“Nhiều người bị sốc trước những gì đang xảy ra, từ việc giá cả thay đổi nhanh như thế nào cho đến việc các nhà cung cấp ngừng giao hàng”, Lalya Sadykova, người sở hữu một chuỗi thẩm mỹ viện ở thành phố St. Petersburg (Nga), cho biết.
Trong khi đó, giám đốc điều hành của DNS Dmitri Alekseyev, một trong những nhà bán lẻ thiết bị điện tử lớn nhất ở Nga, cho biết sự suy giảm nguồn cung đã buộc công ty ông tăng giá sản phẩm khoảng 30%, theo New York Times.
“Nhìn vào cuộc sống của tôi, tôi không thể hiểu tại sao Nga cần một cuộc chiến", ông Alekseyev nói trên Facebook cá nhân.
Điện Kremlin đang kiểm soát chặt chẽ thông tin trong nước về cuộc chiến ở Ukraine, sự tàn phá về kinh tế và tình trạng bất ổn xã hội gây ra bởi cuộc tấn công này ngày càng khó che khuất.
Người biểu tình phản chiến bị bắt ở Moscow hôm 27/2. Ảnh: Reuters. |
Các hãng hàng không đã hủy chuyến bay đến châu Âu. Ngân hàng trung ương chật vật xử lý khi nhu cầu về tiền mặt tăng vọt gấp 58 lần. Các nhà kinh tế cảnh báo lạm phát tăng, nguy cơ tháo chạy vốn và tăng trưởng chậm đối với Nga. Công ty dịch vụ tài chính S&P cũng hạ xếp hạng tín dụng của nước này xuống mức rủi ro cao.
Trong khi đó, nhiều nhân vật trong chính quyền Nga và người biểu tình đã lên tiếng phản đối cuộc chiến ở Ukraine.
"Cả đất nước như đang dừng lại"
Người Nga rất ngạc nhiên khi nhận thấy sự xuất hiện nhanh chóng của các tác động kinh tế từ cuộc chiến ở Ukraine.
Đồng rúp chạm mức thấp nhất từ trước đến nay. Một USD hiện tương đương gần 84 rúp, trong khi cách đây vài tuần, con số này là 74. Điều này khiến giá hàng nhập khẩu tăng vọt.
Trong khi đó, lệnh trừng phạt đối với các ngân hàng lớn nhất của Nga đã tàn phá thị trường tài chính nước này. Các hạn chế mới về xuất khẩu cũng được dự đoán sẽ làm xáo trộn chuỗi cung ứng.
Hãng hàng không lớn thứ hai của Nga đã dừng tất cả chuyến bay đến châu Âu, sau khi các quốc gia này áp đặt lệnh đóng cửa không phận với Điện Kremlin. Đó là một dấu hiệu cho thấy người dân Nga sẽ không còn được di chuyển một cách dễ dàng và tiết kiệm đến các nước phương Tây như trước đây.
Hôm 25/2, nhiều khách sạn ở thành phố St.Petersburg đã chứng kiến một “làn sóng” hủy phòng. “Tất cả chúng tôi đang chờ đợi điều gì xảy ra tiếp theo”, cô Anastasia Baranova, chủ một khách sạn ở St.Petersburg, cho biết.
"Có vẻ như cả đất nước đang dừng lại", cô nói thêm.
Tổng thống Putin đã phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây. Ảnh: Reuters. |
Lệnh trừng phạt mới nhất - loại Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT - cũng sẽ khiến người dân và các công ty gặp khó khăn khi chuyển và nhận tiền từ nước ngoài, đặc biệt là những công ty xuất khẩu dầu và khí đốt, theo CNN.
“Việc loại Nga (khỏi SWIFT) sẽ chấm dứt tất cả giao dịch quốc tế, kích hoạt sự biến động tiền tệ và gây ra tình trạng tháo chạy vốn”, tiến sĩ Maria Shagina, Viện các vấn đề quốc tế Phần Lan, viết trong một báo cáo.
Trước Nga, Iran từng chịu lệnh trừng phạt tương tự vào năm 2012. Quốc gia này đã mất gần một nửa doanh thu xuất khẩu dầu và 30% kim ngạch thương mại sau khi bị loại khỏi SWIFT. Bà Shagina cho rằng Nga có thể sẽ phải chịu mức độ tổn thất tương tự, CBC đưa tin.
Trong khi đó, nhà kinh tế Yevgeny Nadorshin, công ty tư vấn PF Capital (Nga), cho biết cái giá thực sự của các lệnh trừng phạt sẽ là sự phát triển lâu dài của Nga.
Thu nhập sẽ tiếp tục trì trệ và tầng lớp trung lưu của đất nước này ngày càng bị thu hẹp. Theo ông Nadorshin, nhiều nhà sản xuất ôtô và các sản phẩm khác sẽ gặp rắc rối nghiêm trọng nếu phương Tây cấm xuất khẩu công nghệ sang Nga.
“Tôi bỏ phiếu cho hòa bình"
Điện Kremlin đã kiểm soát chặt chẽ thông tin về cuộc chiến ở Ukraine. Ngay cả khi cuộc giao tranh khốc liệt diễn ra ở thủ đô Ukraine vào sáng 26/2, chính quyền vẫn không đề cập đến Kyiv hay bất kỳ thương vong nào của quân đội Nga.
Nga cũng không công bố video nào về các hoạt động chiến đấu ở Ukraine, thay vào đó là cảnh sinh hoạt của binh sĩ nước này.
Truyền thông nhà nước Nga hôm 26/2 đã chiếu đoạn phim về một ngày yên bình ở Kyiv để phản bác lại các video bạo lực lan truyền trên mạng xã hội Telegram. "Như bạn có thể thấy, tình hình ở các thành phố Ukraine rất bình yên. Không có tiếng nổ, không có đánh bom, không giống như những gì một số kênh Telegram đang đưa tin", người dẫn chương trình nói.
Hình ảnh ở thủ đô Kyiv sau ngày giao tranh thứ ba. Ảnh: AFP. |
Tuy nhiên, cuộc chiến ở Ukraine dường như vẫn có nguy cơ gây ra sự rạn nứt trong nội bộ chính quyền Nga. Nghị sĩ Mikhail Matveyev, người đã bỏ phiếu tán thành việc ông Putin công nhận các vùng lãnh thổ ly khai do Nga hậu thuẫn, viết trên Twitter rằng ông đã bị lừa.
“Tôi đã bỏ phiếu cho hòa bình chứ không phải chiến tranh, càng không phải để Kyiv bị ném bom”, ông viết.
Hôm 24/2, hàng nghìn người đã kéo xuống các đường phố trên khắp nước Nga để biểu tình phản đối cuộc chiến ở Ukraine, trong đó hơn 1.500 người bị bắt giữ.
"Tôi sợ gặp những người Ukraine và phải nhìn vào mắt họ", nhà thiết kế tên Aleksei, 28 tuổi, cho biết.