Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyện có thật về thôn bán máu, chết vì HIV, quan tài đóng không xuể

Đó là ngôi làng đặc quánh mùi tử khí, máu và máu bao trùm khắp nơi, con virus HIV lan truyền gieo chết chóc khắp làng, và căn bệnh AIDS trong tâm hồn con người.

Diêm Liên Khoa được mệnh danh là "đại sư của chủ nghĩa hiện thực hoang đường", dùng văn chương để đối diện với những mặt trái của xã hội, mặt tối của lòng người. Tác phẩm của Diêm Liên Khoa thường gây tranh luận, mỗi khi ông cho xuất bản một tác phẩm mới là một lần dấy lên dư luận và chấn động văn đàn.

Sức hấp dẫn trong tác phẩm của Diêm Liên Khoa nằm ở khả năng xử lý và đi đến tận cùng nhiều vấn đề nhức nhối, uẩn khúc của lịch sử và hiện thực, sự giễu nhại thâm thúy cùng khả năng tưởng tượng văn học đáng kinh ngạc.

Diêm Liên Khoa thường viết về bóng tối, cái chết và sự băng hoại của nhân phẩm nhưng lại hướng con người đến ánh sáng, sự sống và nhân tính.

Mua bán máu dễ như mua bán giấy vụn

Đinh Trang mộng có thể coi là một trong những tiểu thuyết quan trọng nhất trong sự nghiệp sáng tác của Diêm Liên Khoa, một tác phẩm mà ông viết bằng tất cả sự thống khổ đau đớn và lương tâm trách nhiệm của một nhà văn coi ngòi bút như sinh mệnh và cầm bút với tâm thế “sống là không thể không viết và tất yếu phải viết”.

Tieu thuyet ve chuyen ca lang nhiem HIV anh 1
Sách Đinh Trang mộng. Ảnh: TĐ

Tác phẩm viết về một thôn làng khuất sâu trong bình nguyên xa xôi bên cổ đạo Hoàng Hà, ở đó, cuộc sống vốn khốn cùng của người dân giàu lên nhanh chóng nhờ những cuộc bán máu phi pháp. Hệ lụy của nó là bệnh AIDS lan tràn, sự giàu có phồn hoa qua nhanh như một giấc mộng, và con người ngay lập tức phải đối diện với những bi kịch thê thảm nhất của nhân sinh.

Diêm Liên Khoa đã viết một cách đầy ám ảnh về giấc mộng “lòng đất kết vàng, mặt đất nở hoa”, mà theo quan niệm của ông là giấc mộng phổ biến của con người đương đại và cái giá phải trả bằng máu cho những ảo mộng phồn hoa đó. Mộng và máu, vì thế trở thành những biểu tượng ám ảnh nhất trong tác phẩm. Màu đỏ của máu và màu đen của của sự chết chóc u tối vì thế là hai gam màu trội nhất trong tác phẩm.

Khác với nhiều tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa, thường dùng tưởng tượng như một cây cầu để bước vào hiện thực, ở Đinh Trang mộng, ông đã thực hiện cuộc hành trình ngược lại để hiện thực trở thành cây cầu nối đến bờ tưởng tượng, là mảnh đất để tưởng tượng thăng hoa.

Bệnh AIDS lan tràn chóng mặt vào khoảng giữa thập niên 90 và bùng nổ khoảng đầu thế kỷ XXI ở Trung Quốc. Đinh Trang mộng được xây dựng dựa trên bối cảnh đó.

Tuy tiểu thuyết được viết và hoàn thành năm 2006, nhưng khởi nguyên ý tưởng của Diêm Liên Khoa được manh nha từ năm 1995, khi ông gặp gỡ bác sĩ Cao Diệu Khiết, người được dân gian truyền tụng là bác sĩ xuất sắc nhất trong phòng chống AIDS ở Trung Quốc. Tại nhà bác sĩ Cao, Diêm Liên Khoa đã gặp hai cha con bệnh nhân bệnh AIDS, từ đó, tìm hiểu về việc đi học của trẻ con mắc AIDS.

Sau cuộc gặp gỡ, Diêm Liên Khoa và bạn bè đã quyết định cùng trợ cấp tiền học phí cho bốn đứa trẻ học tiểu học, nhưng sau một năm, có tin báo ông không cần gửi tiền đến nữa, vì những đứa trẻ đã chết cả rồi. Sự kiện này khiến Diêm Liên Khoa xúc động mạnh mẽ. Ông nói, là một người viết, nhất định phải tìm hiểu xem mọi người ở đó đối diện với nghèo đói và cái chết thế nào, và nhất định phải ghi lại những trải nghiệm cảm xúc của mình.

Khi bệnh AIDS bùng nổ, Diêm Liên Khoa đã quyết định chọn một thôn có nhiều người bệnh AIDS để điều tra thực địa. Trong vòng 3 năm, từ 2003 đến 2006, tổng cộng Diêm Liên Khoa đã 7 lần đến thôn bệnh AIDS, mỗi lần ít thì 4, 5 ngày, nhiều thì 20 ngày.

Diêm Liên Khoa không biết chữa bệnh, ông chủ yếu làm công tác tâm lý tư tưởng, ông nói “về phương diện này tôi làm cũng khá, nên làm nhiều một chút”.

Tieu thuyet ve chuyen ca lang nhiem HIV anh 2
Dân làng Wenlou, Trung Quốc xếp hàng trước cửa phòng khám HIV (ảnh trên), và những đứa trẻ trong trại trẻ mồ côi do cha mẹ đã chết vì HIV (ảnh dưới). Ảnh: AFP/Getty Images.

Ngoài điều tra thực địa, Diêm Liên Khoa còn dành hơn 15 vạn nhân dân tệ để hỗ trợ bệnh nhân bệnh AIDS, trong đó ngoài phần lớn là tiền của cá nhân ông thì có một phần được huy động từ bạn bè giúp đỡ. Chính trong quá trình thực địa này, Diêm Liên Khoa hiểu ra những bí ẩn đằng sau sự bùng nổ kinh hoàng của bệnh AIDS và bắt tay viết tiểu thuyết Đinh Trang mộng.

Đinh Trang mộng được viết dựa trên một câu chuyện có thật ở thôn có nhiều người bệnh AIDS mà Diêm Liên Khoa đi thực địa đó. Đầu nậu máu lớn nhất của thôn khi ấy là đương kim trưởng thôn, còn người kéo ra bức màn che giấu tình hình bệnh tật là cựu trưởng thôn. Cựu trưởng thôn có ba người con trai, con cả là trưởng thôn bây giờ, hai người con còn lại cũng bán máu mà mắc AIDS.

Vì vậy, cựu trưởng thôn đã vượt qua sự mạo hiểm rất lớn để tố cáo với chính phủ tình hình lây nhiễm bị bưng bít trong một thời gian dài ở nông thôn. Nhưng khi sắp quyết định kéo ra bức màn này, cựu trưởng thôn lại rơi vào do dự, vì làm như vậy một trong những hậu quả trực tiếp là đẩy người con cả của ông vào tù.

Những đầu nậu máu trong thôn đi xe ba bánh, trên xe chất đầy dụng cụ hút máu, bình đựng máu, kim tiêm, đến từng nhà từng nhà trong thôn thu mua máu như thu mua đồng nát.

Diêm Liên Khoa từng chia sẻ, khi bước vào thôn bệnh AIDS, ấn tượng ám ảnh nhất với ông chính là cái lều cỏ chuyên bán quan tài được dựng lên ở đầu thôn, trên đó dùng đá viết vẻn vẹn ba chữ “bán quan tài”, thợ mộc làm việc luôn tay ở bên trong.

Có người đang tưới nước trong ruộng, nậu máu đến tận ruộng hỏi “bán máu không”, có nông dân bán máu xong cảm thấy váng đầu, nậu máu liền dốc đầu anh ta xuống đất, chân chổng lên trời, lắc mạnh mấy cái để máu tuần hoàn. Cứ thế, nông dân bán máu xong cảm thấy không sao, tiếp tục đi cuốc đất, tưới ruộng, cần làm gì thì làm cái đó. Những chi tiết thực này được đưa vào tác phẩm, trở thành những điểm nhấn nhức nhối trong tiểu thuyết.

Bệnh AIDS trong tâm hồn con người

Đinh Trang mộng là câu chuyện về bệnh AIDS, nhưng điều tác giả quan tâm không phải là bệnh AIDS trên thân thể mà là bệnh AIDS trong tâm hồn con người. Tuy không khí truyện đặc quánh mùi tử khí, nhưng điều ông quan tâm nhiều hơn không phải là cái chết, mà là tình yêu và cách yêu độc nhất vô nhị của con người trong khoảng thời gian chót cùng bĩ cực của cuộc đời.

Để thể hiện điều đó, ông đã mượn mộng như một đường kênh đặc thù để đưa người đọc vào câu chuyện. Mở đầu truyện là mộng, kết thúc truyện cũng là mộng, và xuyên suốt trong hơn 15 vạn chữ của tác phẩm, mộng ken dày. Đó có thể là những giấc mộng thực sự trong đêm, cũng có thể là những huyễn mộng hoang tưởng ban ngày.

Có những giấc mộng mang ý nghĩa hồi tưởng, có những giấc mộng mang chức năng dự báo, có những giấc mộng xuất hiện như một kí hiệu tượng trưng để gửi gắm quan niệm của nhà văn về hiện thực, có những giấc mộng được Diêm Liên Khoa tưởng tượng, và cũng có những giấc mộng được mượn nguyên mẫu từ Kinh thánhThần thoại Trung Hoa

Phần lớn các giấc mộng đều chiếu ứng với thực tại, vì vậy, mộng là con đường để bước vào hiện thực, còn hiện thực lại trần trụi hiện ra trong mộng. Mộng là thực và thực cũng chính là mộng. Mộng là hiện thực hoang đường và thực là một cơn ác mộng.

Tieu thuyet ve chuyen ca lang nhiem HIV anh 3
Diêm Liên Khoa - cây bút hiện thực nổi tiếng.

Đinh Trang mộng đem đến cho bạn đọc nhiều thể nghiệm mới về nghệ thuật tự sự. Mộng vừa là nội dung, vừa là phương thức kiến tạo nên kết cấu đặc thù của tác phẩm. Hai dòng mạch thực và mộng đan xen tạo nên một thế giới trùng phức đa tầng. Ngòi bút của tác giả không chỉ bóc tách bề mặt ý thức tâm lý phức tạp của con người mà còn khoan sâu vào tầng sâu tâm thức…

Truyện được kể bằng lời của một thiếu niên đã chết, về những việc sau khi chết. Từ lời kể của người chết này, những ân oán giữa ba thế hệ của một gia đình, những tàn khốc lạnh gáy, những sự thực hết sức hoang đường, những vấn đề nhức nhối của môi sinh, chất thơ của tình yêu, những phức cảm, ẩn ức sâu trong tiềm thức, vô thức của con người dần được hé lộ.

Dù văn học Trung Quốc đương đại đã đi vào khám phá nhiều vấn đề ngõ ngách của đời sống, nhưng Đinh Trang mộng là tác phẩm đầu tiên viết về chủ đề bệnh AIDS của văn học Trung Quốc.

Từ giấc mộng Trang Chu hóa bướm đến danh tác Hồng lâu mộng, Diêm Liên Khoa đã hấp thu dưỡng chất của truyền thống để viết nên giấc mộng chấn động lòng người của thời hiện đại, giấc mộng hé lộ những thực tại khuất lấp, gửi gắm những day dứt về sinh mệnh, bằng một lối kể chuyện và văn chương đầy ám ảnh, mang phong cách không thể trộn lẫn của Diêm Liên Khoa.

Đinh Trang mộng là sự kết hợp của lối văn lạnh, câu văn ngắn, giàu nhịp điệu được thể hiện trong những chùm, chuỗi câu văn dài, dày đặc ẩn dụ, so sánh.

Diêm Liên Khoa thắp ánh sáng từ bóng tối

Diêm Liên Khoa chọn đứng trong bóng tối, đứng về phía những gì bé nhỏ, đáng thương bị cuộc đời ruồng rẫy, lãng quên, để từ đó viết nên những tác phẩm chấn động.




Minh Thương

Bạn có thể quan tâm