Khi giao tranh nổ ra ở Ukraine, một số nhà máy ôtô tại Đức - vốn phụ thuộc vào linh kiện nhập khẩu từ Ukraine - đã phải tạm dừng hoạt động. Giao thông đường biển và đường hàng không bị ảnh hưởng, làm tăng giá vận chuyển hàng hóa giữa châu Âu và châu Á.
Giá các mặt hàng xuất khẩu mà Ukraine và Nga chiếm thị phần lớn như dầu khí, lúa mì hay dầu hướng dương cùng tăng mạnh. Bên cạnh đó, các biện pháp cấm vận của phương Tây khiến việc làm ăn với các đối tác Nga khó khăn hơn.
Các nhà kinh tế và lãnh đạo doanh nghiệp lo ngại chuỗi cung ứng của các sản phẩm ít được biết đến - như khí neon hay paladi, kim loại quan trọng trong ngành bán dẫn - sẽ chịu thiệt hại nặng nề.
“Các lệnh cấm vận của Mỹ và đồng minh nhằm vào Nga sẽ có tác động không chỉ tới Nga, mà còn với cả thế giới”, bà Dawn Tiura, Chủ tịch Sourcing Industry Group (SIG), nhận định, theo Wall Street Journal.
Mắt xích cung ứng quan trọng
Một số lãnh đạo doanh nghiệp bày tỏ sự cẩn trọng khi đánh giá về tác động lâu dài của sự kiện tới chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp có thể tạm thời dựa vào kho dự trữ nguyên liệu sẵn có. Lúa mì của Ukraine cũng thường được xuất khẩu vào tháng 8 sau mùa gặt.
Dù vậy, ngay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động tấn công, giá dầu thế giới đã vượt qua mốc 100 USD lần đầu tiên sau 8 năm. Giá nhôm tăng 20%, còn giá paladi tăng 26,7% so với đầu năm. Giá lúa mì tại sàn Chicago tăng 12% trong tuần trước lên mức cao nhất kể từ năm 2012.
Nga và Ukraine là các nhà xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới. Ảnh: AP. |
Sản xuất ôtô là một trong số những ngành công nghiệp đầu tiên hứng chịu ảnh hưởng của xung đột. Leoni - doanh nghiệp sản xuất hệ thống điện phục vụ các nhà sản xuất châu Âu - đóng cửa hai nhà máy tại Ukraine với khoảng 7.000 công nhân vào tuần trước.
Một ngày sau, Volkswagen cho biết họ không thể nhập khẩu sản phẩm này từ Ukraine và phải dừng hoạt động tại các nhà máy Zwickau và Dresden, miền Đông nước Đức. Hơn 8.000 lao động được cho nghỉ phép.
Chỉ vài giờ sau khi cuộc xung đột bùng phát, các công ty ôtô cùng nhau lập nhóm chuyên trách để đối phó. “Ukraine vốn không phải là trung tâm của chuỗi cung ứng của chúng tôi. Tuy vậy, chúng tôi đột nhiên nhận ra rằng điều này trở thành sự thật khi mắt xích này bị mất”, một người phát ngôn của Volkswagen tuyên bố.
22 nhà đầu tư nước ngoài vận hành 38 nhà máy trong chuỗi cung ứng sản xuất ôtô tại Ukraine. Họ sản xuất hệ thống điện, ghế ngồi và nhiều sản phẩm khác, theo dữ liệu của chính phủ Ukraine.
“Tạm thời chúng tôi chưa gặp phải vấn đề. Tuy vậy, vẫn còn quá sớm để khẳng định điều này”, hãng xe Mercedes-Benz thừa nhận.
Tìm kiếm lựa chọn thay thế
Theo ông Oleg Solodukhov, thành viên công ty tư vấn Charterers có trụ sở tại Kyiv, một tàu chở thép không thể rời cảng Mariupol do lo ngại thủy lôi từ Nga. Một con tàu khác không thể rời cảng Youjne, phía đông Odessa, do giới chức Ukraine không còn vận hành cảng.
Ferrexpo, một công ty xuất khẩu quặng sắt lớn từ Ukraine, cho biết họ không thể gửi hàng hóa từ cảng Pivdennyi, Tây Nam Ukraine. Điều này buộc một số nhà sản xuất thép lớn như Nippon Steel của Nhật Bản hay Voestalpine của Áo phải tìm nguồn thay thế.
Một cơ sở khai thác quặng sắt tại Ukraine. Ảnh: Bloomberg. |
Một người phát ngôn của Voestalpine cho biết việc đánh giá tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine là điều khó khăn. Tuy vậy, công ty này có kho dự trữ và sẽ sử dụng các nguồn cung khác.
Theo ông Glenn Koepke, Phó chủ tịch công ty dữ liệu vận tải FourKites, tuyến đường sắt từ châu Âu qua Nga tới Trung Quốc sẽ có vị trí quan trọng như lựa chọn thay thế đường biển.
Dù vậy, một số doanh nghiệp vận tải bày tỏ quan ngại trước tình hình hiện nay và tạm dừng nhận đơn hàng mới qua đường sắt từ châu Á sang châu Âu, đi qua lãnh thổ Nga.
Trong khi đó, các lệnh cấm lẫn nhau giữa phương Tây và Nga trong lĩnh vực hàng không làm tăng thêm áp lực cho hệ thống vận tải toàn cầu, khi Nga và Ukraine án ngữ trên đường bay từ Á sang Âu của nhiều hãng hàng không chuyên về vận tải hàng hóa.
Giờ đây, các doanh nghiệp này phải lựa chọn đường bay dài hơn qua Trung Đông, dẫn tới chi phí tăng theo.
Ảnh hưởng giá lương thực
Bà Caroline Phillipson là người sáng lập Your UnbelievaBowl, công ty sản xuất đồ ăn sáng có trụ sở tại Anh. Giống như nhiều nhà quản lý khác, bà lo ngại cuộc xung đột sẽ “đổ thêm dầu vào lửa” khi vẫn đang hứng chịu áp lực lạm phát.
“Tôi chỉ có thể dự tính rằng tình hình sẽ xấu đi đáng kể với giá năng lượng tăng cao. Chi phí vận tải và nguyên liệu đều đang đi lên”, bà Phillipson nói.
Hàng dài xe vận tải chờ thông quan từ Ukraine sang Ba Lan. Ảnh: Wall Street Journal. |
Sự gián đoạn đối với vận tải đang trở nên xấu hơn trong những ngày gần đây. Ít nhất 22 tàu chở dầu đang bị mắc kẹt tại eo biển Kerch - vị trí chiến lược nằm giữa Nga và bán đảo Crimea - do các cảng đã đóng cửa.
Hy Lạp, quốc gia vận hành một phần tư đội tàu chở dầu vận tải của thế giới, đang thúc giục chủ sở hữu đưa tàu khỏi vùng biển của Ukraine và Nga ở Biển Đen - tuyến đường quan trọng của nhiều hàng hóa trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là khuyến cáo có cơ sở, khi một số tàu thuyền nước ngoài đã bị trúng đạn.
Nga và Ukraine chiếm gần một phần ba tổng xuất khẩu lúa mì, 19% tổng xuất khẩu ngô và 80% sản lượng dầu hướng dương của thế giới. Hầu hết hàng hóa này được xuất khẩu qua các cảng ven bờ Biển Đen, đã tạm dừng hoạt động.
Giá lương thực tăng cao không chỉ khiến một số nước đang phát triển với dân số đông như Ai Cập hay Indonesia phải e ngại, mà cũng khiến châu Âu phải tính toán kỹ lưỡng.
“Ukraine là ‘vựa bánh mì’ của châu Âu”, ông Philip Sweens, người phụ trách mảng thương mại toàn cầu của một công ty logistic Đức, nhận xét. “Điều đầu tiên người châu Âu nhận thấy sẽ là giá lương thực”.