Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chỉ bắt đầu quản lý tiền lương từ năm 2021

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết sau khi Đề án mới được thông qua thì từ năm 2021, cả nước sẽ bắt đầu thực hiện cải cách chính sách tiền lương.

 Ngày 24/3 tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức tọa đàm khoa học “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và cải cách chính sách tiền lương”- là vấn đề thiết thân với đông đảo nhân dân, công chức, viên chức, người lao động sẽ được Hội nghị Trung ương 7 thảo luận vào tháng 5/2018.

Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, trước đây việc xây dựng chính sách và quản lý lĩnh vực tiền lương, BHXH, ưu đãi người có công liên quan chặt chẽ với nhau, không phản ánh đúng bản chất của các lĩnh vực này. Cụ thể, quan hệ tiền lương theo nguyên tắc giá cả thù lao của sức lao động, BHXH theo nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ rủi ro và chính sách ưu đãi người có công là chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan tới vấn đề an sinh xã hội.

bao gio cai cach tien luong anh 1
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tại tọa đàm. Ảnh: VGP.

Do đó, Ban Cán sự Đảng Chính phủ tập trung xây dựng 2 đề án riêng, gồm Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp và Đề án cải cách chính sách BHXH, nhưng có tính tương quan lẫn nhau. Đối với việc xây dựng Đề án cải cách chính sách ưu đãi người có công, Bộ Chính trị vừa ban hành Chỉ thị thực hiện nhiệm vụ này nên Ban Cán sự Đảng Chính phủ chưa xây dựng Đề án.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng cho rằng việc xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Trung ương đã 3 lần thảo luận cho ý kiến về Đề án này từ năm 2003 tới nay nhưng chưa thể thông qua Nghị quyết về vấn đề này.

Dự thảo Đề án cải cách chính sách tiền lương và dự thảo Đề án cải cách chính sách BHXH dự kiến có nhiều điểm mới. 

Về chính sách tiền lương, dự thảo Đề án xây dựng hai bảng lương, một bảng lương dành cho các chức danh vị trí việc làm, một bảng lương dành cho cán bộ làm công việc thuần tuý về chuyên môn, khắc phục được bất cập khi trả lương theo bằng cấp.

Dự thảo Đề án cũng đặt ra định hướng chi trả thu nhập của cán bộ, công chức theo thông lệ quốc tế với tỷ trọng lương chiếm không quá 70% thu nhập; phụ cấp không được quá 30% thu nhập. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có quyền chi khoản 10% quỹ tiền thưởng (trong lương) chi trả thêm cho lao động hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và có quỹ lương để tuyển dụng nhân tài.

Dự thảo Đề án cải cách chính sách tiền lương bãi bỏ cách tính lương theo hệ số, thay vào đó là quy định về số tuyệt đối trong thang, bảng lương; xác định mức lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất và được luật hoá. Ngoài ra, dự thảo Đề án quy định thêm mức lương tối thiểu giờ; bãi bỏ sự can thiệp của Nhà nước vào thang, bảng lương của doanh nghiệp, tiến tới liên thông giữa tiền lương khu vực công và tư.

Còn theo dự thảo Đề án cải cách chính sách BHXH, người lao động tham gia BHXH từ 10 năm trở lên mới bắt đầu được hưởng trợ cấp hưu trí. Người lao động rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội trước thời điểm 10 năm chỉ được hưởng số tài khoản hiện hữu. Dự thảo Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội cũng đặt ra vấn đề điều chỉnh tuổi hưu, thời gian điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu từ ngày 1/1/2021. Cụ thể, người lao động bình thường, trong điều kiện lao động bình thường sẽ tăng thêm mỗi năm 3 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Phó thủ tướng cho biết sau khi Đề án mới được thông qua thì từ năm 2021, cả nước sẽ bắt đầu thực hiện cải cách chính sách tiền lương.

'Sếp' doanh nghiệp Nhà nước được hưởng lương tối đa bao nhiêu?

Tính kịch khung hệ số lương các “sếp lớn” doanh nghiệp Nhà nước, số tiền có thể lên tới 151,2 triệu đồng/tháng, tiền thưởng tối đa được nhận là 1,5 tháng lương bình quân.


Ngô Minh

Bạn có thể quan tâm