Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

10 trận bao vây đẫm máu nhất trong lịch sử (kỳ 3)

Với số người chết có thể lên tới 2,5 triệu, nhiều sử gia tin rằng trận chiến Leningrad tại Nga trong Thế chiến II là cuộc bao vây tàn khốc nhất trong lịch sử loài người.

Đế chế La Mã bao vây thành Carthage

Carthage từng là một trong những thành phố thịnh vượng và quyền lực nhất thế giới trước khi Đế chế La Mã ra đời. Nó cũng là một trong những thành phố lớn nhất hành tinh trong giai đoạn trước cuộc cách mạng công nghiệp. Nhưng vào năm 149 trước Công nguyên, người dân ở Carthage phải chứng kiến một trong những trận chiến tàn khốc nhất trong lịch sử. Quân La Mã từng phát động hai cuộc chiến tranh nhằm thôn tính Carthage nhưng không thành. Trong cuộc chiến lần thứ ba, Scipio Aemilianus, một chấp chính quan La Mã, trở thành người chỉ huy quân viễn chinh.

Nhiệm vụ quan trọng và cấp bách đầu tiên của Carthage là sản xuất vũ khí, bởi họ đã giao nộp toàn bộ áo giáp và vũ khí cho La Mã theo một thỏa thuận trước đó. Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, họ giành một số thắng lợi quan trọng và đẩy lùi các đợt tấn công của đối phương. Nhưng về sau quân La Mã đã thành công trong việc chặn mọi đường tiếp tế vào thành. Người Carthage cố gắng chọc thủng vòng vây, nhưng thất bại. Cuối cùng, sau ba năm, quân La Mã chiếm được thành vào năm 146 trước Công nguyên. Họ biến thành phố thành biển máu, bắt khoảng 50.000 người sống sót làm nô lệ và phá mọi tòa nhà của Carthage trước khi về nước. Hơn 460.000 người mất mạng trong cuộc chiến. 

Lửa cháy khắp thành phố Carthage sau khi quân La Mã tràn vào đây. Ảnh: Listverse

Trận vây thành Jerusalem

Sau cuộc nổi dậy của người Do Thái vào năm 66 sau Công nguyên, Đế chế La Mã quyết định tiêu diệt vĩnh viễn dân tộc này. Vào năm 70, họ cử tướng Titus Flavius dẫn 70.000 quân tới thành phố Jerusalem – nơi có vai trò rất quan trọng đối với người Do Thái - để thôn tính. Gần 40.000 binh sĩ bảo vệ thành Jerusalem.

Titus chia lực lượng thành 4 đạo quân để bao vây Jerusalem từ tháng 2 năm 70. Để thuyết phục đối phương đầu hàng, ông phái Josephus, một sử gia Do Thái, vào thành để thương thuyết. Nhưng quân Do Thái đáp trả bằng cách bắn tên về phía sử gia khiến ông bị thương. Dân trong thành thiếu lương thực trầm trọng do quân La Mã phong tỏa đường tiếp tế vào thành. Họ phải ăn cả đồ da và rác để tồn tại. Thậm chí nhiều người đã ăn thịt đồng loại. Sử gia Josephus ghi trong một tài liệu rằng một bà mẹ Do Thái đã giết con để ăn thịt.

Một bức tranh về cuộc chiến Jerusalem vào năm 70 sau Công nguyên. Ảnh: Listverse

Cuối cùng quân La Mã phá thủng một bức tường thành và thực hiện một cuộc tấn công bí mật vào ban đêm. Ngay sau khi lọt vào thành, họ tàn sát mọi người dân mà họ gặp. Binh lính La Mã phá tan những công trình và hôi của, cướp bóc khắp nơi. Khoảng gần một nửa số dân trong thành Jerusalem sống sót, nhưng quân La Mã biến họ thành nô lệ và bán. Một tỷ lệ lớn những nô lệ đó bị sát hại ngay trên các đường phố. Tới ngày 7/9/70, quân La Mã chính thức kiểm soát hoàn toàn Jerusalem. Khoảng 1,1 triệu người chết vì cuộc chiến.

Phát xít Đức bao vây thành phố Leningrad

Một trong những trận bao vây đẫm máu và dài nhất trong lịch sử diễn ra ở mặt trận phía đông trong Thế chiến thứ hai. Chiến dịch phong tỏa Leningrad của phát xít Đức kéo dài 871 ngày, bắt đầu từ hôm 8/9/1941 và kết thúc vào hôm 27/1/1944. Nó là một trong các biểu tượng lớn nhất của cuộc đọ sức cả về quân sự cũng như sức chịu đựng của con người giữa Liên Xô và Đức. Trong giai đoạn cuối của trận chiến, khẩu phần của mỗi người lính Liên Xô chỉ là 1/4 ổ bánh mì. 

Pháo binh Liên Xô chống trả quân Đức trong trận Leningrad. Ảnh: Listverse

Bất chấp tình trạng thiếu lương thực trầm trọng, Hồng quân và nhân dân Liên Xô tại Leningrad vẫn chống cự quyết liệt. May mắn thay, khi nước trong hồ Ladoga gần thành phố đóng băng hoàn toàn vào mùa đông, chính phủ Liên Xô đã có thể đưa hàng hóa vào thành phố, đồng thời đưa người già, trẻ em, phụ nữ và người ốm ra ngoài. Vì thế người ta gọi lối vào Leningrad qua hồ Ladoga là “Con đường của sự sống”. Cuối cùng, Hồng quân đẩy lùi lực lượng Đức ra khỏi Leningrad và kết thúc cuộc vây hãm Leningrad vào năm 1944. Các sử gia ước tính tổng số lính (của hai bên) và dân thường đã chết trong trận chiến có thể lên tới 2,5 triệu. Hơn một triệu dân thường Liên Xô chết vì bom, đạn và đói, rét.

Thái Dương (theo Listverse)

Bạn có thể quan tâm