Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Thành quả từ nỗ lực ngoại giao vaccine của các lãnh đạo cấp cao

Đi Cuba và Mỹ, Chủ tịch nước đã tranh thủ được tối đa sự viện trợ vaccine với thành quả 1 triệu liều Abdala về theo chuyên cơ cùng 1,5 triệu liều các nước cam kết cung cấp.

Đi Cuba và Mỹ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tranh thủ được tối đa sự viện trợ vaccine với thành quả 1 triệu liều Abdala về theo chuyên cơ cùng 1,5 triệu liều các nước cam kết cung cấp.

11h30 ngày 21/9 (giờ New York, Mỹ), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bước vào phòng Central Park của khách sạn JW Marriott Essex House New York, bắt đầu cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In - một hoạt động song phương bên lề Phiên thảo luận chung cấp cao khóa 76 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Tại đây, Tổng thống Moon Jae-In tuyên bố: “Chính phủ Hàn Quốc sẽ hỗ trợ Chính phủ, nhân dân Việt Nam hơn một triệu liều vaccine và sẽ chuyển cho Việt Nam vào giữa tháng 10 tới để phòng, chống dịch Covid-19”. Cuộc gặp vỏn vẹn 30 phút và đó chỉ là một trong 50 cuộc gặp gỡ, hội đàm diễn ra trong 3 ngày ở New York của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Ngoại giao vaccine và nỗ lực, quyết tâm phòng, chống đại dịch là nội dung được Chủ tịch nước đề cập xuyên suốt trong phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc cũng như khi nói chuyện với lãnh đạo các nước.

Lịch trình làm việc của Chủ tịch nước kéo dài đến sát thời điểm lên chuyên cơ trở về Việt Nam. Ông tận dụng cả quãng thời gian quá cảnh ở sân bay để tham gia thêm hoạt động, không bỏ phí bất cứ cơ hội nào.

9h45 ngày 18/9 theo giờ địa phương (gần 21h ngày 18/9, giờ Việt Nam), chuyên cơ chở Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam hạ cánh xuống sân bay Quốc tế Jose Marti Habana, bắt đầu chuyến thăm chính thức Cuba.

Kể từ khi đặt chân xuống sân bay, lịch trình của đoàn diễn ra liên tục, với các cuộc hội kiến, hội đàm với Bí thư thứ nhất, Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Miguel Diaz Canel Bermudez; hội kiến Thủ tướng Manuel Marero Cruz; hội kiến Chủ tịch Quốc hội Esteban Lazo cùng các hoạt động thăm đài tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại sứ quán…

Dau an Ngoai giao vaccine lanh dao cap cao anh 1

Trong ngày cuối của chuyến thăm, khi tiếp Tổng giám đốc Đặc khu phát triển ZED Mariel, Chủ tịch nước không giấu nổi vui mừng khi thông báo việc Việt Nam đã ký hợp đồng chính thức với Cuba về việc mua 10 triệu liều vaccine Abdala của Cuba.

Theo ông, với kết quả đó, đoàn công tác đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện mục tiêu đặt ra. Việc ký kết hợp đồng mua 10 triệu liều vaccine Covid-19 của Cuba là sản phẩm rất cụ thể cho chuyến đi.

Với tính cấp bách trước đại dịch, hợp đồng vừa được ký, Chủ tịch nước cùng đoàn lập tức đến thăm Trung tâm Kỹ thuật Di truyền và Công nghệ sinh học - đơn vị nghiên cứu, sản xuất vaccine Abdala. Chủ tịch nước trực tiếp chứng kiến việc Việt Nam ký hợp đồng mua ngay 5 triệu liều vaccine Abdala, trong đó 1 triệu liều được mang về luôn trên chuyến chuyên cơ chở Chủ tịch nước cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết 5 triệu liều vaccine này mới chỉ là bước đầu trong hợp đồng mua 10 triệu liều Abdala của Cuba. Ông Thuấn đề nghị phía Cuba sớm gửi hồ sơ liên quan để Việt Nam khẩn trương cấp phép vaccine cho trẻ em và nhanh chóng đàm phán thêm 5 triệu vaccine cho trẻ em.

Lễ ký biên bản ghi nhớ về việc mua 5 triệu liều vaccine Soberana cho trẻ em đồng thời được xúc tiến ngay dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước.

Sau chuyến thăm chính thức Cuba, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lên chuyên cơ đến New York (Mỹ) tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao khóa 76 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Với lịch trình khoảng 3 ngày, không kể hoạt động chính thức, ông và đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam đã có hơn 50 cuộc gặp gỡ với 30 nguyên thủ các nước, lãnh đạo các tổ chức quốc tế lớn cùng gần 50 tập đoàn hàng đầu thế giới. Tính trung bình một ngày ở New York, Chủ tịch nước có khoảng 20 cuộc gặp, làm việc, hội đàm. Người đứng đầu Nhà nước Việt Nam thậm chí không có thời gian nghỉ, ông cùng đoàn chỉ có 30 phút ăn trưa trước khi bước vào chuỗi hoạt động mới trong ngày.

Bên cạnh đó, lãnh đạo các ban Đảng, bộ, ngành Trung ương trong đoàn chủ động gặp lãnh đạo đối tác liên quan, bao gồm khoảng 20 bộ trưởng ngoại giao.

Việc tận dụng từng phút để gặp, hội kiến hàng chục nguyên thủ, nhà lãnh đạo khắp thế giới khiến Chủ tịch nước và thành viên đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam luôn bận rộn. Mỗi cuộc gặp diễn ra chừng 15-30 phút. Các nhà lãnh đạo bỏ qua phần nghi lễ để nhanh chóng đi vào nội dung trao đổi chính.

“Một trong những kết quả nổi bật, thiết thực của chuyến công tác là đoàn ta đã tranh thủ được sự ủng hộ hiệu quả của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là cho phòng, chống dịch Covid-19, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang tổng kết khi chuyên cơ chở Chủ tịch nước và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam vừa hạ cánh xuống sân bay Nội Bài.

Ông Giang khái quát trong khuôn khổ chuyến công tác, Việt Nam nhận được cam kết và sự ủng hộ mạnh mẽ từ các nước, đối tác quốc tế, công ty nước ngoài. Bên cạnh 1,05 triệu liều vaccine Abdala của Cuba chuyển về nước theo chuyên cơ, các nước và đối tác đã cam kết viện trợ, cung cấp 1,5 triệu liều vaccine cho Việt Nam.

Mỹ cam kết viện trợ một số lượng lớn vaccine cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX trong kỳ phân bổ sắp tới. Riêng trong cuộc làm việc của Chủ tịch nước với lãnh đạo Pfizer, công ty này cam kết chuyển đủ 31 triệu liều vaccine đã ký hợp đồng với Việt Nam ngay trong năm 2021 và 20 triệu liều vaccine cho trẻ em khi có đầy đủ dữ liệu về hiệu quả, tính an toàn.

Ngoài vaccine, nhiều đối tác và kiều bào tại Mỹ đã hỗ trợ vật phẩm y tế với trị giá 8,8 triệu USD.

Kết quả này, như chia sẻ của lãnh đạo Bộ Ngoại giao, đã "thể hiện nỗ lực cao nhất của Chủ tịch nước và đoàn công tác, là minh chứng sinh động cho quyết tâm của Đảng, Nhà nước, nhân dân, kiều bào ta ở nước ngoài dành mọi nguồn lực để đất nước vượt qua đại dịch, sớm phục hồi và tiếp tục phát triển kinh tế".

Không chỉ thể hiện nỗ lực ngoại giao vaccine trong gặp gỡ song phương hay bên lề, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc luôn nhấn mạnh vấn đề này trong phát biểu của mình tại diễn đàn quốc tế.

Trong Hội nghị thượng đỉnh do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề cập tầm quan trọng của vaccine trong cuộc chiến chống đại dịch. Theo ông, mở rộng tiêm vaccine song song với sử dụng thuốc điều trị hiệu quả có ý nghĩa then chốt để đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ tính mạng người dân và thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế.

Dau an Ngoai giao vaccine lanh dao cap cao anh 2

Trong những đề xuất đưa ra, ông cho rằng cần nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển sản xuất vaccine, tạo ra trung tâm, mạng lưới sản xuất vaccine ở các khu vực thông qua việc tăng cường hợp tác sản xuất, chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển, xóa bỏ rào cản liên quan đến cung ứng vaccine.

Đánh giá cao vai trò của Chương trình COVAX, ghi nhận việc nhiều nước đã chia sẻ, hỗ trợ vaccine cho Việt Nam, Chủ tịch nước kêu gọi COVAX và các nước có năng lực đẩy mạnh nỗ lực cung ứng vaccine cho nhóm nước đang phát triển, để ít nhất 70% dân số các nước này được tiêm chủng sớm nhất có thể.

"Cùng vững tin và tự cường - Hướng tới phục hồi sau Covid-19, tái thiết bền vững, bảo vệ hành tinh, thúc đẩy quyền con người và cải tổ Liên Hợp Quốc" là chủ đề chính trong bài phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Phiên thảo luận chung cấp cao khóa họp 76 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Chia sẻ với các nguyên thủ, nhà lãnh đạo khắp thế giới có mặt tại Liên Hợp Quốc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói không con số thống kê nào có thể đo đếm được nỗi đau, mất mát trong đại dịch Covid-19, trên hết là mất mát về người, cùng với đó là thiệt hại to lớn về kinh tế, tác động sâu sắc đối với xã hội và sự thụ hưởng quyền của người dân.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định nhiệm vụ cấp bách hàng đầu hiện nay là kiểm soát đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu. “Thế giới chưa thể an toàn khi còn có bất cứ người dân hay quốc gia nào chưa an toàn trước đại dịch”, ông nhấn mạnh.

Để sớm đẩy lùi Covid-19, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi tăng cường hợp tác, đoàn kết trên tinh thần trách nhiệm và sẻ chia, nhất là ưu tiên cung cấp vaccine cho người dân những nước có tỷ lệ tiêm chủng còn thấp, tạo điều kiện để nhóm nước đang phát triển hợp tác sản xuất, tham gia chuỗi cung ứng vaccine.

Song song với nỗ lực của Chủ tịch nước và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam ở Cuba, ngay trong đêm 19/9, ở Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo cơ quan liên quan xem xét, đề xuất quy trình, quy định phê duyệt vaccine Abdala của Cuba. Tới sáng 20/9, Văn phòng Chính phủ ra thông báo các phương án trên đã hoàn thành. Đồng thời, Thủ tướng không quên gửi lời chúc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, đoàn công tác đang ở phía bên kia bán cầu có chuyến đi may mắn, thành công tốt đẹp và trở về an toàn, mạnh khỏe.

Với vai trò là Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, người đứng đầu Chính phủ đã tham gia trực tiếp, tranh thủ mọi hình thức ngoại giao, điện đàm hay viết thư cho lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp sản xuất vaccine… Từ tháng 5 đến nay, ông đã có hàng chục cuộc điện đàm với lãnh đạo Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Pháp, Israel... Đề nghị hỗ trợ vaccine là vấn đề trọng tâm luôn được Thủ tướng ưu tiên nhấn mạnh trong mỗi cuộc điện đàm.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính liên tục đề nghị WHO, COVAX, AstraZeneca, Pfizer… đẩy nhanh tiến độ giao vaccine như đã thỏa thuận.

Với tinh thần “đã cố gắng, càng cố gắng hơn nữa”, “đã quyết tâm, càng quyết tâm cao hơn nữa”, để nhanh chóng tiếp cận với nhiều nguồn vaccine hơn, Chính phủ thành lập Tổ công tác về ngoại giao vaccine do Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng. Bên cạnh việc tạo mọi thuận lợi để đẩy nhanh nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, Tổ công tác có nhiệm vụ đẩy mạnh ngoại giao vaccine để tiếp cận nhanh nhất, đưa vaccine, trang thiết bị y tế và thuốc điều trị Covid-19 về nước nhiều nhất, sớm nhất có thể.

Hai tuần trước, tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) tại Cộng hòa Áo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ quan điểm của Nghị viện châu Âu rằng “chỉ có đoàn kết, sẻ chia và niềm tin quyết thắng” mới giúp nhân dân sớm khắc phục hậu quả dịch bệnh, trở lại cuộc sống bình thường mới. Chủ tịch Quốc hội mong muốn Nghị viện châu Âu tích cực hỗ trợ nguồn cung vaccine qua cơ chế COVAX, chia sẻ vaccine “dôi dư”, hỗ trợ cung cấp vật tư, trang thiết bị y tế thiết yếu, thuốc điều trị Covid-19, hợp tác sản xuất. Việt Nam sẵn sàng mọi mặt để có thể trở thành trung tâm sản xuất vaccine ở khu vực.

Trong khuôn khổ chuyến công tác, Bỉ và Slovakia đã viện trợ 200.000 liều vaccine và cam kết hỗ trợ, nhượng lại nhiều triệu liều. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã hỗ trợ trang thiết bị, vật tư y tế, nhất là các bộ kit xét nghiệm Covid-19...

Thành quả của những nỗ lực tập thể, sự vào cuộc của cả hệ thống được minh chứng bằng hàng chục triệu liều vaccine chuyển về nước cùng 2 loại vaccine được chuyển giao công nghệ

Ngày 27/9, 2,6 triệu liều vaccine do Đức viện trợ đã về tới TP.HCM. Lô vaccine này được viện trợ từ nguồn dự trữ của Đức, đã được Thủ tướng Angela Merkel đề xuất với Thủ tướng Phạm Minh Chính.

“Đây là lô vaccine thứ hai từ Đức trong hai tuần qua. Cùng với lô vaccine được vận chuyển qua cơ chế COVAX ngày 16/9, chính phủ Đức đã viện trợ tổng cộng 3,45 triệu liều cho Việt Nam", Đại sứ Đức Guido Hildner nói.

Với 400.000 liều vaccine về nước sáng 25/9, từ đầu tháng 6 đến nay, Chính phủ Nhật Bản đã viện trợ tổng cộng 3,58 triệu liều.

Trong khi đó, phía Mỹ đã viện trợ hơn 1 triệu liều vaccine Pfizer cùng khoảng 5,1 triệu liều vaccine Moderna thông qua cơ chế COVAX.

Trong chuyến thăm Việt Nam hồi giữa tháng 9, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị công bố sẽ viện trợ thêm 3 triệu liều vaccine trong năm nay, nâng tổng số vaccine viện trợ của nước này lên 5,7 triệu liều.

Bên cạnh đó là hàng triệu liều vaccine của nhiều nước khác đã góp phần lớn vào hơn 39 triệu liều vaccine đã được tiêm cho người dân cả nước (tính đến 27/9).

Việc nhận chuyển giao vaccine để Việt Nam sản xuất trong nước cũng có tín hiệu tích cực. Hôm 24/9, lô vaccine Sputnik V đầu tiên do Việt Nam sản xuất đã được Viện Nghiên cứu quốc gia về dịch tễ học và vi sinh vật Gamalaya, Liên bang Nga phân tích, thẩm định và đánh giá đáp ứng yêu cầu của tài liệu quy chuẩn.

Vaccine ARCT-154 do Arcturus Therapeutics (Mỹ) phát triển theo công nghệ mRNA - một trong những công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới đã được chuyển giao cho một doanh nghiệp của Việt Nam. Hiện, vaccine này đã hoàn thành tiêm 2 mũi thử nghiệm giai đoạn 1 và đạt kết quả khả quan.

Trong cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây, bà Aurélia Nguyen, Giám đốc điều hành Chương trình COVAX, đánh giá cao chiến dịch tiêm chủng của Việt Nam. Khẳng định Việt Nam là một trong những ví dụ điển hình trong triển khai hiệu quả tiêm chủng và phòng, chống dịch, bà Aurélia Nguyen đồng thời cho biết COVAX sẽ tiếp tục cố gắng thực hiện các cam kết với Việt Nam; quan tâm, phân bổ vaccine trong thời gian tới.

Dấu ấn chuyến công tác của Chủ tịch nước tới Mỹ, Cuba

Chủ tịch nước đã tạo động lực, luồng sinh khí mới khi thăm Cuba; có phát biểu quan trọng ở Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và gặp gỡ hơn 30 nguyên thủ, lãnh đạo các nước khi ở New York.

Phát ngôn của Chủ tịch nước trong chuyến công tác 7 ngày tới Cuba, Mỹ

Trong chuyến thăm Cuba và dự Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 76 tại Mỹ, Chủ tịch nước đã gặp gỡ hàng chục nhà lãnh đạo, có nhiều phát biểu quan trọng.

Hoài Thu - Hồng Quang

Đồ họa: Hà My

Bạn có thể quan tâm

Thông báo

Bình luận

Ý kiến bạn đọc

Nổi bật
  • Mới nhất
Gửi bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng.
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

    Xem thêm bình luận