Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Vụ mất tích bí ẩn của lá cờ ở hiện trường vụ khủng bố 11/9

Vài giờ sau vụ tấn công ngày 11/9/2001, một lá quốc kỳ được dựng lên để làm biểu tượng cho sự bất khuất của người Mỹ. Nhưng chỉ một ngày sau, lá cờ ấy đã mất tích bí ẩn.

11/9 anh 1

Ngày 11/9/2001, hai trong số 4 máy bay bị các thành viên al Qaeda chiếm quyền kiểm soát lần lượt đâm vào hai tòa tháp của khu phức hợp Trung tâm Thương mại Thế giới ở thành phố New York. Nơi hai tòa tháp đổ xuống được gọi là vùng đất số 0.

Một vài giờ sau vụ khủng bố làm hơn 2.600 người thiệt mạng, ba người lính cứu hỏa lấy quốc kỳ Mỹ treo trên một du thuyền neo gần đó và dựng cờ tại vùng đất số 0. Khoảnh khắc ấy tình cờ lọt vào ống kính của nhiếp ảnh gia Thomas Franklin.

“Bức ảnh ấy không tạo ấn tượng với tôi. Việc ba người dựng một lá cờ không thể so sánh với hàng nghìn người chết và hai tòa tháp sụp đổ. Tôi thậm chí không thể nói đây là bức ảnh tốt nhất tôi từng chụp”, ông Franklin trả lời Politico vào một cuộc phỏng vấn năm 2011.

Nhưng sau khi được đăng báo, bức ảnh do ông Franklin chụp mau chóng trở thành biểu tượng cho tinh thần yêu nước và sự quyết tâm của người Mỹ, kể cả khi phải đối diện với bi kịch.

Lá cờ tại vùng đất số 0 cũng vì thế mà trở thành kỷ vật chứa đựng nhiều ý nghĩa. 12 ngày sau khi lá cờ được dựng lên, Rudy Giuliani, Thị trưởng thành phố New York khi ấy, đã ký tên lên lá cờ tại một sự kiện ở sân vận động Yankee.

Michael Bloomberg, người kế nhiệm ông Giuliani, cùng Thống đốc bang New York George Pataki sau này cũng lần lượt ký tên trên lá cờ biểu tượng. Lá cờ cũng được treo trên một tàu sân bay của Mỹ đang hỗ trợ cuộc chiến chống lại Taliban.

Nhưng tới năm 2002, người ta mới phát hiện lá cờ được ký tên không phải lá cờ được dựng lên ở vùng đất số 0. Kích cỡ của lá cờ nguyên gốc là 90 x 150 cm, trong khi lá cờ trong tay nhà chức trách là 150 x 240 cm.

Trên thực tế, lá cờ gốc đã biến mất chỉ một ngày sau khi được treo lên, theo Police 1. Cho đến nay, vẫn không ai biết tại sao lá cờ này mất tích, dù họ đã tìm được nó.

11/9 anh 2

Nhiếp ảnh gia Thomas Franklin bên cạnh phiên bản tem của bức ảnh nổi tiếng của thời khắc dựng cờ tại vùng đất số 0. Ảnh: Victoria Campisi.

Cuộc điều tra bắt đầu

Mùa thu năm 2014, một người tự xưng là “Brian” đem lá cờ 90 x 150 cm cẩn thận trao cho phòng cứu hỏa ở thành phố Everett, bang Washington. Lá cờ cùng sợi dây kéo cờ được gấp gọn trong chiếc túi mua sắm.

Brian nói anh tin rằng đây chính là lá cờ nổi tiếng được ba người lính cứu hỏa dựng lên trên vùng đất số 0 ngay sau vụ tấn công 11/9/2001. Sau đó, Brian rời đi trong lúc mọi người không để ý.

Phòng cứu hỏa chuyển lá cờ Brian để lại cho phòng cảnh sát thành phố Everett. Hai điều tra viên được giao trọng trách bảo vệ, xác minh nguồn gốc, và hoàn trả lá cờ cho chủ nhân.

Để tìm được “Brian”, điều tra viên rà soát những nơi đặt camera an ninh quanh phòng cứu hỏa nhưng không góc máy nào quay được thời điểm Brian ra vào khu vực.

11/9 anh 3

Lá cờ Brian giao lại cho lính cứu hỏa thành phố Everett. Ảnh: Steve Paxton.

Tuy phòng cảnh sát công bố nhiều thông cáo báo chí và thậm chí là phác thảo chân dung Brian, không manh mối nào xuất hiện.

Sự chú ý của điều tra viên được đặt vào lá cờ và sợi dây kéo đi kèm. Theo quan sát của họ, trên lá cờ có một số vết ố nhẹ. Sợi dây kéo có vẻ đã được làm vội từ dây thừng và băng dính điện.

Những đặc điểm của lá cờ và sợi dây kéo được chụp lại và lưu giữ qua hàng trăm bức ảnh để dùng làm căn cứ đối chiếu sau này.

Đồng thời, điều tra viên Everett nhờ một chuyên gia pháp y ở phòng giám định bang Washington đối chiếu bụi đất trên lá cờ với mẫu vật từng được thu thập từ nơi hai tòa tháp sụp đổ.

Qua đối chiếu, chuyên gia pháp y kết luận bụi đất và các vật chất dạng hạt trên lá cờ khả nghi “thống nhất về hàm lượng và có cùng tỷ lệ” với mẫu vật được thu thập tại vùng đất số 0.

Đây là bước đột phá lớn trong cuộc điều tra vì phương pháp đối chiếu bụi đất đã giúp xác nhận lá cờ trong tay cảnh sát rất có thể từng xuất hiện ở vùng đất số 0.

11/9 anh 4

Đằng sau người lính cứu hỏa là đống đổ nát của một tòa nhà cao hơn trăm tầng tại thành phố New York sau vụ tấn công khủng bố vào ngày 11/9/2001. Ảnh: Thomas Franklin.

Đối chiếu ảnh

Bước tiếp theo là đối chiếu ảnh chụp lá cờ và sợi dây kéo trong tay nhà chức trách với những chi tiết trong bức ảnh nổi tiếng của nhiếp ảnh gia Franklin.

Với phương pháp đối chiếu ảnh, chuyên gia sẽ quan sát và so sánh những đặc điểm tổng quát và đặc điểm riêng biệt giữa hai sự vật hoặc con người tương tự nhau.

Khi được cảnh sát liên hệ, người giữ ảnh gốc cho biết nhiếp ảnh gia Franklin đã chụp 24 bức ảnh về thời khắc dựng cờ, trong đó nhiều ảnh chưa từng được công khai. Toàn bộ 24 bức đều được chuyển cho cảnh sát.

Với 24 tấm ảnh, chuyên gia cảnh sát đã có thể xác định đặc điểm của lá cờ gốc cùng sợi dây kéo từ nhiều góc độ khác nhau.

Sợi dây kéo đi cùng lá cờ khả nghi có nhiều điểm rất đặc biệt. Nó được làm từ vài đoạn dây thừng có tiết diện 5-8 mm và được bọc bên ngoài bằng băng dính điện. Mỗi đầu dây được buộc vào một chiếc móc có chốt bấm.

Theo chuyên gia pháp y, dường như đoạn dây kéo này đã được làm ra trong lúc vội vàng và là sợi dây độc nhất.

11/9 anh 5

Chuyên gia pháp y phát hiện nhiều điểm tương đồng giữa sợi dây kéo khả nghi (trái) và ảnh chụp và video sợi dây kéo nguyên gốc. Ảnh: Steve Paxton.

Sau khi đối chiếu, chuyên gia phát hiện giữa sợi dây kéo khả nghi và sợi dây được chụp ảnh có chung ít nhất 6 đặc điểm tổng quát và 6 đặc điểm riêng biệt.

Ngoài ra, trong video ghi hình thời khắc dựng cờ, một trong ba lính cứu hỏa có hành động cuốn thứ gì đó khoảng 16-18 lần xung quanh sợi dây kéo sau khi nó đã được gắn vào lá cờ.

Từ đó, chuyên gia cho rằng thứ mà anh lính cứu hỏa sử dụng trong video chính là băng dính điện. Trùng hợp, đoạn trên của sợi dây kéo khả nghi cũng được cuốn 16 vòng bằng băng dính điện.

Brian lộ diện

Gần cuối cuộc điều tra, Brian lộ diện sau khi biết được mình đang được nhà chức trách tìm kiếm. Trong một số cuộc phỏng vấn, Brian cho biết mình là nhà sưu tập các món đồ lưu niệm quân sự.

Brian nói hồi tháng 11/2006 có gặp một người bạn vừa thu thập được một vài hộp đồ lưu niệm. Biết Brian là cựu chiến binh và nhà sưu tầm cờ, người bạn này tặng anh 3 lá quốc kỳ Mỹ trong hộp.

11/9 anh 6

Lá cờ ở vùng đất số 0 và sợi dây kéo được trưng bày tại Bảo tàng Tưởng niệm Ngày 11/9 tại New York cho tới nay. Ảnh: Steve Paxton.

8 năm sau, mùa thu năm 2014, Brian tình cờ xem phim tài liệu nói về sự kiện 11/9 và được biết lá cờ tại vùng đất số 0 đã mất tích nhiều năm. Bộ phim tài liệu có chiếu ảnh chụp lá cờ và sợi dây kéo.

Nhìn thấy băng dính đen trên sợi dây kéo, Brian so sánh những lá cờ trong tay với hình ảnh trên tivi. Đó cũng là lúc anh nhận ra mình có thể đang giữ lá cờ nổi tiếng ở vùng đất số 0. Brian liền lái xe tới một phòng cứu hỏa gần nhà để hoàn trả món đồ quý.

Theo đánh giá của cảnh sát, Brian tỏ thái độ hợp tác khi được phỏng vấn. Lời kể của anh cũng giúp nhà chức trách phần nào biết được hành trình lưu lạc của lá cờ sau khi nó mất tích.

Cuối cùng, sau hai năm điều tra và sử dụng nhiều kỹ thuật, bao gồm đối chiếu mẫu đất, so sánh ảnh và video, phỏng vấn nhân chứng, cảnh sát kết luận lá cờ và sợi dây kéo trong tay họ rất có khả năng chính là lá cờ từng được dựng lên ở vùng đất số 0.

Trải qua thời gian 15 năm và quãng đường gần 3.000 dặm từ Everett tới New York, lá cờ nguyên bản được hoàn trả cho chủ nhân.

Năm 2016, người này tặng lại món đồ nổi tiếng cho Bảo tàng Tưởng niệm Ngày 11/9 tại thành phố New York. Đây cũng là nơi lá cờ ở vùng đất số 0 được trưng bay từ đó tới nay.

Ông Biden chỉ đạo giải mật tài liệu vụ khủng bố 11/9

Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ đạo giải mật tài liệu vụ khủng bố 11/9. Động thái này nhận sự hoan nghênh từ gia đình các nạn nhân, vốn tin kẻ không tặc có liên hệ với Saudi Arabia.

Đằng sau bức ảnh người rơi khỏi tháp đôi trong vụ khủng bố 11/9

19 năm sau vụ khủng bố 11/9, danh tính người đàn ông rơi ra khỏi tòa tháp đôi, được gọi là "Falling Man", vẫn là một bí ẩn. Tác giả bức ảnh gọi nạn nhân là "người lính vô danh".

Quốc Đạt

Bạn có thể quan tâm