Hezbollah đang yếu thế, CNN nhận định.
Dấu hiệu đầu tiên: Không có buổi họp mặt công khai nào. Thông thường, lực lượng này sẽ tổ chức sự kiện với các thành viên cấp cao và những người ủng hộ, cùng xem thủ lĩnh Hassan Nasrallah phát biểu trên truyền hình hôm 19/9.
Dấu hiệu thứ 2: Bài phát biểu của ông Nasrallah khả năng cao đã được ghi hình từ trước. Đây là lần xuất hiện đầu tiên của vị thủ lĩnh kể từ hai đợt nổ thiết bị không dây của Hezbollah trong tuần qua.
Suốt nhiều năm qua, Hezbollah được coi là lực lượng phi nhà nước mạnh hàng đầu thế giới: Đào tạo bài bản, lãnh đạo tốt và có tính kỷ luật cao. Hồi tháng 5/2000, nhóm đẩy thành công Israel ra khỏi miền Nam Lebanon. 6 năm sau, lực lượng này lại xung đột với Israel, bất phân thắng bại. Kể từ đó, Hezbollah xây dựng kho vũ khí tên lửa và máy bay không người lái. Suốt 11 tháng qua, Hezbollah đấu qua lại với Israel dọc biên giới gần như mỗi ngày.
Tuy nhiên, vị thế này đang bắt đầu tuột dốc. Hôm 30/7, một máy bay không người lái của Israel bắn tên lửa vào tòa nhà phía nam Beirut, giết chết chỉ huy quân sự cấp cao Fu'ad Shukr. Hai ngày 17-18/9, Lebanon rung chuyển bởi hàng loạt vụ nổ máy nhắn tin và bộ đàm cầm tay của các thành viên.
Những đợt tấn công này cho thấy Israel có thể can thiệp sâu vào mạng lưới chỉ huy và kiểm soát của Hezbollah. Chưa bao giờ nhóm dễ bị tổn thương và bị xâm phạm tới vậy.
"Ánh hào quang" vỡ tan
Thủ lĩnh Hezbollah không phát biểu ngoài đời kể từ cuộc chiến toàn diện cuối cùng của Lebanon - Israel hồi năm 2006. Tuy nhiên, lực lượng này thường đưa ra các dấu hiệu cho thấy ông đang phát biểu trực tiếp. Ví dụ, hồi tháng 8, ông Nasrallah nhắc tới hai tiếng nổ siêu thanh từ máy bay phản lực Israel trên bầu trời Beirut. Những tiếng nổ này xuất hiện chỉ vài giây trước khi bài phát biểu của thủ lĩnh Hezbollah bắt đầu.
Mặc dù bài phát biểu hôm 19/9 được giới thiệu là phát sóng trực tiếp, khán giả có lý do để nghi ngờ sau khoảng 20 phút, khi Israel bắn pháo sáng trên bầu trời thủ đô Lebanon và làm rung chuyển các ô cửa sổ bằng một đợt tiếng nổ siêu thanh. Tiếng gầm vang vọng khắp thành phố nhưng thủ lĩnh tổ chức có trụ sở tại Beirut không hề phân tâm hay nhắc tới vụ việc.
Đám tang một thành viên Hezbollah thiệt mạng vì vụ nổ thiết bị liên lạc. Ảnh: New York Times. |
Máy bay chiến đấu của Israel muốn xoáy sâu thêm vào các thành quả đạt được trong các cuộc tấn công vào thiết bị của Hezbollah: Nhóm sẽ phải thu mình hoạt động bí mật hơn nữa, dù cho đã chọn loại công nghệ thấp để tránh bị Israel theo dõi.
Hezbollah có thể sẽ lùi sâu hơn và bàn bạc lại về các kế hoạch. Trong xung đột năm 2006, kênh truyền hình Al-Manar của nhóm chiến binh này đã phát sóng suốt 34 ngày, bất chấp chiến dịch ném bom dữ dội của Israel.
Hezbollah từ lâu đã ca ngợi các chương trình phát sóng trực tiếp là biểu tượng thách thức tình báo Israel. Khả năng phát sóng bất chấp mọi hoàn cảnh là niềm tự hào của nhóm này, khiến Hezbollah tỏa sáng trong mắt một số nhóm người Lebanon, thậm chí cả với những người chỉ trích.
Tuy nhiên, những gì xảy ra trong tuần này đã làm vỡ tan ánh hào quang ấy. Hezbollah đã bị lung lay, buộc phải đối mặt với thực tế mới rằng họ không hoạt động bí mật nhiều như họ tưởng.
Thế bí
Thủ lĩnh Hezbollah đã tuyên bố sẽ tính sổ với Israel. Nhưng trên thực tế, họ có thể làm được gì?
Hezbollah có vẻ không có nhiều lựa chọn, dựa trên những gì diễn ra gần đây.
Để trả đũa vụ ám sát chỉ huy quân sự, hôm 25/8, Hezbollah phóng hơn 300 máy bay không người lái và tên lửa vào các mục tiêu ở Israel, trong đó có trụ sở cơ quan tình báo Mossad và Đơn vị 8200 - đơn vị tình báo tín hiệu Israel. Israel khẳng định không mục tiêu quan trọng nào bị tấn công. Nhóm sau đó không đưa ra bằng chứng nào phản bác lời phủ nhận đó.
Hầu hết người mang theo các thiết bị phát nổ có lẽ là chiến binh thực địa, đứng ở những chốt chặn địa phương, tạo nên xương sống trong lực lượng Hezbollah. Hiện tại, có khoảng 2.000 người, thậm chí nhiều hơn, đã tạm thời không thể thực hiện nhiệm vụ. Mạng lưới liên lạc với máy nhắn tin và bộ đàm - vốn là một phần quan trọng - gần như chắc chắn đang tê liệt.
Ngay cả khi có quyết định trả đũa Israel, lệnh sẽ được truyền xuống tuyến dưới như thế nào và ai sẽ - hoặc thậm chí có thể - thực hiện lệnh đó?
Máy nhắn tin là bộ phận quan trọng trong hệ thống liên lạc của Hezbollah. Ảnh: New York Times. |
Nhà phân tích tình báo và an ninh Bob Baer cho biết Israel đã phá vỡ nghiêm trọng mạng lưới liên lạc của Hezbollah, có thể mở đường cho một cuộc tấn công quân sự trong tương lai tại Lebanon. Việc này khiến Hezbollah không thể phối hợp hiệu quả, mang lại cho Israel lợi thế chiến lược lớn, ông nói.
Ông Baer nhận định việc Israel vi phạm mạng lưới tiếp tế và liên lạc của Hezbollah là một “thất bại lớn” với nhóm này, khi có thể làm tê liệt khả năng huy động lực lượng, phối hợp tấn công và quản lý hậu cần của Hezbollah. Trên thực tế, Hezbollah dùng bộ đàm để gọi tọa độ hỏa lực, di chuyển đạn dược và giao tiếp theo thời gian thực.
Là một người đã theo dõi Hezbollah nhiều năm, ông Baer ngạc nhiên trước độ chính xác và quy mô hoạt động của Israel, bởi Hezbollah từ lâu đã nổi tiếng với khả năng liên lạc kỷ luật và an toàn.
Ông cũng cho rằng hoạt động này như một lời cảnh báo tới các đối thủ khác trong khu vực. Nếu Israel có thể xâm nhập vào mạng lưới liên lạc của Hezbollah, thì họ cũng có thể làm điều tương tự với Syria, Ai Cập hay Jordan.
Xung đột biên giới đang khiến Hezbollah phải trả giá đắt, khi thừa nhận mất hơn 400 thành viên kể từ tháng 10/2023, so với khoảng 250 người thiệt mạng trong cuộc chiến 34 ngày dữ dội hơn nhiều với Israel hồi năm 2006.
CNN cho rằng Hezbollah đang ở thế bí. Israel không còn muốn giằng co mãi tại biên giới phía bắc và đang phải dùng đến các biện pháp cực đoan hơn, dẫn tới khả năng leo thang hơn nữa. Và Hezbollah không thể làm gì nhiều để ngăn chặn hoặc trả đũa Israel.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này,...