêu mà mình nhắm đến.
Các yếu tố từ địa lý cho đến nhân khẩu học đều phải được các doanh nghiệp nghiên cứu kỹ lưỡng. Những sự hợp tác sai lầm có thể gây tổn hại danh tiếng cho thương hiệu và khiến khán giả hiểu nhầm thông điệp mà đơn vị muốn truyền tải.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.