Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

24 giờ cuối cùng Mỹ có mặt tại Afghanistan

24 giờ cuối cùng của Mỹ tại Afghanistan được đánh dấu bằng cảnh chia ly, bạo lực, lo sợ và hy vọng. Đây cũng là thời khắc hợp tác hiếm hoi giữa hai cựu thù: Taliban và Mỹ.

tinh hinh Afghanistan anh 1

Tối 30/8, chiến binh Taliban dành những khoảnh khắc cuối cuộc chiến để nhìn lên màn đêm bên trên Kabul. Với sự rệu rã từ tận xương tủy, họ chờ đợi một ánh pháo sáng, tín hiệu cho thấy người Mỹ đã rời Afghanistan.

Cùng lúc ấy, cách đó hơn 11.000 km, tướng lĩnh Mỹ chăm chú nhìn lên màn hình, trong lòng họ cũng trĩu nặng sự mong đợi.

Cuối cùng, tâm trạng nhẹ nhõm choán lấy cả đôi bên khi chiếc máy bay cuối cùng của Mỹ cất cánh.

Nhưng với những đối tác người Afghanistan của Mỹ bị bỏ lại phía sau, chuyến bay cuối cùng khiến họ cảm thấy lo sợ cho tương lai ở đất nước do Taliban kiểm soát.

Hàng nghìn quan chức cùng tình nguyện viên Mỹ trải khắp nơi trên thế giới cũng chưa thể nghỉ ngơi vì họ đang nỗ lực tìm nơi ở mới cho những người tị nạn.

Theo AP ghi nhận, cuộc chiến Afghanistan kết thúc sau 20 năm với một cảnh tượng kỳ lạ: Mỹ và Taliban cùng sát cánh vì cả hai đều muốn người Mỹ rời đi suôn sẻ trong 24 tiếng cuối cùng.

Phía Mỹ lo sợ phần tử cực đoan tấn công chiếc vận tải cơ đồ sộ vào lúc cất cánh. Nhưng từ trên cao nhìn xuống, người Mỹ chỉ thấy những chiến binh Taliban đang vẫy tay chào tạm biệt trên đường băng.

Phía Taliban cũng e ngại người Mỹ sẽ đặt mìn khắp sân bay. Thay vào đó, ngoại trừ khí tài quân sự bị vô hiệu hóa, lính Mỹ để lại 2 xe cứu hỏa rất hữu dụng và một máy xúc.

tinh hinh Afghanistan anh 2

Những người lính được chụp ảnh qua ống kính nhìn ban đêm trong lúc bước lên chiếc máy bay C-17 cuối cùng của Mỹ rời khỏi Kabul vào ngày 30/8. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ.

Sân bay cuồng loạn

Trong cuộc phỏng vấn với AP, một nhân viên lãnh sự quán với thâm niên 25 năm trong Bộ ngoại giao Mỹ mô tả lại cảnh tượng cô nhìn thấy trong lúc xử lý visa đặc biệt cho những người Afghanistan qua được chốt kiểm tra của Taliban, quân đội Afghanistan, và quân đội Mỹ.

“Những gì họ phải trải qua để vào được sân bay thật kinh khủng”, nữ nhân viên ẩn danh nói. “Từ bên trong, chúng tôi nghe thấy súng nổ. Những người vào được sân bay kể với chúng tôi về việc chiến binh Taliban dùng roi, gậy cắm đinh, lựu đạn choáng và đạn hơi cay để kiểm soát đám đông”.

Theo nữ nhân viên lãnh sự, cảnh tượng đáng sợ hơn là việc trẻ em mất liên lạc với gia đình khi vào được sân bay. Trong 12 ngày nữ nhân viên làm ở sân bay Kabul, mỗi ngày có tới 30 đứa trẻ sợ sệt và lạc lõng đi sơ tán một mình.

Cùng lúc này, Mỹ điều động hàng nghìn nhân viên tới hơn một chục địa điểm quanh châu Âu và Trung Đông để sàng lọc và làm thủ tục cho người tị nạn, trước khi họ bị từ chối hoặc được chuyển tới Mỹ.

tinh hinh Afghanistan anh 3

Binh sĩ Mỹ hỗ trợ đảm bảo an ninh tại sân bay Kabul vào ngày 26/8. Ảnh: Reuters.

Đại sứ quán Mỹ ở Mexico, Hàn Quốc, Ấn Độ, và những nơi khác thiết lập những trung tâm tiếp nhận cuộc gọi trực tuyến để xử lý “trận đại hồng thủy” của email và cuộc gọi liên quan tới việc sơ tán.

Hemad Sherzad, một tay súng Taliban, kể mình và đồng đội đã đưa thuốc lá cho người Mỹ ở sân bay và thuốc lá nhai cho những người Afghanistan vẫn còn mặc trên mình quân phục của chính phủ cũ.

Khi ấy, “mọi người đều ôn hòa” và “chỉ nói chuyện phiếm”, Sherzad kể lại.

Công tác đưa người Afghanistan vào sân bay càng thêm khó khăn cho phía Mỹ sau khi một đoạn mã điện tử được lan truyền rộng rãi. Đoạn mã này vốn do Mỹ cấp cho những người được ưu tiên sơ tán, một quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ nói.

Nhưng chỉ sau 1 tiếng đoạn mã được phân phối, gần như người Afghanistan nào muốn vào sân bay đều có một bản sao trong điện thoại, vị quan chức cho biết.

Một số công dân Mỹ khi tới sân bay còn dắt theo một nhóm người Afghanistan đông đảo, nhưng phần lớn họ không đủ điều kiện được ưu tiên. Cũng có những “doanh nhân” người Afghanistan nói dối rằng mình đang có mặt tại cổng sân bay với nhóm quan chức chính phủ cũ.

tinh hinh Afghanistan anh 4

Lính Mỹ chuẩn bị lên máy bay C-17 vào tối 30/8. Ảnh: AP.

Một quan chức người Mỹ khác cho biết gần như mọi nhân viên địa phương của Đại sứ quán Mỹ đều được sơ tán thành công. Chỉ một người chọn ở lại vì không nỡ rời xa gia đình.

Tuy nhiên, Salim Yawer, người từng làm việc cho Công binh Lục quân Mỹ, cho biết mình xin được visa và giấy qua cổng nhưng vẫn không thể rời khỏi Afghanistan sau 4 lần cố gắng tới sân bay.

“Mỗi lần tôi cùng vợ con cố gắng qua cổng sân bay, tôi lại sợ mấy đứa nhỏ sẽ bị giẫm đạp dưới chân những người khác”, anh Yawer nói.

Anh Yawer tỏ ra ngạc nhiên vì người Mỹ đã rời đi vào ngày 30/8, sớm hơn một ngày so với hạn chót.

“Chúng tôi không biết người Mỹ sẽ bỏ lại chúng tôi vào tối hôm ấy. Ngày hôm sau là một ngày của nỗi thất vọng… Taliban ở khắp mọi nơi. Bầu trời Kabul không còn chiếc máy bay nào nữa”, anh Yawer nói.

Những giờ cuối cùng

Tối 29/8, camera an ninh quay được cảnh một số người chất thuốc nổ lên thùng một chiếc xe ở Kabul, một quan chức Mỹ nói. Chiếc xe này đã lọt vào tầm ngắm của lực lượng Mỹ trong nhiều giờ.

Sau đó, một máy bay không người lái RQ-9 của Mỹ phóng tên lửa “Hỏa ngục” vào chiếc xe khả nghi đỗ trước khu căn hộ nằm giữa hai tòa nhà.

tinh hinh Afghanistan anh 5

Hiện trường vụ không kích vào phương tiện bị nghi chứa thuốc nổ sẽ được dùng để đánh bom sân bay Kabul. Ảnh: AP.

Quan chức Mỹ cho biết băng ghi hình cho thấy xuất hiện một quả cầu lửa lớn sau vụ nổ ban đầu của tên lửa. Điều này được cho là thể hiện có thuốc nổ trên chiếc xe khả nghi.

Tuy nhiên, những người sống quanh căn hộ bác bỏ khẳng định trên.

Trả lời AP, Najibullah Ismailzada kể anh rể mình, Zemarai Ahmadi, tối hôm ấy về nhà sau khi làm việc với một tổ chức từ thiện Hàn Quốc. Khi Ahmadi cho xe vào garage, mấy đứa con của anh ra chào bố. Đúng lúc này, tên lửa của Mỹ tới nơi.

“Chúng tôi mất 10 người trong nhà”, Ismailzada nói. 6 người là trẻ con chưa đầy 9 tuổi.

8h sáng 30/8, Kabul vang lên những tiếng nổ của 5 quả rocket được bắn về phía sân bay. Ba quả rơi bên ngoài sân bay, một quả rơi vào trong nhưng không gây thiệt hại. Quả còn lại bị hệ thống phòng ngự của Mỹ đánh chặn. Không ai bị thương.

Một lần nữa, IS, kẻ thù chung của cả Mỹ và Taliban, bị nghi là thủ phạm.

tinh hinh Afghanistan anh 6

Ống phóng những quả rocket nhắm vào sân bay Kabul vào sáng 30/8. Ảnh: AP.

Suốt sáng 30/8, khoảng 1.500 người Afghanistan cuối cùng được đưa khỏi Kabul trên máy bay dân sự. Tới 13h30, 1.200 lính Mỹ ở sân bay cũng bước dần lên máy bay để rời khỏi Afghanistan.

Không lực Mỹ, bao gồm máy bay ném bom, tiêm kích, drone vũ trang, và trực thăng, đảm nhiệm vai trò yểm trợ.

Tới tối, lính Mỹ hoàn tất công tác phá hủy hoặc tháo dỡ thiết bị quân sự. Họ vô hiệu hóa 27 chiếc Humvee và 73 chiếc máy bay, thường là bằng cách rút hết dầu bôi trơn rồi cho động cơ chạy đến khi dừng hoạt động. Hệ thống phòng ngự tên lửa cũng bị phá hủy bằng lựu đạn cháy.

Thiết bị phục vụ hoạt động dân sự ở sân bay, như hai xe cứu hỏa, được để lại cho chính phủ mới.

5 máy bay C-17 của Mỹ hạ cánh xuống sân bay khi trời đã tối để đưa chưa đầy 1.000 lính Mỹ còn lại về nhà. Phi hành đoàn của những chiếc C-17 này đều được đào tạo cách cất cánh mà không cần kiểm soát không lưu.

tinh hinh Afghanistan anh 7

Thành viên Taliban chụp ảnh cùng trực thăng mà binh sĩ Mỹ bỏ lại. Ảnh: AFP.

Những mệnh lệnh và tin nhắn ngắn gọn vang lên trong giây phút cuối cùng của người Mỹ tại Afghanistan.

“5 chiếc 100% đủ”, một tin nhắn cho biết, có nghĩa 5 máy bay đều kín chỗ và đã kiểm đủ người. “Vỏ sò”, một mệnh lệnh vang lên để yêu cầu máy bay lần lượt khép thang lên. Sau đó là lệnh “xả lực lượng”, tức cất cánh.

Theo AP, khi chỉ còn một phút nữa là tới nửa đêm, chiếc máy bay C-17 cuối cùng cất cánh. Ít phút sau, tin nhắn “MAF an toàn” được truyền đi với ý nghĩa máy bay đã rời khỏi không phận Kabul và ở vùng an toàn.

Tướng lĩnh người Mỹ đang quan sát từ căn cứ không quân Scott tại bang Illinois cuối cùng có thể thở phào. Từ dưới đất ở Kabul, chiến binh Taliban Mohammad Rassoul cũng dõi theo bầu trời.

“Đôi mắt của chúng tôi đều hướng lên không trung chờ đợi”, Rassoul nói. Tiếng máy bay gầm rú từng khiến anh mất ngủ hai đêm lúc này đã không còn nữa. Pháo sáng của Taliban vạch thành một đường cong bên trên sân bay Kabul.

“Sau 20 năm, chúng tôi cuối cùng cũng đạt được mục tiêu. Tôi muốn con cái lớn lên trong hòa bình, cách xa những đòn không kích bằng drone”, Rassoul nói.

Cảnh hỗn loạn ở Kabul sau khi Mỹ rút quân hoàn toàn Lầu Năm Góc cho biết Mỹ đã hoàn tất việc rút quân khỏi Afghanistan vào ngày 30/8, kết thúc 20 năm can dự quân sự ở quốc gia Nam Á.

Những người Afghanistan chết trong lúc ôm mộng cuộc sống mới

Sau tiếng nổ, quả bom của phần tử khủng bố IS bên ngoài sân bay Kabul đã tước đi sinh mạng của nhiều người Afghanistan đang mơ mộng về cuộc sống mới ở nơi xa xứ.

Taliban muốn trở mặt, phụ nữ Afghanistan phản kháng

Một số nhà hoạt động ở Afghanistan tổ chức biểu tình tại thủ đô Kabul hôm 3/9 nhằm kêu gọi quyền bình đẳng và sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị.

Quốc Đạt

Bạn có thể quan tâm