Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Chuyến công du của Thủ tướng và cơ hội sau đại dịch

60 cam kết, thỏa thuận kinh tế được ký kết giữa Việt Nam với Anh và Pháp có trị giá 30 tỷ USD là minh chứng rõ nhất cho thành công trong chuyến công du của Thủ tướng.

60 cam kết, thỏa thuận kinh tế được ký kết giữa Việt Nam với Anh và Pháp có trị giá 30 tỷ USD là minh chứng rõ nhất cho thành công trong chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

“Hoạt động của các doanh nghiệp lần này rất sôi động, họ đã ký kết tổng cộng 60 biên bản ghi nhớ, hợp đồng thỏa thuận, mua bán lên tới hàng chục tỷ euro ở cả Anh và Pháp”. Tranh thủ thời gian nghỉ giữa các hoạt động, trong căn phòng nhỏ tại khách sạn InterContinental ở thủ đô Paris (Pháp), Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vui mừng thông báo kết quả nổi bật về đầu tư kinh tế sau chuyến công du Vương quốc Anh, Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính (31/10 đến 5/11).

Với mục tiêu thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội đầu tư sau thời gian dài kinh tế ngưng trệ, tổn thương do đại dịch Covid-19, chuyến công du lần này của Thủ tướng có sự tháp tùng của hầu hết bộ trưởng liên quan đến kinh tế như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường...

Tại Vương quốc Anh, khán phòng của khách sạn Kimpton (Edinburgh) chật kín người trong buổi lễ ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược. Trị giá của các bản ghi nhớ, thỏa thuận lên tới hàng tỷ USD được những “ông lớn” của Việt Nam như Vietjet, Bamboo, T&T, Vingroup ký kết với các tập đoàn hàng đầu của Anh, mở ra cơ hội đầu tư lớn cho Việt Nam, giúp chúng ta kỳ vọng vào sự hồi phục mạnh mẽ của đất nước sau đại dịch.

Trong chuyến thăm chính thức Pháp, bên cạnh hoạt động tiếp xúc song phương với các lãnh đạo cấp cao nước bạn, Thủ tướng Phạm Minh Chính dành ưu tiên cho việc thúc đẩy hợp tác kinh tế và quan hệ đầu tư, thương mại giữa hai nước.

Những ưu tiên này được tận dụng bàn bạc ngay trong bữa ăn sáng của Thủ tướng hay hội nghị bàn tròn, đối thoại với hàng loạt chủ tịch và CEO các tập đoàn lớn của Pháp như Alstom, Ngân hàng BRED, Safran, Thales, Air Liquide, EDF, MSC Mediterrane an shipping, Schneider Electric, Mazars, Quandran International...

Chuyen di mo ra nhieu co hoi cua thu tuong pham minh chinh anh 1

“Việt Nam có nhiều chính sách ưu đãi trong một số lĩnh vực mới, còn Pháp lại có thế mạnh trong những lĩnh vực này. Vậy là chúng ta cùng gặp nhau ở một điểm”, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ trước khi phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt - Pháp - nơi quy tụ hơn 100 lãnh đạo doanh nghiệp của 2 nước.

29 thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD được ký kết tại đây cũng là minh chứng rõ ràng nhất cho sự hợp tác chặt chẽ và tin tưởng lẫn nhau giữa hai nước.

“Kết quả ấn tượng của các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư trong chuyến đi là với sự chứng kiến của Thủ tướng, gần 60 bản ghi nhớ hợp tác đã được doanh nghiệp Việt Nam và các nước thỏa thuận, tổng giá trị đầu tư cam kết lên đến hơn 30 tỷ USD”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng chia sẻ.

Các ký kết tập trung trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, kinh tế số, chuyển đổi số, môi trường, phát triển cơ sở hạ tầng, quy hoạch, công nghiệp hàng không vũ trụ, y tế và phòng chống dịch, giáo dục, nông nghiệp, du lịch… Đây đều là những định hướng ưu tiên thu hút đầu tư của Việt Nam.

Gần 450 doanh nghiệp hàng đầu tham dự trực tiếp và trực tuyến 2 diễn đàn doanh nghiệp ở Anh và Pháp. Họ được khích lệ bởi thông điệp của Thủ tướng là Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, kinh doanh dài hạn ở Việt Nam.

Ngoài ra, Thủ tướng đã có gần 40 cuộc tiếp xúc, trao đổi với hơn 60 lãnh đạo các tập đoàn, ngân hàng, trường đại học hàng đầu của Anh, Pháp và châu Âu.

Qua chuỗi hoạt động bên lề bận rộn của Thủ tướng với việc trao đổi, gặp gỡ các tập đoàn kinh tế hàng đầu châu Âu, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nêu cảm nhận sâu sắc nhất là niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp thế giới với Việt Nam tăng lên rõ rệt.

Theo ông, trước đây, Anh, Pháp và các nước châu Âu đến với Việt Nam còn thận trọng. Sau chuyến công du lần này, họ đã chia sẻ quyết tâm rất lớn trong việc đầu tư vào Việt Nam.

Chuyen di mo ra nhieu co hoi cua thu tuong pham minh chinh anh 2

“Họ đánh giá môi trường đầu tư của Việt Nam rất tốt so với các nước trong khu vực. Đó là cơ hội cho chúng ta thu hút mạnh mẽ hơn, thực chất hơn, hiệu quả hơn đầu tư nước ngoài để phục vụ cho tăng trưởng, phát triển trong nước”, ông Dũng nhìn nhận.

Vấn đề người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm là việc các doanh nghiệp FDI mới vào Việt Nam phải có chất lượng cao hơn, kết nối được doanh nghiệp trong nước để lan tỏa, thúc đẩy, lôi kéo khu vực kinh tế tư nhân hay nền kinh tế trong nước vươn lên tiêu chuẩn cao hơn.

Từ đó, xây dựng được nền kinh tế tự chủ, thích ứng và mang tính chống chịu cao hơn.

Nhấn mạnh “hoạt động bên lề dày đặc”, ông Dũng cho biết ngoài gặp gỡ trực tiếp, Thủ tướng đã tham dự hội nghị trực tuyến với 200 CEO lớn toàn cầu ở cả Anh và Pháp. Đó là những doanh nghiệp hàng đầu ở châu Âu, có trình độ công nghệ tốt, có chuỗi giá trị toàn cầu và có thể tham gia đầu tư ở Việt Nam.

Theo chia sẻ của người đứng đầu Bộ KH&ĐT, doanh nghiệp châu Âu trong cuộc gặp với Thủ tướng đều thể hiện sự quan tâm đến thị trường Việt Nam, tin tưởng vào chính sách và công cuộc cải cách của Việt Nam.

Đánh giá cao kết quả chống dịch Covid-19 của Việt Nam, các nhà đầu tư cũng tìm thấy ở đó môi trường yên tâm, thuận lợi để kinh doanh. Đặc biệt trong những lĩnh vực như năng lượng tái tạo, tài chính ngân hàng, cơ sở hạ tầng, giáo dục đào tạo, y tế… là những lĩnh vực Việt Nam rất cần và khuyến khích đầu tư, còn các nước lại có thế mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kỳ vọng sau chuyến công du, các ý tưởng đầu tư của doanh nghiệp sẽ được hiện thực hóa để mang lại hiệu quả thực chất cho nền kinh tế.

Trong chuyến thăm, làm việc tại Anh dự Hội nghị COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính mang đến diễn đàn quốc tế một cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chia sẻ của ông về một đất nước Việt Nam trải qua nhiều năm đau thương bởi chiến tranh, đối diện với muôn vàn khó khăn trên con đường đổi mới nhưng quyết tâm cùng thế giới ứng phó với vấn đề của toàn cầu, đã được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Chuyen di mo ra nhieu co hoi cua thu tuong pham minh chinh anh 3

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc nói chuyện thân mật với Thủ tướng Phạm Minh Chính bên lề COP26 đã đặc biệt đánh giá cao Việt Nam khi đưa ra cam kết về phát thải ròng bằng 0, quyết tâm ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, tuần hoàn.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ phát triển tích cực hơn nữa, trong đó có hợp tác về tài chính công nghệ để giải quyết các vấn đề khí hậu.

Thái tử Charles của Hoàng gia Anh thì khẳng định Việt Nam là tấm gương đối với các nước trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Ông mong có thể thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Anh trong các dự án bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học… để phát triển nền kinh tế xanh, tuần hoàn, bền vững và ít phát thải.

Đề cập đến cam kết của Việt Nam tại diễn đàn quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo thế giới trong việc hướng về bảo vệ hành tinh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo ông, trong các hoạt động tiếp xúc song phương và đa phương, Việt Nam rất được chú ý. Nhiều tập đoàn gợi mở sáng kiến cho Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đặc biệt trong nông nghiệp. Đó là chuyển đổi từ mô hình nông nghiệp truyền thống sang phát triển nông nghiệp xanh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với Tổng thống Biden bên lề COP26 Tại Hội nghị COP26, hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ phát triển tích cực hơn nữa.

Nhấn mạnh thời cơ rất lớn, ông Lê Minh Hoan cho rằng phải biết nắm bắt thời cơ, kêu gọi những tập đoàn lớn hỗ trợ các gói về tài chính, chuyển giao kỹ thuật để giúp chuyển hướng tới nền nông nghiệp bền vững.

Quan sát cả chuyến đi, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định các lãnh đạo quốc gia hay tập đoàn lớn toàn cầu thể hiện niềm tin rất lớn vào một đất nước có nền chính trị ổn định như Việt Nam.

Điều đó khiến nguyên thủ, thủ tướng các nước trong cuộc gặp với lãnh đạo Chính phủ Việt Nam có thể bỏ qua nghi thức lễ tân để thể hiện sự thân tình, cởi mở, sẵn sàng cùng nhau ngồi lại bên chiếc bàn nhỏ bên lề Hội nghị COP26 để bàn những nội dung hợp tác thiết thực.

“Niềm tin chính trị”, theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn là giá trị được đúc kết sau chuyến công du Anh, Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ông đánh giá đây là chuyến thăm mang rất nhiều ý nghĩa và kết quả, củng cố sự tin cậy chính trị giữa Việt Nam và các đối tác.

Ngoài các hoạt động trong chương trình chính thức, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam còn tận dụng thời gian để gặp song phương 20 nhà lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế bên lề COP26.

Tới Pháp, trong các cuộc hội kiến, hội đàm với lãnh đạo cấp cao nước bạn, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam thẳng thắn đề cập những vấn đề hai nước quan tâm như hợp tác phát triển kinh tế, chuyển giao công nghệ vaccine và hỗ trợ nhau trong công tác phòng chống dịch, cùng nhau ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chuyen di mo ra nhieu co hoi cua thu tuong pham minh chinh anh 4

Thủ tướng Phạm Minh Chính kỳ vọng Pháp là cầu nối giúp tăng cường quan hệ giữa Việt Nam cũng như ASEAN với EU. Đáp lại kỳ vọng ấy, Tổng thống Emmanuel Macron hứa xem xét thúc đẩy Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ cảnh báo “thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam.

Kể khi bị cảnh báo “thẻ vàng” từ năm 2017 đến nay, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU giảm liên tục. Việc nhà lãnh đạo Pháp hứa xem xét thúc đẩy EC sớm gỡ bỏ cảnh báo “thẻ vàng” là tín hiệu tích cực bởi gần 4 năm nay, dù rất nỗ lực, thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam vẫn chưa được tháo gỡ.

Cái "khoác vai" đầy thân tình của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Macron sau buổi hội kiến như một lời khẳng định về mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước đã và đang có những kết quả tích cực.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, Pháp luôn là một trong các đối tác hàng đầu của Việt Nam ở châu Âu cũng như trên thế giới. Pháp coi trọng vị trí của Việt Nam tại khu vực cũng như trong các chiến lược, chính sách mà nước này đã và đang triển khai.

Tính đến tháng 8 năm nay, Pháp đứng thứ ba trong số các nước châu Âu và đứng thứ 16/141 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 605 dự án, tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 3,6 tỷ USD.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng kết quả này là còn khá “khiêm tốn” so với tiềm năng hợp tác của hai bên, so với thế mạnh của các doanh nghiệp Pháp cũng nhu cầu đầu tư, phát triển của Việt Nam.

Chuyến công du tới Anh và Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra trong bối cảnh đại dịch vẫn phức tạp, khó lường trên thế giới. Cũng bởi vậy, giải pháp ứng phó với Covid-19 là mục tiêu chung trong cuộc thảo luận của các lãnh đạo, tập đoàn.

Chuyen di mo ra nhieu co hoi cua thu tuong pham minh chinh anh 5

Đại dịch Covid-19 khiến thế giới điêu đứng, song nhìn một cách lạc quan, Thủ tướng Phạm Minh Chính lại cho rằng đây là cơ hội để các quốc gia hiểu nhau hơn, xích lại gần nhau và hỗ trợ để đoàn kết chống dịch.

Tại Anh, trong buổi tiếp Giám đốc điều hành Chương trình Tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cảm ơn COVAX đã cam kết cung cấp cho Việt Nam 38,9 triệu liều vaccine phòng Covid-19 trong năm 2021. Đến nay, gần 23 triệu liều vaccine thông qua cơ chế này đã được chuyển về Việt Nam.

Dù cho biết Việt Nam đang dần mở cửa, thích ứng an toàn với dịch, Thủ tướng vẫn truyền đi thông điệp “Việt Nam rất cần có thêm vaccine và càng sớm càng tốt” vì vaccine là mắt xích rất quan trọng.

Đề nghị thẳng thắn của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc bàn giao số vaccine còn lại đã đặt mua ngay trong năm 2021 đã được Tổng giám đốc AstraZeneca đồng ý, dù ông nói còn nhiều khó khăn.

Ngay tại đây, Việt Nam đã ký kết hợp đồng thương mại mua hơn 25 triệu liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca, một phần sẽ được bàn giao ngay trong tháng 12.

Khi sang Pháp, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam làm việc ngay với Giám đốc điều hành Chương trình COVAX. Hơn 9 triệu liều vaccine Pfizer và Moderna vừa được COVAX quyết định bổ sung cho Việt Nam là tin vui mà Giám đốc COVAX mang lại trong cuộc gặp với Thủ tướng.

Trên tinh thần đoàn kết quốc tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng thông báo Chính phủ Việt Nam quyết định đóng góp tự nguyện thêm 500.000 USD cho COVAX, nâng tổng số đóng góp của Việt Nam lên một triệu USD.

Chuyen di mo ra nhieu co hoi cua thu tuong pham minh chinh anh 6

Thêm 1,4 triệu liều vaccine Pháp tuyên bố viện trợ cho Việt Nam qua kênh song phương và cơ chế COVAX; Anh khẳng định giúp Việt Nam nâng cao năng lực y tế, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine; Công ty cổ phần vaccine Việt Nam và AstraZeneca ký hợp đồng mua 25 triệu liều… là những “con số biết nói” thể hiện thành quả về ngoại giao vaccine trong chuyến đi của Thủ tướng.

Với những tin vui này, người đứng đầu Chính phủ kỳ vọng khi có đủ vaccine, dù dịch bùng phát, chúng ta cũng không phải dùng các biện pháp hành chính khiến kinh tế bị sụt giảm.

Thể hiện Việt Nam sẵn sàng thích ứng an toàn, linh hoạt, mở cửa từng bước để trở lại đường đua phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế.

Đúng như lời ông chia sẻ khi gặp lãnh đạo Tập đoàn AstraZeneca, đó là “bắt đầu bao giờ cũng khó, nhưng không thể không bắt đầu. Và những gì đã làm được cho chúng ta niềm tin để hy vọng mối ‘lương duyên’ sẽ đơm hoa kết trái nhanh nhất, hiệu quả nhất trong tương lai”.

Những con số 'biết nói' trong chuyến công du Anh, Pháp của Thủ tướng

Gần 60 bản ghi nhớ với giá trị hơn 30 tỷ USD đã được ký kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với Vương quốc Anh và Pháp trong chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Thông điệp của Thủ tướng tại diễn đàn quốc tế

Trong chuyến công du gần một tuần ở Vương quốc Anh và Pháp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu nhiều thông điệp ý nghĩa và cam kết mạnh mẽ trong ngoại giao, hợp tác kinh tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Vị thế của Việt Nam đã rất khác

Trò chuyện với kiều bào tại Pháp, Thủ tướng chia sẻ sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có vị thế và sự phát triển đáng ghi nhận, thậm chí "rất khác" so với giai đoạn trước đó.

Hoài Thu - Hồng Quang

Đồ họa: Như Ý

Bạn có thể quan tâm