Bà Andrea Prince - chuyên gia về luật lao động, và ông Nuno Cunha - chuyên gia cao cấp về vấn đề an sinh xã hội, của ILO chia sẻ về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu và cải cách bảo hiểm xã hội (BHXH).
Hai chuyên gia phân tích những lý do chính khiến việc tăng tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam trở thành một vấn đề cấp thiết.
3 lý do khiến tăng tuổi nghỉ hưu là xu thế tất yếu
Tuổi thọ trung bình của người Việt ngày càng có xu hướng tăng lên. Năm 2015, một nam giới trung bình có thể sống thêm gần 19 năm sau khi đạt mốc 60 tuổi trong khi con số này ở nữ giới lên tới là 21,6 năm.
Thử tưởng tượng, nếu một lao động nữ bắt đầu đóng bảo hiểm từ năm 25 tuổi và nghỉ hưu ở tuổi 55, cô ấy có tối đa 30 năm đóng BHXH. Nếu người này sống đến 81 tuổi (tuổi thọ trung bình của phụ nữ Việt Nam hiện nay), cô ấy sẽ được hưởng tới 26 năm lương hưu với chỉ vỏn vẹn 30 năm đóng bảo hiểm. Điều này thực sự bất hợp lý.
Bên cạnh đó, xu hướng già hóa dân số cũng đang tạo nhiều áp lực lên quỹ BHXH.
Nguồn: ILO. |
Theo tính toán của ILO, hiện nay tỷ lệ số lao động/dân số già của Việt Nam là 6. Điều này có nghĩa là 6 người trong độ tuổi lao động đi làm để nuôi một người già trên 60 tuổi. Nhưng chỉ trong vòng 40 năm nữa, tỷ lệ này sẽ giảm xuống chỉ còn 2, nghĩa là một người già sẽ chỉ được nuôi bởi 2 người lao động.
Một lý do khác được các chuyên gia đề cập là tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện nay đã gần tiệm cận với các nước phát triển trên thế giới như Đức, Hàn Quốc hay Na Uy nhưng tuổi nghỉ hưu của nước ta lại thấp hơn họ tới 10, thậm chí 12 năm.
Thời gian làm việc ngắn tương đương với thời gian đóng bảo hiểm cũng ngắn, dẫn tới lương hưu của lao động khi về già thường rất thấp. Điều này không chỉ có tác động tiêu cực tới mức sống khi nghỉ hưu của người lao động mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới mức sống của cả một đất nước.
Chính vì vậy, theo ông Cunha, việc tăng tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam là một xu hướng đúng đắn.
“Các quốc gia trên thế giới đều tăng tuổi nghỉ hưu, không có quốc gia nào giảm xuống”, ông Cunha cho biết.
“Nếu Việt Nam không có lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu từ bây giờ, 10 năm sau, chúng ta vẫn sẽ phải quay lại bàn về vấn đề này. Kết quả cuối cùng vẫn là tăng tuổi nghỉ hưu, chỉ có điều tốc độ tăng sẽ gấp gáp hơn bây giờ rất nhiều”.
Không tác động quá nhiều tới cơ cấu lao động
Chuyên gia luật lao động Andrea Prince chia sẻ về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu và cải cách BHXH tại Việt Nam |
Đánh giá về tác động của việc tăng tuổi nghỉ hưu, cả ông Cunha và bà Andrea cho rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu từ từ, mỗi năm tăng 3 tháng và bắt đầu tư 2020 sẽ không có quá nhiều tác động tới cơ cấu lao động của Việt Nam.
Theo lộ trình được đưa ra, đến năm 2024 mới có người phụ nữ đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 56 và đến năm 2028 mới nghỉ ở tuổi 57. Khoảng thời gian như vậy là hoàn toàn hợp lý để người dân và nền kinh tế điều chỉnh để phù hợp với cơ chế mới.
Liên quan đến mối lo về nguy cơ vỡ quỹ BHXH, ông Cunha phân tích loại quỹ này hoàn toàn có khả năng suy thoái trong tương lai nhưng nếu các quốc gia kịp thời có chính sách điều chỉnh, quỹ sẽ vẫn có xu hướng mở rộng và đi lên, ít có chiều hướng sụp đổ.
Ông nhấn mạnh muốn quỹ BHXH trở nên hấp dẫn hơn với quần chúng, Chính phủ nên cân nhắc việc mở rộng phạm vi bảo hiểm tới những đối tượng mới và những khía cạnh mới hơn như trợ cấp sinh đẻ hoặc trợ cấp cho trẻ em. Có vậy, quỹ BHXH đảm bảo tính bền vững và phát huy được hiệu quả tối đa trong tương lai.
Tiến tới bình đẳng giới trong tuổi nghỉ hưu?
Theo bà Andrea, về lâu dài, vấn đề bình đẳng giới trong chính sách bảo hiểm xã hội và nghỉ hưu cần được đưa ra.
Hiện nay, trong cả hai phương án của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, sự khác biệt trong tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ vẫn còn tồn tại. Cụ thể, tuổi về hưu của nữ được đề xuất là 60 trong khi nam giới có thể làm việc tới 62 hoặc 65 tuổi.
Bà Andrea chỉ ra sự chưa thỏa đáng trong quan điểm phụ nữ về hưu sớm hơn nam giới là đúng vì họ còn phải chăm sóc gia đình và sức khỏe của phụ nữ vốn không bằng nam giới.
“Phụ nữ có tuổi thọ cao hơn nam giới và về nguyên tắc, sức khỏe của phụ nữ sau khi sinh và chăm sóc con cái bằng hoặc tốt hơn sức khỏe đàn ông”, bà Andrea cho biết.