Ngày 4/9, chuỗi phòng tập Getfit Gym & Yoga tuyên bố tạm ngừng hoạt động vì "những lý do bất khả kháng nằm ngoài tầm kiểm soát". Hơn một tháng sau, ngày 6/10, chuỗi gym FIT24 cũng tạm dừng hoạt động kinh doanh "vì những lý do khách quan bất khả kháng".
Hiệu ứng domino đang lan rộng trên thị trường gym & fitness, hé lộ những khó khăn của doanh nghiệp kinh doanh khi trường bão hòa trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
"Ông lớn" cũng chao đảo
Theo dữ liệu của Vietdata, hiện nay, thị trường gym & fitness đang tăng trưởng với tốc độ trung bình năm khoảng 20%. Thị trường được chia thành nhiều phân khúc như phòng tập của các thương hiệu lớn dành cho người có thu nhập cao và phân khúc bình dân. Tuy nhiên, phần lớn thị phần vẫn đang nằm trong tay các thương hiệu cao cấp.
Từ năm 2019, sự xuất hiện bất ngờ của đại dịch Covid -19 đã tạo “cú sốc” mạnh mẽ tới ngành gym & fitness Việt Nam, làm toàn bộ hệ thống ngành này tê liệt trong suốt 2 năm.
Dữ liệu của hãng nghiên cứu này chỉ ra trong phân khúc khách hàng cao cấp, "ông trùm" California Fitness & Yoga cũng sụt giảm doanh thu.
Tương tự, Elite Fitness - doanh nghiệp nắm giữ thị phần lớn thứ 2 ngành fitness chỉ sau California - cũng sụt giảm tới 58% doanh thu so với năm 2019, tương ứng với hơn 250 tỷ đồng.
Các thương hiệu thuộc phân khúc trung cấp và bình dân cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Một số tên tuổi lớn trong phân khúc bị “bốc hơi” trung bình trên 60% doanh thu so với năm 2019. Điển hình như Getfit Gym & Yoga (-62%), FIT 24 - Fitness And Yoga Center (-65%), G-Boss Center (-79%)…
Sau khi đỉnh điểm khó khăn của đại dịch Covid-19 qua đi cũng là lúc các thương hiệu trở lại đường đua. Tuy nhiên, tiêu dùng phục hồi chậm cùng với sự cạnh tranh gay gắt đến từ các thương hiệu mới và cả các loại hình thể thao dần thành xu hướng như chạy bộ, pickleball... khiến các ông lớn phòng tập cũng "chao đảo".
Trong 2 năm trở lại đây, hầu hết thương hiệu phòng tập lớn đều thu hẹp hoặc không thay đổi số lượng chi nhánh. Điều này phần nào cho thấy doanh nghiệp đang phải thận trọng hơn trong việc đầu tư mở rộng quy mô.
CÁC THƯƠNG HIỆU GYM & FITNESS LỚN HẠN CHẾ MỞ RỘNG 2 NĂM QUA | |||||||||||
Số lượng phòng tập của các chuỗi gym lớn sau 2 năm. | |||||||||||
Nhãn | California Fitness & Yoga | 25 Fit | Curves | Diamond Fitness Center | S'Life Gym | Opymlia Vietnam | Elite Fitness | CityGym | The New Gym | Fit24 | |
2022 | Phòng tập | 35 | 41 | 27 | 15 | 15 | 14 | 14 | 11 | 10 | 6 |
2024 | 37 | 18 | 28 | 13 | 14 | 19 | 14 | 9 | 13 | 5 |
Vì đâu nên nỗi?
Dù Getfit Gym & Yoga đã mở cửa trở lại từ ngày 28/9 sau gần 1 tháng tạm ngừng hoạt động, ông Nguyễn Hữu Phúc, đồng sáng lập, Thành viên HĐQT Getfit Holdings khẳng định khó khăn vẫn còn chồng chất ở phía trước.
"Tôi cố gắng mở lại Getfit để cứu thương hiệu đã có 14 năm tuổi. Thị trường nhìn chung vẫn còn rất khó. Các thương hiệu từ lớn đến nhỏ đều phải rất nỗ lực để trụ lại", ông Phúc cho hay.
Khi hoạt động trở lại, Getfit chỉ mở cửa 2 chi nhánh ở quận 4 và khu Trung Sơn, huyện Bình Chánh. Chi nhánh còn lại ở quận Tân Phú đang trong thời gian đàm phán với chủ nhà về giá thuê mặt bằng. Nếu không khả thi, Getfit sẽ đóng cửa chi nhánh này để cắt giảm chi phí, tinh giản bộ máy. Ông Phúc tiết lộ có chi nhánh, doanh nghiệp phải chi tới 500-700 triệu đồng chi phí thuê mặt bằng.
Lãnh đạo Getfit nhận định trong bối cảnh khó khăn, thị trường phòng gym cũng gặp rất nhiều thách thức trong việc bán gói tập dài để tạo nên dòng tiền phục vụ hoạt động kinh doanh. Nhiều thương hiệu lớn phải đóng cửa, thu hẹp quy mô và tinh giản bộ máy điều hành.
Biến động ở các thương hiệu lớn dễ dẫn đến suy giảm niềm tin với khách hàng. Ảnh: Getfit. |
Ngoài ra, ông Phúc nhận định sự biến động ở các thương hiệu lớn dễ dẫn đến suy giảm niềm tin với khách hàng.
"Khách hàng vốn đã phải cân nhắc chi tiêu nay lại càng ngần ngại khi mua những gói tập dài hạn vì lo ngại doanh nghiệp kinh doanh không ổn định. Không bán được gói dài hạn, doanh nghiệp lại khó khăn về dòng tiền. Điều này gây ra hệ lụy rất lớn", ông Phúc chia sẻ.
Trong khi đó, Giám đốc Fit24 Lê Chí Trung cho hay chuỗi này gặp khó khăn vì khách hàng chủ yếu là những người làm ăn, kinh doanh nên khi kinh tế đi xuống, họ không còn xuống tiền nhiều cho các dịch vụ tại phòng gym. Doanh thu của Fit24 vì thế mà bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thêm vào đó là sự cạnh tranh khốc liệt đến từ các chuỗi mới trên thị trường.
Cơ hội vẫn còn
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, ông Dane Fort, Tổng giám đốc FLG Việt Nam, tập đoàn sở hữu thương hiệu California Fitness & Yoga cho biết thị trường gym & fitness vẫn còn nhiều tiềm năng, với kỳ vọng của người tiêu dùng đang chuyển sang những giải pháp chăm sóc sức khỏe toàn diện hơn.
"Những thách thức mà các thương hiệu lớn gặp phải là minh chứng rõ ràng rằng việc bám giữ vào các mô hình cũ, chưa đổi mới sẽ không còn đủ để duy trì doanh nghiệp trong một môi trường luôn biến động", ông Dane khẳng định.
Ông Dane Fort, Tổng giám đốc FLG Việt Nam, chủ sở hữu thương hiệu California Fitness & Yoga. Ảnh: California Fitness & Yoga. |
Vị này phân tích khi chi phí vận hành, bao gồm tiền thuê, thiết bị và nhân sự, tiếp tục gia tăng, chìa khóa để tồn tại nằm ở sự linh hoạt và các chiến lược định hướng tương lai.
Ông Dane nhận định những yếu tố bên ngoài như lạm phát có thể tạo ra một số thách thức nhưng còn quá sớm để nhận định thị trường đã bão hòa.
Sau đại dịch Covid-19, hành vi khách hàng đã có sự thay đổi lớn, chú trọng mạnh mẽ hơn bao giờ hết vào sức khỏe toàn diện. Theo báo cáo “Healthcare in Vietnam” của Flanders Investment and Trade, chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe bình quân đầu người dự kiến tăng 9,2% mỗi năm từ 2009 đến 2025, đạt 262 USD/người vào năm 2025.
"Trong tương lai, thị trường này có tiềm năng trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Nhu cầu về các giải pháp sức khỏe và thể hình đa dạng đang bùng nổ. Vẫn còn rất nhiều cơ hội chưa được khai thác, chỉ chờ chúng tôi đổi mới và mở rộng dịch vụ của mình", Tổng giám đốc FLG Việt Nam nói thêm.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.