Mohammed Jan Sultani nắm chặt tờ giấy chứng nhận vô địch giải Taekwondo quốc gia trong lúc chen giữa đám đông đang cố vào được sân bay Kabul.
Sultani, một vận động viên 25 tuổi, không có tên trong danh sách được sơ tán. Nhưng anh vẫn hy vọng thành tích trong thể thao sẽ khiến mình và gia đình đủ đặc biệt để được qua cổng và cho lên máy bay đang sơ tán công dân nước ngoài và người địa phương rời khỏi Afghanistan.
Khi Sultani tiến về phía trước, một phần tử đánh bom tự sát thuộc Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) kích hoạt khoảng 10 kg thuốc nổ giữa đám đông vào chiều 26/8, giết chết hơn 180 người Afghanistan, trong đó có Sultani, và 13 binh sĩ Mỹ.
Vợ và hai con trai chưa đầy 5 tuổi của Sultani may mắn sống sót do được chồng dặn đi cách một đoạn phía sau.
Ali (trái), bố của Mohammed Jan Sultani, đượm buồn khi nói về con trai. Ảnh: AP. |
Ba ngày sau, Zahid, con trai lớn 4 tuổi của Sultani, vẫn chưa hết kinh hoàng. Cậu bé chỉ khóc mà không nói được thành lời.
Bố của Sultani, Ali, cho biết con trai mình lo sợ một tương lai u ám dưới sự cai trị của Taliban.
“Nó không biết sẽ đi đâu. Mỹ, châu Âu, đều không quan trọng”, ông Ali nói với AP bằng giọng đượm buồn. Trên tay ông là những tấm huy chương của con trai mình.
“Mọi người trong nước dường như đều đang cố trốn chạy’, ông Ali nói.
Ra đi để cứu sự nghiệp
Là nữ sinh viên 20 tuổi đang theo học kỳ cuối của trường báo chí, Najma Sadeqi cũng nằm trong số những người cố gắng rời khỏi Afghanistan vào chiều hôm ấy.
Cô gái lo sợ sự tái xuất của Taliban cũng là sự trở lại của luật Hồi giáo Sharia hà khắc trói buộc phụ nữ ở nhà. Đối với Najma, đằng sau cánh cổng sân bay Kabul là lời hứa hẹn về sự nghiệp báo chí ở một nơi nào đó cách xa mọi sự đe dọa và phán xét.
Nhưng viễn cảnh ấy tan vỡ khi ngòi nổ được kích hoạt vào chiều 26/8. Vụ đánh bom cướp đi sinh mạng của Najma, anh trai cô, và một người họ hàng đi theo để hộ tống Najma ra sân bay.
Najma bước vào nghiệp báo chí với việc mở một kênh YouTube từ vài năm trước. Sau đó, cô làm việc cho một số đài phát thanh tư nhân, chị gái Najma kể lại.
Phụ nữ Afghanistan sẽ phải đối mặt với các quy định khắt khe theo luật Sharia mà Taliban diễn giải và áp dụng. Ảnh: Reuters. |
Trong 20 năm kể từ khi lực lượng do Mỹ hậu thuẫn đánh đổ Taliban, phụ nữ Afghanistan đã đạt được nhiều bước tiến trên lĩnh vực giáo dục, chính trị, và kinh doanh nhưng những thành tựu ấy không hề dễ dàng. Đến nay, Afghanistan vẫn là một quốc gia rất bảo thủ, đặc biệt là ở các vùng bên ngoài khu vực thành thị.
Vì thế, khi biết Najma quyết dấn thân vào con đường làm báo, nhiều người họ hàng của cô gái lên tiếng phản đối. Một số người thậm chí còn cắt đứt liên lạc.
Freshta cho biết em gái mình từng nhận được nhiều cuộc điện thoại và tin nhắn dọa nạt từ những người đàn ông lạ mặt với nội dung phản đối việc Najma xuất hiện trước công chúng.
“Tôi là người duy nhất được con bé kể về việc bị đe dọa”, Freshta nói. “Nó không muốn chia sẻ với gia đình vì có thể sẽ bị ngăn làm việc trong ngành báo chí”.
Nhưng khi Taliban tiến quân chớp nhoáng và chiếm được phần lớn Afghanistan chỉ trong vài ngày, Najma quyết định tìm đường rời nước. Cô gái sợ việc Taliban lên nắm quyền cũng sẽ đặt dấu chấm hết cho một sự nghiệp mới chỉ bắt đầu.
Trước khi tới sân bay, Najma thu thập những tin nhắn đe dọa để làm chứng cứ thuyết phục người Mỹ cho mình lên máy bay.
Najma dự định tái khởi động kênh YouTube để ghi lại cuộc sống của người di cư Afghanistan ở căn nhà mới, dù nơi này có thể là bất cứ đâu. “Con bé mơ ước được xây dựng sự nghiệp báo chí bất kể thách thức sẽ phải đối mặt”, Freshta nói.
Mơ ước của hàng chục nghìn người khác
Giống như Najma, hàng chục nghìn người khác ở Afghanistan cũng tìm đường rời đất nước vì không tin tưởng lời hứa về “Taliban 2.0”, bao gồm cam kết để phụ nữ được xuất hiện ở nơi công cộng và cho trẻ em gái đến trường.
Nhiều người tập trung gần sân bay Kabul để cố gắng vào được bên trong. Tình trạng hỗn loạn trước lối vào sân bay Kabul là cơ hội dễ dàng để những phần tử khủng bố hoạt động.
Một nạn nhân của vụ đánh bom chiều 26/8 tại Kabul. Ảnh: New York Times. |
Trước khi quả bom phát nổ, một bản đánh giá tình báo từ Mỹ từng cảnh báo có khả năng xảy ra tấn công khủng bố trong lúc Mỹ và các nước phương Tây gấp rút sơ tán công dân và đồng minh người địa phương.
Tối 25/8, Bộ Ngoại giao Mỹ từng cảnh báo công dân tránh xa cổng vào sân bay cho tới khi có tin tức mới. Nhưng điều này là không đủ để giải tán đám đông người Afghanistan ước ao một cuộc sống mới, trong số đó có Ali Reza Ahmadi, 34 tuổi, phóng viên có gần 10 năm kinh nghiệm.
Dù mới đính hôn vài tháng trước, anh Ahmadi vẫn cố tìm cách rời khỏi Afghanistan. Cả anh và em trai đều thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố, theo một người bạn thân.
Người bạn thân cho biết Ahmadi đã phải vật lộn với chứng trầm cảm và vấn đề tài chính từ trước khi Taliban quét qua Afghanistan.
“Sau khi rơi vào trạng thái bấn loạn, anh ấy lên đường tới sân bay và định ở đó cho tới khi được máy bay chở tới bất cứ quốc gia nào chấp nhận mình”, người bạn thân nói.