Gần một tuần, các cửa soi chiếu hành lý xách tay tại nhà ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất thường xảy ra tình trạng ùn tắc. Hành khách cho biết họ phải mất ít nhất từ 40 phút đến hơn một giờ để thoát khỏi cảnh nhích từng bước đến khu vực kiểm tra an ninh.
Hàng loạt biện pháp đã được Cảng hàng không quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất đưa ra. Tuy nhiên, những động thái này đến nay chưa cho thấy hiệu quả. Mặt khác, tình trạng chen chúc này tạo ra nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19.
Không có thời gian chờ
Đi chuyến bay TP.HCM - Phú Quốc, chị Nguyễn Thị Thủy Tiên cho biết được nhân viên hãng khuyến cáo đến sớm khoảng 2 giờ để làm thủ tục. Chị Tiên cũng cho rằng việc đến sớm để chuẩn bị không có gì đáng nói; thế nhưng với lần này, trải nghiệm của chị không hề thoải mái.
"Khi được thông báo đến sớm hơn 2 giờ để làm thủ tục, tôi khá bất ngờ. Thời gian bay từ TP.HCM đến Phú Quốc chỉ vỏn vẹn 35 phút, nhưng thời gian tôi xếp hàng qua cửa an ninh soi chiếu lại mất một giờ. Điều này là rất vô lý", chị Tiên phàn nàn.
Ở Nội Bài, mỗi chuyến bay, họ làm công tác soi chiếu an ninh riêng với thời gian hợp lý.
Hành khách Vũ Công Hạnh
Sau khi qua cửa kiểm tra, người phụ nữ cho biết chị không còn thời gian để nghỉ chân ở khu vực chờ. Thay vào đó, chị phải lập tức xách hành lý tiếp tục ra cửa lên máy bay vì đã sát giờ khởi hành.
Gia đình ông Vũ Công Hạnh đi chuyến bay TP.HCM - Hà Nội lúc 12h20 cũng sớm có mặt từ 10h. Vừa đến lối vào thang cuốn, ông Hạnh rất bất ngờ vì lần đầu thấy tình trạng người xếp hàng đông kín để đi qua cửa an ninh.
Gia đình ông Hạnh đi chuyến bay TP.HCM - Hà Nội lúc 12h20 ngày 18/4. Ảnh: Thư Trần. |
Khác với trải nghiệm ở sân bay Tân Sơn Nhất, ông Hạnh có phần hài lòng hơn khi đến khu vực chờ soi chiếu an ninh tại sân bay Nội Bài (Hà Nội).
"Ở Nội Bài, nếu khách bay chuyến sau mà đến sớm sẽ có ghế ngồi chờ tại một nơi khác, khách bay trước sẽ đi thẳng vào khu soi chiếu. Mỗi chuyến bay, họ làm công tác soi chiếu an ninh riêng với thời gian hợp lý. Hành khách cũng không bị kéo theo tâm lý chờ đợi, mệt mỏi", ông Hạnh so sánh.
Tuổi đã cao, vợ chồng ông Lê Văn Ngọt đi chuyến bay TP.HCM - Hải Phòng sau khi loay hoay điền tờ kê khai y tế trên giấy thì cho biết họ rất lúng túng không biết trình cho ai.
"Tôi khai báo y tế nhưng không được hướng dẫn phải nộp tờ khai cho ai hay đưa ai xem, không thấy ai cầm giấy giống mình nên tôi rất hoang mang", ông Ngọt nói.
Bất lực với "nút cổ chai"
Trái với lượng khách quá tải ở khu vực soi chiếu an ninh, các quầy check-in tại tầng trệt của sân bay Tân Sơn Nhất lại vắng. Bên trong khu vực khách chờ lên máy bay, không gian cũng thoáng đãng.
Trao đổi với Zing, đại diện Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết lưu lượng hành khách qua sân bay Tân Sơn Nhất tăng đột biến theo từng khung giờ, không rải đều ra các khung giờ như mọi năm.
Hành khách sau khi qua cửa soi chiếu an ninh phải lập tức di chuyển ra máy bay vì sát giờ khởi hành. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Nguyên nhân của tình trạng trên là các hãng hàng không đang tập trung khai thác máy bay thân rộng như Boeing 787, Airbus 350 với sức chứa lớn hơn, dồn vào một khung giờ khiến lượng người cần qua cửa an ninh quá lớn.
"Vietnam Airlines hoạt động từ 5h đến 22h, trong đó cứ giờ chẵn là bay tàu lớn với hơn 300 khách. VietJet cũng đưa vào dòng A321 hơn 200 khách", đại diện ACV chia sẻ.
Một nguyên nhân nữa được đại diện ACV đưa ra là tình trạng nghẽn mạng của hệ thống khai báo y tế khiến hành khách khai báo xong phải chờ đợi để nhận mã OTP. Đại diện ACV cho biết đang làm việc với Cục Y tế dự phòng để khắc phục tình trạng này.
Sau nhiều ngày tái diễn tình trạng ùn tắc, Cục Hàng không Việt Nam đã cử đoàn công tác vào sân bay Tân Sơn Nhất để tìm phương án khắc phục.
Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng nêu thêm nguyên nhân khiến tình trạng ùn tắc trầm trọng trong những ngày đầu là do nhân viên an ninh soi chiếu áp dụng quy định kiểm tra trực quan ngẫu nhiên với 10% hành khách. 10 người qua cửa an ninh thì sẽ chọn ngẫu nhiên 1 người để yêu cầu kiểm tra trực quan (nhân viên an ninh trực tiếp dùng tay, mắt kiểm tra hành lý).
Từ 5h đến 6h55 ngày 16/4, có 39 chuyến bay cất cánh ở Tân Sơn Nhất, tăng 7 chuyến so với cùng khung giờ ngày 15/4.
Cục trưởng Thắng cho biết các nhân viên an ninh thực hiện việc này theo quy định quốc tế và phù hợp với yêu cầu tăng cường an ninh trước dịp 30/4, 1/5. Tuy nhiên, đây là một nguyên nhân gây ùn tắc nên Cục Hàng không đã cử đoàn công tác vào họp để điều chỉnh lại.
Sân bay Tân Sơn Nhất thống kê hôm 14/4, khách qua sân bay đạt 64.000 người và tăng lên 77.000 hôm 15/4, trong đó khách nội địa đi từ sân bay này tăng đột biến với khoảng 8.000 khách.
Hôm 16/4, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất dự báo khách còn cao hơn, nhất là ở các chuyến bay nội địa vào dịp cuối tuần. Trong đó, sáng cùng ngày từ 5h đến 6h55, tại sân bay đã có tới 39 chuyến cất cánh, tăng 7 chuyến so với cùng khung giờ này hôm 15/4.
Được "khai báo y tế" thì mất "khoảng cách"
Trao đổi với Zing, Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu nhận định thông điệp 5K và các khuyến cáo phòng dịch của ngành y tế vẫn cần được tuân thủ trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trên thế giới, đặc biệt tại Campuchia. Nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam là rất lớn.
Với tình trạng sân bay Tân Sơn Nhất đông đúc như hiện nay, ông Phu cho rằng việc không giữ được khoảng cách giữa các hành khách sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm.
Việc chen chúc xếp hàng ở cửa soi chiếu khó đảm bảo quy định phòng dịch. Ảnh: Quỳnh Danh. |
"Nếu có trường hợp mắc bệnh là hành khách thì rất khó kiểm soát dịch trước tình hình đi lại của người dân tăng cao song không đảm bảo các biện pháp phòng bệnh", ông Phu nhận định.
Chuyên gia cho biết thông điệp 5K bao gồm 5 biện pháp có tính bổ trợ để phòng dịch. Trong đó, việc giữ khoảng cách là rất quan trọng để ngăn ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2.
Nếu có trường hợp mắc bệnh thì rất khó kiểm soát dịch trước tình hình đi lại của người dân tăng cao.
Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu
"Khai báo y tế quan trọng nhưng chỉ có tác dụng truy vết hoặc sàng lọc những người có nguy cơ. 'Khai báo y tế' không thể thay thế cho 'Khoảng cách' được", Phó giáo sư Phu khẳng định.
Theo nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, các sân bay nên họp bàn, tìm biện pháp để đảm bảo thực hiện đủ thông điệp 5K. Đối với hành khách, nên cố gắng khai báo y tế online trước khi bước vào sân bay để tránh tình trạng ùn tắc.
Khi ngành hàng không có dấu hiệu khôi phục sản lượng, Cục Hàng không đã chỉ đạo các hãng bay và sân bay phải bố trí nhân sự kiểm tra khai báo y tế của hành khách trước khi xếp hàng vào khu vực soi chiếu an ninh, đảm bảo tất cả hành khách khai báo y tế và tránh ùn tắc khi qua điểm kiểm tra soi chiếu. Tuy nhiên, hai nhiệm vụ này đang ngày càng khó thực hiện đồng thời.
Bình luận