Các chính khách tại Panjshir cho biết đã từ chối lời kêu gọi của Taliban vì không được quyền tự quyết ở mức độ họ mong muốn, Wall Street Journal đưa tin ngày 29/8.
Gia đình của những người sống trong thung lũng cho biết Taliban đã cắt đường dây điện thoại và Internet của khu vực này, trong khi phát ngôn viên của Taliban Habibi Samangani cho hay không biết về việc này.
Lực lượng phản kháng Afghanistan đi tuần tra dọc một con đường tại tỉnh Panjshir vào ngày 29/8. Ảnh: AFP. |
Cùng ngày 29/8, Taliban và lực lượng nổi dậy chạm trán ngay bên ngoài thung lũng, một thủ lĩnh phe phản kháng cho biết. Trong lúc đó, hai bên vẫn tiếp tục thương thuyết.
“Vấn đề là họ không chịu nhượng bộ chút nào. Và chúng tôi cũng không sẵn sàng chấp nhận bất cứ hệ thống chính trị nào không có tính chất bao trùm”, Ali Nazary, thủ lĩnh đối ngoại của Mặt trận Kháng chiến Quốc gia, cho biết.
Mặt trận Kháng chiến Quốc gia là tên gọi tự xưng của lực lượng phản kháng ở Panjshir.
Cuộc chạm trán này là phép thử đối với Taliban, sau khi nhóm này hứa sẽ hướng tới thành lập chính phủ bao trùm đại diện cho mọi nhóm người lớn của Afghanistan. Taliban chưa công bố hình thái của chính phủ mới.
Taliban chỉ hứa cho các thủ lĩnh trong thung lũng “một vị trí thuộc Tiểu Vương quốc Taliban. Đó là những gì họ giao hẹn”, Ahmad Wali Massoud, cựu đại sứ Afghanistan tại Anh, nhận định.
Khi Taliban cai trị Afghanistan trong giai đoạn 1996-2000, thung lũng Panjshir chưa bao giờ thất thủ. Do được núi che chắn ở mọi mặt, khu vực này đặt ra thách thức lớn cho phía tấn công.
Tuy nhiên, một con đường mới dẫn vào thung lũng có thể khiến công tác phòng ngự khó khăn hơn trước. Panjshir lúc này cũng không có đường nối với biên giới quốc tế để vận chuyển hàng tiếp ứng và không nhận được sự ủng hộ của bên ngoài.
Nhưng ông Nazary tự tin về khả năng kháng cự Taliban.
“Nếu Taliban có bất cứ động thái gây hấn nào, lực lượng phản kháng sẽ tản ra và không ở nguyên tại Panjshir”, ông Nazary nói.