Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam Patricia Marques tiết lộ doanh số tháng 5 của chuỗi cà phê này phục hồi nhanh hơn tốc độ dự kiến. Do đó, bà tự tin tình hình kinh doanh sẽ dần ổn định và hy vọng quay trở lại 100% vào năm tới.
“Những cửa hàng quần áo, giày dép có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn để phục hồi, còn cà phê hay bánh là những thứ mọi người vẫn thưởng thức hàng ngày với chi phí không quá lớn”, đại diện Starbucks đánh giá.
Có thể thấy rõ, thị trường cà phê đang trở lại sôi động hơn bao giờ hết sau thời gian giãn cách xã hội.
Gia tăng độ phủ hậu Covid-19
Với Starbucks Việt Nam, kế hoạch mở rộng sẽ tiếp tục được triển khai, nhưng có sự chọn lọc hơn. Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết dự kiến mở mới 2 cửa hàng tại TP.HCM vào tháng 9-10 và khai trương cửa hàng đầu tiên tại Nha Trang vào cuối năm nay. Trước đó, hệ thống này có kế hoạch mở cửa hàng tại Nha Trang sau Tết Âm lịch nhưng phải hoãn lại.
Đại diện Starbucks Việt Nam cho hay việc mở rộng sẽ không thể nhanh như những năm trước. Công ty phải lựa chọn những địa điểm có cơ hội kinh doanh thật sự tốt. Một thuận lợi sau dịch là có nhiều vị trí mặt bằng đẹp với giá thuê tốt hơn nhưng doanh nghiệp phải có đủ tài chính mới tận dụng được cơ hội này.
Lượng khách dần phục hồi, Starbucks lên phương án mở rộng chi nhánh mới hậu Covid-19. Ảnh: Chí Hùng. |
Ghi nhận tại các chuỗi cà phê khác, quá trình tái khởi động còn mạnh mẽ hơn. Nửa cuối tháng 5, tức 2 tuần sau quyết định dừng giãn cách xã hội, Phúc Long đã lần lượt khai trương 2 chi nhánh tại Hà Nội và TP.HCM, đồng thời nhanh chóng tung ra sản phẩm trà ủ lạnh mới.
Trong khi đó, chuỗi cà phê Ông Bầu chỉ sau 3 tháng triển khai đã sắp sửa chào đón cửa hàng thứ 100 vào ngày 2/7 sắp tới. Bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19, ông Võ Quốc Thắng - một trong ba ông bầu tạo dựng nên thương hiệu này vẫn khẳng định, từ nay đến cuối năm sẽ cố gắng phủ khắp 63 tỉnh, TP trên cả nước.
Đặc biệt, thị trường cà phê hậu Covid-19 còn sắp sửa chào đón một cái tên mới. Trong tờ trình xin ý kiến cổ đông bổ sung 9 ngành nghề kinh doanh mới đây, Vinamilk tuyên bố đang triển khai dự án mở chuỗi cửa hàng bán lẻ cà phê, đồ uống và một số thức ăn kèm theo với thương hiệu “Hi - Café”. Cửa hàng đầu tiên đã đi vào hoạt động từ năm 2019 tại trụ sở công ty ở quận 7 (TP.HCM).
Ban lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, trong thời gian thử nghiệm và đánh giá hiệu quả của hệ thống này, công ty triển khai vận hành kinh doanh thông qua hợp tác với một đối tác có đủ năng lực và ngành nghề phù hợp. Từ năm 2020, Vinamilk dự kiến phát triển, mở rộng chuỗi cửa hàng này tại nhiều địa điểm khác nhau và trực tiếp triển khai vận hành hoạt động kinh doanh.
Số hóa ngành cà phê
Song song với nỗ lực gia tăng thị phần thông qua mở rộng sự hiện diện trên thị trường, các chuỗi cà phê cũng nhận thức rõ tầm quan trọng của việc chuyển đổi số để thích nghi với giai đoạn bình thường mới sau đại dịch.
Ngày 16/6, Trung Nguyên Legend khai trương gian hàng trên 2 sàn thương mại điện tử (TMĐT) Amazon và Alibaba. Hồi cuối năm 2019, bà Hiền Nguyễn, Quản lý phát triển đối tác chiến lược của Amazon Global Selling Việt Nam từng liệt kê cà phê Trung Nguyên là một trong những sản phẩm Việt phổ biến với khách hàng toàn cầu trên nền tảng TMĐT này. Tuy nhiên, những sản phẩm này được bán chủ yếu thông qua các đối tác của Trung Nguyên.
Với tình hình xuất khẩu đi xuống và sự tăng trưởng của các kênh mua sắm trực tuyến, đại diện tập đoàn cho biết sẽ tập trung đầu tư hơn nữa vào TMĐT. Bên cạnh việc trực tiếp bán hàng trên Amazon và Alibaba - 2 nền tảng lớn nhất toàn cầu, doanh nghiệp cũng đẩy mạnh độ phủ trên các sàn trong nước như Tiki, Shopee...
Cùng lúc đó, hệ thống Highlands Coffee liên tục xuất hiện trên mạng xã hội với hình ảnh và nội dung trẻ trung, sáng tạo sau giai đoạn giãn cách xã hội vừa qua. Các loại hình e-voucher, mã QR hay khuyến mãi kết hợp cùng các dịch vụ giao hàng tận nơi được tận dụng tối đa nhằm thu hút khách hàng trở lại sau khi mở cửa bình thường.
Trong khi đó, chuỗi The Coffee House triển khai dịch vụ Pick up, cho phép người tiêu dùng đặt hàng và thanh toán trước qua ứng dụng di động, sau đó đến lấy trực tiếp tại cửa hàng. Giải pháp này được doanh nghiệp cho là tiết kiệm thời gian và trao quyền chủ động cho khách hàng.
"Qua mùa dịch cho thấy các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ít phụ thuộc lao động, và hoạt động quản lý, điều hành kinh doanh được thực hiện trên nền tảng số thì sẽ ổn định và ít chịu tác động của Covid-19", ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM nhận định. Do đó, ông cho rằng chuyển đổi số là yếu tố giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng phát triển bền vững của các doanh nghiệp.