Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch giả TQ kể nhiều lần khóc khi dịch 'Nỗi buồn chiến tranh'

Người dịch tiểu thuyết Bảo Ninh sang tiếng Trung cho biết các nhà văn Trung Quốc coi “Nỗi buồn chiến tranh” là tác phẩm về chiến tranh hay nhất phương Đông.

Hà Lộ hiện là giảng viên bộ môn văn học Việt Nam tại Đại học Bắc Kinh. Chị là người đã dịch tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh sang tiếng Trung. Hiện, chị có mặt tại Việt Nam để tham gia hội thảo quốc tế “Phê bình sinh thái”.

Dịch giả Hà Lộ trò chuyện với Zing.vn về việc chuyển ngữ tác phẩm và sự đánh giá của giới văn chương Trung Quốc cho tiểu thuyết này.

dich gia noi buon chien tranh anh 1
Dịch giả Hà Lộ giảng dạy văn học Việt Nam tại Đại học Bắc Kinh.

- Điều gì đưa chị tới với tiểu thuyết "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh vậy?

- Khi học cao học, tôi chuyên nghiên cứu Văn học Việt Nam, thiên về văn học cổ, trung đại của Việt Nam nhiều hơn. Nhưng khi tốt nghiệp và trở thành giảng viên dạy tại Đại học Bắc Kinh, tôi cũng phải dạy về văn học hiện đại, đương đại Việt Nam.

Quá trình dạy, tôi cũng hỏi bạn bè Việt Nam, rằng bây giờ truyện ngắn, tiểu thuyết nào tốt nhất? Các bạn đã giới thiệu với tôi Nỗi buồn chiến tranh. Và tôi đã tìm đọc, sau đó quyết định dịch.

- Quá trình dịch tác phẩm diễn ra như thế nào?

- Lúc đầu tôi thấy rất khó. Tự sự của Bảo Ninh hơi khác biệt so với các nhà văn khác. Về ngôn ngữ, lúc đầu tôi cũng thấy hơi khó. Nhưng tôi đọc đi đọc lại mấy lần, càng đọc thì càng thích tác phẩm.

Và tôi cảm thấy nghệ thuật tiểu thuyết này đặc biệt. 

- Chị có thể nói cụ thể hơn về sự đặc biệt của tiểu thuyết này? 

- Nó khác hẳn với nghệ thuật trước kia. Trước đây, thời kháng chiến chống Mỹ, văn học chủ yếu viết về chủ nghĩa anh hùng, điều cũng tốt, cũng hay. Tới cuốn sách này, tác phẩm đứng từ phía góc độ một chiến sĩ bình thường nhưng thông qua cuộc sống một chiến sĩ bình thường mà nói lên được xã hội Việt Nam trong chiến tranh.

Cách mô tả chiến tranh trong tác phẩm này khiến tôi xúc động, và trân trọng hòa bình. Bản thân tôi chưa bao giờ tiếp xúc chiến tranh, bởi Trung Quốc đã hòa bình từ lâu, nên không biết chiến tranh là gì.

Khi đọc và dịch truyện này tôi nhiều lần khóc, tuy rằng chúng ta hôm nay đã quá xa chiến tranh rồi. 

- Khi nào cuốn sách "Nỗi buồn chiến tranh" được dịch xong và xuất bản tại Trung Quốc?

- Sách đã dịch xong từ 3 năm trước rồi, và được đưa tới một nhà xuất bản rất nổi tiếng của Trung Quốc. Nhưng bây giờ phải đợi một vài khâu biên tập, thẩm định.

Trước khi đưa tới nhà xuất bản, tôi đã đăng trích đoạn vài vạn chữ trong tiểu thuyết lên một tạp chí. Nhiều nhà văn Trung Quốc đọc trích đoạn đó đều rất xúc động. Thỉnh thoảng lại có nhà văn Trung Quốc hỏi tôi: bao giờ sách xuất bản?.

dich gia noi buon chien tranh anh 2
Tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh bản tiếng Việt.

- Chị có thể so sánh "Nỗi buồn chiến tranh" với một tác phẩm nổi tiếng nào của Trung Quốc?

- Rất khó để so sánh, và trong văn học Trung Quốc không có tác phẩm tương đồng để so sánh. Kể cả nhà văn rất nổi tiếng Trung Quốc là Diêm Liên Khoa đọc phần trích đăng cũng rất thích.

Tại Trung Quốc, Diêm Liên Khoa là nhà văn nổi tiếng, có triển vọng ở giải Nobel Văn chương. Khi đọc bản thảo tôi dịch Nỗi buồn chiến tranh, ông ấy thích lắm và nói: "Bảo Ninh viết hay hơn tôi. Tôi cũng ở bộ đội hai mươi mấy năm, nhưng tôi không viết về đề tài chiến tranh hay bằng Bảo Ninh". Ông ấy đánh giá đây là một tiểu thuyết viết chiến tranh hay nhất phương Đông.

Ngoài Diêm Liên Khoa, các nhà văn quân đội của chúng tôi cũng khen tác phẩm Bảo Ninh. Họ đánh giá rằng Trung Quốc cũng xảy ra nhiều chiến tranh, như chiến tranh chống Nhật, nhưng họ cảm thấy không có tác phẩm lý tưởng bằng Nỗi buồn chiến tranh.

- Chị có thể nói thêm về công việc của mình tại Đại học Bắc Kinh?

- Tôi dạy văn học Việt Nam cho sinh viên ngành Tiếng Việt. Ngoài ra tôi dạy văn học chữ Hán cho học sinh cao học khoa Đông Nam Á, Đại học Bắc Kinh. 

- Chị thường dạy về tác phẩm văn chương nào của Việt Nam cho sinh viên?

- Tôi dạy nhiều. Ví dụ trong tuần này tôi cũng dạy Một buổi chiều thật buồn của Lê Minh Khuê. Rồi tôi dạy tác phẩm của Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Quang Thiều, Ma Văn Kháng… nhiều nhà văn lắm.

Bây giờ, tôi đã đăng trên tạp chí hơn 10 truyện ngắn nhà văn đương đại Việt Nam rồi. Tôi cũng có ý định làm một tuyển tập truyện ngắn nhà văn đương đại Việt Nam, có thể xuất bản vào năm tới.

- Ngoài Bảo Ninh, chị có quan tâm tới tác phẩm của nhà văn Việt Nam nào nữa?

- Nguyễn Huy Thiệp. Tôi đã dịch bốn truyện ngắn của ông. Vừa tuần trước tôi dạy Tướng về hưu cho sinh viên. Lần này tới Việt Nam tôi rất mong được gặp ông.

Thu Hiền

Bạn có thể quan tâm