Nhiệm kỳ tổng thống sắp tới của ông Donald Trump được dự báo tác động lớn đến kinh tế Trung Quốc. Ảnh: CNN. |
Ông Zhang Ming, Phó giám đốc Viện Tài chính và Ngân hàng thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng "cú sốc" thương mại tiềm tàng có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế Trung Quốc vào đầu năm 2025. Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ lấy lại đà tăng trưởng vào cuối năm nay để đạt được mục tiêu tăng trưởng hàng năm, theo SCMP.
Nếu giữ đúng cam kết trong chiến dịch vận động tranh cử của mình, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể áp đặt mức thuế nhập khẩu 60% lên hàng hóa Trung Quốc, bên cạnh mức thuế chung 10% lên tất cả mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ.
"Cú sốc thuế từ việc ông Trump nhậm chức sẽ có tác động tiêu cực đáng kể đối với tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc trong năm 2025", ông Zhang Ming nhận định.
Xuất khẩu hiện chiếm khoảng 20% GDP của Trung Quốc, trong đó Mỹ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất.
Ở nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Trump từng phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Hiện tại, ông tiếp tục đưa ra những lời cảnh báo đanh thép tới Bắc Kinh như sẽ thu hồi Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Trung Quốc cũng như siết chặt các nhà sản xuất Trung Quốc chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài như ở Mexico để tránh thuế từ Mỹ.
"Trong tình huống này, chính phủ Trung Quốc dự kiến tăng cường các chính sách vĩ mô mở rộng để đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5%. Cụ thể, Bắc Kinh có thể đặt tỷ lệ thâm hụt tài chính trên GDP ở mức 4-5% vào năm 2025, tăng so với mục tiêu thâm hụt 3% được đặt ra vào tháng 3 năm nay", ông Zhang dự báo.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng có khả năng phát hành trái phiếu kho bạc đặc biệt quy mô lớn để tạo điều kiện cho sự thay đổi.
Về chính sách tiền tệ, ông Zhang cho rằng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) có thể tiếp tục cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của các ngân hàng và lãi suất nhằm duy trì chính sách mở rộng cho đến khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đạt khoảng 2%.
CPI của Trung Quốc gần như không biến động nhiều kể từ tháng 3/2023. Chỉ số lạm phát chính hồi tháng 9 chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ, và lần cuối vượt mốc 2% là tháng 1/2023.
"Trong bối cảnh môi trường bên ngoài ngày càng xấu đi, chính phủ Trung Quốc sẽ tăng cường giảm nợ của địa phương và thúc đẩy sự ổn định của thị trường bất động sản", ông Zhang đánh giá.
Ông cho biết thêm các hạn chế mua bất động sản tại các thành phố lớn có thể được gỡ bỏ vào năm tới để ổn định giá nhà tại các khu vực trọng điểm.
Bắt đầu từ cuối tháng 9, Bắc Kinh đã triển khai một loạt biện pháp kích thích nhắm vào thị trường chứng khoán và nhà ở để thúc đẩy nền kinh tế trong nước, bao gồm cả việc cắt giảm lãi suất quan trọng.
Ông Pan Gongsheng, Thống đốc PBoC cũng đã công bố kế hoạch vào tháng trước nhằm giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thêm 0,25-0,5 điểm %.
Ngày 8/11, sau cuộc họp kéo dài 5 ngày của Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC), Trung Quốc đã phê duyệt kế hoạch hỗ trợ tài chính trị giá 10.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1.400 tỷ USD).
Gói này tập trung giảm áp lực nợ cho các chính quyền địa phương và cung cấp nguồn lực tài chính mới để đối phó với tình hình tăng trưởng kinh tế bất ổn định, đặc biệt sau khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.