“Cuối thế kỷ 20, Mỹ sừng sững đứng trên thế giới như một gã khổng lồ. Không quốc gia nào sánh ngang chúng ta về sức mạnh quân sự hoặc kinh tế”, William Galston, chủ nhiệm chương trình Nghiên cứu Quản trị thuộc Viện Brookings (Mỹ), nhận định trong bài bình luận ngày 27/8.
“Nhưng ngày 11/9 đã làm thay đổi tất cả. Sự tập trung quá mức vào Trung Đông làm Mỹ phân tâm trước những lực lượng địa chính trị đang tái định hình thế giới theo hướng bất lợi cho Mỹ”, ông Galston nhận định.
“Nước Mỹ lúc này suy yếu hơn, chia rẽ hơn, và không còn được vị nể như hai thập kỷ trước”, ông Galston viết.
Trao đổi với Zing, ông Dov Zakheim, người đảm nhiệm cương vị thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ trong những năm đầu của cuộc chiến tại Afghanistan (2001-2004), cũng nhận định Mỹ phạm nhiều sai lầm trong chính sách hậu sự kiện 11/9.
Tuy nhiên, ông Zakheim vẫn bày tỏ sự lạc quan và cho rằng Mỹ sẽ khôi phục vị thế của mình trong tương lai.
20 năm và những sai lầm
“Chúng ta (Mỹ) phải phản ứng mạnh mẽ trước cuộc tấn công chết người của al Qeada, và chúng ta đã làm vậy”, ông Galston viết trong bài bình luận.
Nhưng nếu Mỹ biết dừng lại sau khi đánh bại Taliban, chấp nhận lời đầu hàng của lực lượng này, và bắt sống Osama bin Laden - thủ lĩnh al Qaeda - tại trận Tora Bora, tình hình ngày hôm nay sẽ tốt hơn nhiều, theo ông Galston.
Đồng ý với nhận định trên, cựu Thứ trưởng Zakheim cho rằng Mỹ đã hành động đúng đắn với việc tấn công Afghanistan sau khi Taliban từ chối giao ra bin Laden.
“Nhưng Mỹ lẽ ra không nên tấn công Iraq trước khi hoàn toàn ổn định được Afghanistan”, ông Zakheim nói với Zing. “Chính cuộc chiến ở Iraq đã kéo sự chú ý của Mỹ ra khỏi Afghanistan”.
“Và vì dấn thân quá sâu vào việc đồng thời xây dựng nhà nước ở cả Iraq và Afghanistan, Mỹ không thể nhìn thấy những thách thức khác đang ngày một lớn dần trên thế giới, như Nga và Trung Quốc”, ông Zakheim nhận định.
Ngoài ra, vị cựu thứ trưởng cũng cho rằng Mỹ lẽ ra không nên dung túng cho nạn tham nhũng vì chính điều này đã hủy hoại mọi cố gắng của Mỹ tại Afghanistan. Tham nhũng đã làm giảm nhuệ khí của quân đội Afghanistan đến mức họ yếu ớt hẳn trước Taliban.
Ông Galston cho rằng trước kia, Mỹ không một mình dẫn dắt thế giới mà nhờ vào tình bạn và các liên minh được tôi luyện qua Thế chiến 2. Nội bộ những khối này đương nhiên vẫn luôn tồn tại căng thẳng, nhưng về cơ bản, bạn bè và đồng minh đều tin rằng có thể dựa vào Mỹ.
Nhưng cuộc xâm lược sai lầm vào Iraq tạo ra sự chia rẽ sâu sắc giữa Mỹ và châu Âu. Lần lượt hai động thái rút quân khỏi Syria và Afghanistan cũng càng khiến thế giới, và thậm chí cả đồng minh, nghi ngờ Mỹ, ông Galston nhận định.
“Trước ngày 11/9/2001, Mỹ không hẳn là một quốc gia đoàn kết, nhưng sự chia rẽ trong lòng nước Mỹ lúc này đã trở nên tồi tệ hơn rất nhiều”, ông Galston viết.
Ông Galston cho rằng trong quãng thời gian sau vụ tấn công 11/9, người Mỹ rất gắn kết. Nhưng sau đó, cách Mỹ đối xử với phạm nhân và hành động xâm lược Iraq đã làm leo thang các cuộc tranh cãi.
Sự đoàn kết dần nhường chỗ cho những lời cáo buộc chua chát, từ đó làm xói mòn thêm niềm tin của người dân vào chính quyền.
Về vấn đề này, ông Zakheim thừa nhận người Mỹ hiện bất đồng sâu sắc nhưng chưa nghiêm trọng đến mức như thập niên 1960 - thời điểm nước Mỹ bùng nổ các phong trào phản chiến và phong trào đòi quyền dân sự.
Theo ông Galston, chi phí cơ hội mà Mỹ phải trả cho các chính sách hậu 11/9 cũng rất tốn kém. Từ năm 2001, quốc gia này rót trực tiếp khoảng 2.000 tỷ USD vào cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan. Vì không thể tăng thuế để tài trợ cho cuộc chiến, nợ công của Mỹ ngày càng chịu nhiều sức ép.
“Mỹ không buộc phải phản ứng theo cách như vậy sau sự kiện 11/9, nhưng cuộc tấn công ngay trên đất Mỹ khiến các nhà lãnh đạo có cơ hội và tiền đề để đưa ra một chuỗi các động thái sai lầm”, ông Galston nói.
“Mỹ vẫn là cường quốc mạnh nhất”
Cựu Thứ trưởng Zakheim cho rằng Mỹ lúc này chắc chắn đã trở nên an toàn hơn trước mối đe dọa từ bên ngoài, bất chấp một số sai lầm trong chính sách hậu sự kiện 11/9.
So với trước sự kiện 11/9, Mỹ có thêm các cơ quan như Bộ An ninh Nội địa và Trung tâm Chống khủng bố. Mức độ phối hợp với lực lượng chấp pháp địa phương cũng được cải thiện, bên cạnh các biện pháp tăng cường chống khủng bố khác.
“Hàng phòng ngự nội địa của Mỹ hiện rất chắc chắn và đã có nhiều bước tiến trên phương diện này kể từ năm 2001”, ông Zakheim nói với Zing. “Thách thức lúc này là bảo vệ cả công dân và đồng minh Mỹ ở nước ngoài, vì họ rất có thể là mục tiêu khủng bố”.
Kết thúc bài viết ngày 27/8, ông Galston cho rằng Mỹ nên khép lại cuốn sách về thời kỳ 11/9, đồng thời gói gọn chính sách Trung Đông quanh mục tiêu bảo vệ đồng minh và lợi ích thiết yếu.
“Mỹ cần làm những gì cần thiết ở cả trong và ngoài nước để ngăn chặn tình trạng suy thoái và duy trì toàn bộ sức cạnh tranh trong cuộc đua định hình trật tự thế giới trong thế kỷ 21”, ông Galston nói.
Bàn về tương lai, cựu Thứ trưởng Zakheim nhận định Washington phải tăng cường hoạt động và chi phí quốc phòng để tập trung vào vùng Đông Á và châu Âu. Đặc biệt, Mỹ cần tập trung theo đuổi đột phá công nghệ cao để vượt mặt các đối thủ trên thế giới.
Ông Zakheim thừa nhận rằng ở thời điểm hiện tại, vị thế của Mỹ đã suy yếu hơn tương đối so với trước sự kiện 11/9.
“Nhưng Mỹ lúc này vẫn là cường quốc kinh tế và quân sự mạnh mẽ nhất trên thế giới. Và với chính sách thận trọng, Mỹ có thể duy trì vị thế lãnh đạo toàn cầu”, ông Zakheim nhận định.