Ngày 17/1, bên lề hội nghị tổng kết ngành Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) năm 2017, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp cho biết trong dự thảo sửa Luật Lao động, Bộ đã đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu với nam lên 62 tuổi và với nữ là 60 tuổi từ năm 2021.
Suốt 50 năm qua, Bộ không điều chỉnh chính sách tuổi tuổi nghỉ hưu, hiện với nam là 60 tuổi và nữ là 55. Trong khi đó, các nước có xu hướng tăng dần tuổi nghỉ hưu, ở độ tuổi 65-67.
“Chúng ta mong muốn thu hẹp khoảng cách về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ, hướng đến việc không phân biệt đối xử về giới”, Thứ trưởng Diệp nói. Nhiều tổ chức quốc tế cũng kiến nghị Việt Nam về vấn đề này, đảm bảo cân bằng quỹ bảo hiểm xã hội.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp. Ảnh: Trà My. |
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu có nhiều phương án. Phương án đưa ra trong dự thảo Luật Lao động là mỗi năm tăng 6 tháng đến khi nam đủ 62 tuổi, nữa đủ 60 tuổi thì dừng. Về lâu dài, tuổi nghỉ hưu sẽ tăng dần lên 65 tuổi.
Một phương án nữa là mỗi năm, tuổi nghỉ hưu của nam và nữ tăng dần lên 3 tháng để tránh tạo ra cú sốc với thị trường lao động.
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH nhấn mạnh việc tăng tuổi nghỉ hưu được đề xuất trong dự thảo sẽ được điều chỉnh phù hợp với từng lĩnh vực.
“Người lao động có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thì nâng mức nghỉ hưu cao hơn, như 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi với nam. Song, với ngành nghề nặng nhọc, độc hại, người lao động sẽ nghỉ hưu sớm hơn, chênh lệch không quá 5 năm so với quy định”, ông cho hay.
Theo Bộ LĐTBXH, tăng tuổi nghỉ hưu nhằm đảm bảo nguồn nhân lực lao động khi đất nước bước vào thời kỳ già hóa dân số. Ảnh: Hoàng Hà. |
Theo lãnh đạo Bộ Lao động, dân số Việt Nam đang già hóa. Trước đây, mỗi năm có 1,5-1,7 triệu người tham gia lực lượng lao động nhưng con số này giờ chỉ còn 800.000 đến 900.000 người. Số người nghỉ hưu đang xấp xỉ bằng số bước vào độ tuổi lao động.
Trước câu hỏi của phóng viên về lo ngại người lao động xin nghỉ hưu "non", Thứ trưởng Diệp nhấn mạnh bất kỳ chính sách xã hội nào đều tôn trọng quyền, lựa chọn của người lao động.
Chia sẻ với Zing.vn về tình trạng lao động trên 35 tuổi bị sa thải, ông Lê Quang Trung, Phó cục trưởng Cục Việc làm, nói: “Doanh nghiệp, tổ chức phải xác định lao động là tài sản quý của doanh nghiệp, không thể thay thế được. Cần trân trọng tài sản quý này, giữ người lao động làm việc với mình”.
Bên cạnh đó, người lao động phải xác định quyền lợi và trách nhiệm của mình trong việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ. Cách mạng khoa học tiến bộ rất nhanh, người lao động rất dễ tụt hậu.
“Không chỉ 35 hay 40 tuổi mà tất cả nhóm lao động lớn tuổi cần nhận thức điều này”, ông Trung nói.