Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sắc dục và quyền lực trong câu chuyện nàng Kim Liên thời mới

Đàn bà đẹp thường hay gặp phải điều ngang trái. Sau tất cả, thứ khiến họ gặp bao thác ghềnh là gương mặt diễm lệ hay trái tim mềm yếu?


Nói đến cái tên Kim Liên trong văn học Trung Quốc, người ta nghĩ ngay đến nhân vật Phan Kim Liên của bộ tiểu thuyết chương hồi đồ sộ Kim Bình Mai. Bao nhiêu hỉ, nộ và sầu bi trong đời người đàn bà vừa đáng thương, vừa đáng giận ấy cũng từ chính từ nhan sắc mà ra. Có phải vì vậy nên người ta mới có câu “Hồng nhan họa thủy”?

Sau gần 4 thế kỉ kể từ khi Kim Bình Mai ra đời, Diêm Liên Khoa đã đọc bộ kì thư này với nỗi trăn trở khôn nguôi về cuộc đời của nàng Kim Liên nói riêng và cơn bĩ cực mà hồng nhan đời nào cũng phải gánh chịu.

Nàng Kim Liên ở trấn Tây Môn là sự “tái sinh” của nhà văn đương đại Trung Quốc dành cho một hình tượng văn học đã quen thuộc. Vậy nỗi đa đoan của một người đàn bà đẹp trong thời kinh tế thị trường ấy đến từ đâu?

Đêm đen của cô sơn nữ

Kim Liên là một cô gái đẹp. Vẻ đẹp của nàng có thể làm những bông tiểu mạch đang chín phải thẹn thùng. Nàng thích Nhị lang ở phố Lưu, nhưng bà mối lại đến làm mối nàng với Đại lang anh trai của Nhị lang. Ban đầu, Kim Liên không ưng, vì một bông sen mười phần rực rỡ như nàng đặt cạnh một người xấu xí như Đại lang quả thật là thiệt thòi cho nàng quá.

Nhưng đến khi gặp được Nhị lang, người đàn ông cao to vạm vỡ, chân dài vai rộng ở chợ của phố Lưu dưới núi thì nàng đồng ý gả đi ngay. Người con trai ấy bảo nàng hãy lấy anh trai của cậu ta, Đại lang tuy xấu xí nhưng là người có nhân phẩm tốt. Đó là những lời người đàn ông mà Kim Liên si mê vừa nói với nàng, cô sơn nữ thơ ngây liền gật đầu ưng thuận.

Nang Kim Lien o tran Tay Mon anh 1
Nhà văn Trung Quốc Diêm Liên Khoa.

Kim Liên giờ trở thành chị dâu của Nhị lang, cô cứ thế sống chung một nhà, ăn chung một mâm mà ngắm nhìn người mình đã si mê, ấy vậy cũng coi như mãn nguyện rồi. Nhưng cuộc đời vốn có lắm nỗi trái ngang, nếu mọi thứ cứ êm đềm chảy trôi cho hết kiếp thì chắc đã không ai phải sầu khổ.

Đại lang là một người đàn ông bất lực. Vì không thể làm chuyện mà một người chồng phải làm nên người vợ trước mới li dị với anh ta. Cả phố Lưu biết chuyện này, chỉ mình Kim Liên không biết.

Đêm đến, không được làm một người vợ cho đúng nghĩa với Kim Liên cũng không thấy quá thiệt thòi. Bởi chuyện đó cho nàng một cái cớ để hận Nhị lang? Bởi vì yêu nên người ta mới hận. Nhưng với Đại Lang thì khác, nằm bên một người vợ đẹp, da trắng ngọc ngà như tuyết mà không thể làm cái chuyện mà một người chồng đêm đến nên làm thì đúng là một điều đau khổ.

Đại lang quyết định đến Vũ Hán để chữa căn bệnh khó nói của mình. Kim Liên không quan tâm lắm đến điều ấy. Chồng đi vắng với nàng là cơ hội tốt để bày tỏ với Nhị lang. Không một mảnh vải che thân, cả thân hình ngà ngọc của nàng đang ở trên giường của Nhị lang. Nhưng đạo đức, lễ giáo không cho Nhị lang làm điều có lỗi với anh trai. Lúc bấy giờ Kim Liên mới nhận ra mình đã uổng phí tuổi xuân để đến phố Lưu lấy chồng.

Đại lang trở về nhà, vui mừng thì cuối cùng anh ta đã có thể làm chồng. Nhưng điều bất hạnh thường đến đúng lúc người ta cảm thấy hạnh phúc nhất. Đại lang đã chết trên người Kim Liên vào đúng lúc cơn mây mưa đang tới với gương mặt méo mó đang nở nụ cười. Nàng Kim Liên xinh đẹp giờ trở thành góa phụ.

Nàng Kim Liên và cơn bão của thời mở cửa

 “Cố sự tân biên” hay chuyện cũ viết lại không còn là điều lạ trong văn học đương đại Trung Quốc. Nhưng cái tài tình của Diêm Liên Khoa là đã mang được hơi thở thời đại mới vào câu chuyện cũ để một tác phẩm đã trở thành kinh điển được thay da đổi thịt.

Bi kịch của Kim Liên, không chỉ nằm ở tình yêu, sắc dục và những ham muốn rất bản năng. Đó còn là câu chuyện của những con người đang mải miết đuổi theo đồng tiền và ngày càng biến chất, thối rữa như bông tiểu mạch già mà chẳng có ai thu hoạch.

Nang Kim Lien o tran Tay Mon anh 2
Tiểu thuyết Nàng Kim Liên ở trấn Tây Môn của Diêm Liên Khoa.

Kim Liên với Nhị lang không chỉ là chị dâu, cô còn là công cụ giúp anh ta có được chức trưởng đồn công an. Nhị lang đã năm lần bảy lượt cầu xin Kim Liên đến nhà trưởng thôn nói vài lời để giúp anh ta thăng tiến. Cuối cùng, Kim Liên được gì?

Đau khổ, tức giận đến mức máu trong người tưởng đã sôi cạn khi thấy Nhị lang lấy Nguyệt, cô con gái vừa đen, vừa xấu, mắt lại lác của nhà trưởng thôn có phải là điều Kim Liên đáng được nhận. Để rồi, khi biết người phụ nữ mình đã cưới làm vợ đê tiện đến mức nào Nhị lang lại cầu xin Kim Liên trở thành người đàn bà của anh ta, dù chỉ một đêm.

Cuối cùng sau bao chờ đợi cô sơn nữ cũng có được thứ mà mình ao ước. Nó không đến bằng tình yêu mà tới bằng một cuộc thương lượng đến rợn người.
Nàng Kim Liên ở trấn Tây Môn hấp dẫn không chỉ vì sự tái sinh độc đáo đến ngỡ ngàng của nhân vật Kim Liên. Dõi theo câu chuyện đầy đa đoan và ngang trái ấy, độc giả sẽ thấy bất ngờ trước khả năng miêu tả tâm lý nhân vật đầy sống động của Diêm Liên Khoa.

Sự hờn ghen ích kỉ của người góa phụ trẻ phải sống trong cảnh cô đơn. Sự đớn hèn của người đàn ông bất lực không dám ngẩng cao đầu trước vợ. Sự tráo trở của con người yêu quyền lực đến phá điên… Tất cả đều hiện ra rõ ràng, không lẫn lộn dưới ngòi bút của Diêm Liên Khoa.

Nàng Kim Liên ở trấn Tây Môn còn là một áng văn đẹp đến mê hồn bởi cảnh sắc thiên nhiên sinh động suốt bốn mùa của vùng núi Bá Lâu. Chỉ với cây tiểu mạch nhuộm vàng lưng núi và bầy chim sẻ ríu rít kiếm ăn. Đây đó ngày đông đến tuyết lạnh giăng buốt đến mức lòng người cũng muốn đóng băng… Chỉ chừng đó thôi mà đẹp đến não nề!



Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm