GrabMart là dịch vụ đi chợ hộ được Grab triển khai tại TP.HCM từ ngày 23/3 và nhanh chóng mở rộng ra Hà Nội chỉ 14 ngày sau đó.
Theo dữ liệu từ Grab, dịch vụ này tăng trưởng 91% sau 1 tuần triển khai. Đồng thời, số người dùng lần đầu tiên thanh toán không tiền mặt trên nền tảng trong tháng 3 cũng tăng đến 22,5% so với tháng trước đó.
Hành vi tiêu dùng đã thay đổi thế nào?
Đại diện Grab nhận định, tất cả con số thống kê đều cho thấy tốc độ chuyển đổi số vượt bậc của người Việt Nam.
Trong khi đó, tổng thời gian mua sắm trên Shopee của người dùng Việt tăng hơn 25%, đặc biệt với các ngành hàng như nước tẩy trang, điện thoại thông minh, sữa, tã giấy, nồi và chảo.
Nhiều chỉ số thống kê cho thấy người tiêu dùng gia tăng mua sắm online với một số ngành hàng nhất định trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua. Ảnh: Tiki. |
Đánh giá của iPrice cho thấy nhu cầu mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng trong mùa dịch thay đổi liên tục và khó đoán trước, trong đó có một số mặt hàng trở nên “nóng sốt”.
Hưởng lợi đầu tiên là ngành hàng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, với nhu cầu tìm mua khẩu trang và nước rửa tay khô online lần lượt tăng 610% và 680% so với tháng 1. Sang tháng 3, khi người tiêu dùng ở nhà tránh dịch nhiều hơn thì đến lượt ngành bách hóa lên ngôi. Lượng truy cập vào trang web của Bách Hóa Xanh quý I/2020 tăng 49% so với quý trước đó.
Tuy nhiên, 3 tháng đầu năm, các trang web bán lẻ thời trang lại sụt giảm trung bình 38% lượng truy cập so với quý trước. Lượng truy cập vào các website ngành điện máy trong tháng 2 cũng giảm 17% so với tháng 1. May mắn, theo khảo sát của iPrice, sang tháng 3, thị trường xuất hiện nhu cầu mua laptop, webcam, microphone, màn hình… để phục vụ học tập và làm việc tại nhà nên ngành này đã hồi phục lại.
Khái quát hơn, ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết trong mùa dịch, TMĐT chỉ phát triển đối với một số sản phẩm thiết yếu, còn đa phần các mặt hàng trước đây mang về giá trị lớn cho các sàn thì dần thu hẹp.
Tuy nhiên, ông đánh giá Covid-19 nhìn chung vẫn là đợt tập dượt cho một bộ phận lớn người dân. "Trước nay cần gì là họ xách xe ra siêu thị xếp hàng mua đồ, nay không dám, thậm chí không được ra siêu thị nữa thì bắt buộc mua online. Khi đã mua online một lần, thanh toán online một lần thì họ thấy 'sướng' và không muốn quay lại cảnh xếp hàng, đeo khẩu trang, đứng cách 2 m nữa", ông Dũng nói.
Người bán ráo riết chen chân trên chợ mạng
Đón bắt xu hướng này, vừa qua, hàng loạt hội nghị trực tuyến của các ngành lần lượt được tổ chức nhằm giúp doanh nghiệp xây dựng và phát triển hiệu quả kênh phân phối trực tuyến. Trong đó, giải pháp được cho là đơn giản, nhanh chóng nhất là hợp tác với các trang TMĐT lớn để tận dụng sự hỗ trợ và các nền tảng có sẵn của những sàn này.
Trong tháng 3, Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) đã ký kết thỏa thuận hợp tác với VECOM để đẩy mạnh mặt hàng gỗ trên các sàn TMĐT, đồng thời cùng các hiệp hội ở Bình Dương, Đồng Nai ký kết với một số doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ để xây dựng cơ sở dữ liệu, số hóa hoạt động quản trị và ứng dụng các công nghệ thực tế ảo, showroom 3D...
Đặc biệt, khi tình hình kinh doanh gặp khó vì các nhà hàng, quán cà phê buộc tạm dừng đóng cửa, các doanh nghiệp ngành F&B cũng tìm cách có mặt trên sàn TMĐT. Một cửa hàng hải sản mới đây đã bắt kịp xu hướng khi khai trương "chi nhánh" trên Tiki và Lazada.
Mặt hàng thực phẩm nay cũng có thể tìm thấy trên một số sàn TMĐT lớn. Ảnh: Lan Anh. |
Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, chuyển đổi số và TMĐT là quá trình lâu dài, không thể nào có sự cố thì đưa hàng lên bán online ngay được. Do đó, Covid-19 là lúc tất cả doanh nghiệp nhận thấy tầm quan trọng của việc chuẩn bị số hóa từ sớm.
Ông cho biết từ năm 2019, VECOM đã đến nhiều tỉnh, TP để làm việc với các sở công thương và doanh nghiệp nhằm hỗ trợ đẩy mạnh bán hàng online. Tuy nhiên, thực tế là việc nắm thông tin, hiểu làm sao để đưa sản phẩm lên môi trường điện tử đã là khó khăn với nhiều đơn vị. "Vừa qua chúng tôi xuống 1 tỉnh nọ, có 65 doanh nghiệp được chọn khảo sát thì chỉ có 1 nơi sẵn sàng bán hàng online", ông kể.
Do đó, hiện nay, VECOM tích cực hợp tác với IM Group và các sàn TMĐT trong và ngoài nước như Amazon, Lazada, Shopee và Tiki để đào tạo và hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trên môi trường mạng.
Từ cuối năm 2019, Amazon thành lập Amazon Global Selling tại Việt Nam, đồng thời hợp tác với ngân hàng để hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp xuất khẩu trên nền tảng TMĐT.
Trao đổi với Zing, ông Joey Zhu, Giám đốc Alibaba.com tại Việt Nam cũng cho biết đặt mục tiêu làm việc với 10.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ trong 5 năm tới. Bên cạnh việc mở rộng đội ngũ vận hành và mạng lưới đối tác hỗ trợ, doanh nghiệp dự kiến tổ chức trên 100 chương trình hội thảo, sự kiện trong năm 2020 để tiếp cận hơn 3.000 doanh nghiệp trong nước. Giai đoạn đầu, Alibaba.com đẩy mạnh đầu tư vào 3 ngành hàng chính, gồm gỗ, dệt may và F&B sản xuất tại Việt Nam.
Gần nhất, Tiki tuyên bố sẽ cùng VECOM và IM Group hỗ trợ 500.000 doanh nghiệp chuyển đổi số và phát triển TMĐT bền vững trong 3 năm 2020-2022. Riêng năm nay, dự án đặt mục tiêu tiếp cận và hỗ trợ 150.000 doanh nghiệp tại 30 tỉnh, TP.
Song song với việc trang bị kiến thức, đơn vị đưa ra gói hỗ trợ 200 tỷ đồng cho 20.000 doanh nghiệp đầu tiên bắt đầu kinh doanh trên Tiki, thông qua miễn phí đăng bán, lưu kho, quảng bá sản phẩm...
Hiện tại, TMĐT Việt Nam phân bổ khoảng 70% tại Hà Nội và TP.HCM, còn lại thuộc các tỉnh, TP khác. Mục tiêu của VECOM là đến năm 2025 có thể giảm sự chênh lệch này, đưa tỷ lệ về mức 50%:50%.
Đồng thời, hiệp hội khuyến khích doanh nghiệp bán hàng đa kênh, đặc biệt là kết hợp giữa bán online trong nước và quốc tế. "Chúng tôi nhận thấy doanh nghiệp bán hàng tốt trên Amazon thì doanh số online trong nước có thể tăng gấp 4-5 lần", ông Dũng cho biết.