Người dân tại thành phố Leningrad rời khỏi hầm sau một đợt ném bom của máy bay Đức. Ảnh: Ria Novosti |
Trận chiến Leningrad là một trong những sự kiện bi thương nhất trong Đại chiến thế giới lần thứ hai. Hãng thông tấn RT đã phỏng vấn hai người sống sót sau chiến dịch vây hãm Leningrad của phát xít Đức. 71 năm đã trôi qua sau trận chiến, nhưng cả hai người vẫn rơi lệ khi nhớ lại những ngày đen tối trong cuộc đời họ.
Lượng bánh mỳ chính xác mà chính phủ phân phát cho dân – 125 gram mỗi ngày – là thứ mà hai người sống sót nhớ rõ nhất tới tận ngày nay. Hàng nghìn gia đình phải cố gắng sinh tồn bằng chế độ thực phẩm bao gồm tối đa 30% bánh mỳ hoặc bột mỳ. Phần thực phẩm còn lại bao gồm cỏ, rễ cây, lá và những thứ khác.
Zinaida Ivanova, mới chỉ là đứa trẻ 3 tuổi khi chiến tranh Đức – Liên Xô bùng nổ vào tháng 6/1941, kể rằng mẹ của bà thường cắt những mẩu bánh mỳ bé xíu thành những miếng nhỏ rồi sấy khô. Mỗi khi người mẹ rời khỏi nhà, bà đưa những mẩu bánh mỳ khô quắt cho 5 đứa con để chúng ngậm.
“Mẹ làm thế để chúng tôi có thể cảm nhận hương vị bánh mỳ lâu hơn. Nếu bà không sấy bánh mỳ, chúng sẽ tan biến trong vài giây sau khi chúng tôi cho vào miệng”, Zinaida giải thích.
Nạn đói, tổn thất lớn về nhân mạng là thực tế mà người dân Leningrad phải đối mặt hàng ngày. Do không có thức ăn, người dân sẵn sàng bắt mọi động vật – bao gồm quạ, mèo, chó và thậm chí cả chuột. Tình trạng vệ sinh cũng hết sức tồi tệ. Các cuộc không kích của quân Đức hủy hoại toàn bộ cơ sở hạ tầng, hệ thống cung cấp nước và thoát nước. Vì thế người dân buộc phải đổ nước thải và rác ra ngoài cửa sổ.
“Chúng tôi chẳng còn hệ thống đường ống nước nên mọi người phải rời khỏi nhà để lấy nước. Mẹ lấy một đôi ủng da của bố rồi cắt chúng thành những miếng mỏng. Bà dùng những miếng da đó để nấu súp”, Zinaida kể.
Hậu quả của nạn đói vượt qua sự tưởng tượng của mọi người. Những người gầy nhom, những đứa trẻ chỉ còn da và xương song vẫn phải vật lộn với chứng dính và tắc ruột.
“Nhiều phụ nữ từng sống sót sau Trận chiến Leningrad đã không còn khả năng sinh còn do hậu quả của nạn đói hồi ấy”, Zinaida khẳng định.
Tatyana Korsakova, một phụ nữ 78 tuổi, vẫn nhớ rõ từng chi tiết trong chiến dịch vây hãm kéo dài hai năm.
“Nếu tôi nhắm mắt ngay bây giờ, căn phòng tối tăm sẽ hiện ra trong tâm trí. Tôi thấy một đèn dầu trên bàn, một bếp lò ở giữa phòng. Mẹ tôi nấu thứ gì đó trên bếp lò. Mùi của nó thật đáng sợ. Tôi biết mẹ nấu keo gỗ, nhưng vẫn ăn vì tôi cảm thấy đói khủng khiếp”, bà nói.
Mẹ của Tatyana liều mạng ra trận địa để nhặt những cọng yến mạch chưa được thu hoạch. Mỗi khi bà ra cánh đồng, đạn từ cả hai phía bay trên đầu. Do em gái của Tatyana đang chết dần, bà ngoại dùng găng tay len để sưởi ấm cơ thể của bé. Bà ngoại cố gắng kiếm chút lá trà và vài hạt đường (thứ rất hiếm trong hoàn cảnh ấy) để đứa trẻ uống và nhờ đó nó thoát chết.
Người phụ nữ 78 tuổi vẫn nhớ rõ cảnh tượng bà và những đứa trẻ chứng kiến khi họ đứng trên cây cầu qua sông Fontanka.
“Chúng tôi thấy vô số xác người trôi nổi trên sông, nhưng chúng tôi không cảm thấy sợ hãi hay kinh tởm. Đó là một thực tế mà chúng tôi phải quen”, bà nói.
Là một trong những trận đánh dài và tàn khốc nhất trong lịch sử nhân loại, Trận chiến Leningrad kéo dài từ tháng 9/1941 tới tận tháng 1/1944, khiến hơn một triệu dân thường thiệt mạng.