Máy bay và binh sĩ Hồng quân tấn công thành phố Berlin trong những ngày cuối tháng 4/1945. Ảnh: Corbis |
1h30 chiều 29/4/1945
Sau lễ cưới, Hitler và Eva Braun trở lại phòng riêng để uống champagne, trà và bánh sandwich với thuộc cấp. Mọi người cảm thấy bất ngờ khi Hitler, một người ghét rượu, nhận một ly rượu vang Hungary pha đường để uống. Eva thưởng thức champagne, còn đại tướng Hans Krebs - Tổng tham mưu trưởng quân đội - và tướng Burgdorf uống rượu cognac.
Linge, sĩ quan cận vệ của Quốc trưởng, cảm thấy sửng sốt trước sự điềm tĩnh của Eva. Anh ta gọi cô là "bà Hitler" và thấy đôi mắt của cô sáng ngời. Eva đặt bàn tay của cô lên cánh tay của Linge và cười.Tâm trí của Hitler vẫn dành cho công việc. Ông ta đưa cả Bormann và Goebbels ra khỏi đảng Quốc xã và bổ sung thêm tên vào danh sách bổ nhiệm mới mà Junge đang đánh máy. Junge tỏ ra cáu vì Hitler liên tục thay đổi tên trong danh sách.
2h chiều ngày 29/4/1945
Hitler ăn trưa với Eva Braun, người vừa chính thức trở thành vợ của ông ta vài giờ trước, và hai thư ký - Gerda Christian và Traudl Junge. Trùm phát xít thường ăn trưa với các thư ký và sĩ quan phụ tá từ mùa thu năm 1942, ngay sau giai đoạn đầu của Trận chiến Stalingrad. Nhóm thư ký luôn thay phiên nhau để ăn cùng Quốc trưởng, kể cả khi ông ta uống trà vào buổi sáng. Theo chỉ thị từ thượng cấp, họ không đề cập tới những chủ đề khó khi nói chuyện với Hitler trong bữa ăn.
Nhưng hôm ấy Hitler đưa ra một chủ đề khó. "Tôi sẽ không bao giờ rơi vào tay kẻ thù, dù trong tình trạng còn sống hay đã chết. Mệnh lệnh của tôi là: Mọi người đốt xác tôi để kẻ thù không thể tìm ra", ông ta nói.
Nữ thư ký Junge ăn như cỗ máy khi Hitler và mọi người thảo luận về biện pháp tự sát tối ưu nhất.
"Cách tốt nhất là bắn vào miệng. Hộp sọ sẽ vỡ và ta không trải qua cảm giác đau đớn nào. Cái chết diễn ra ngay lập tức", trùm phát xít Đức lập luận.
Eva tỏ ra hoảng sợ. "Tôi muốn là một cái xác đẹp. Có lẽ tôi sẽ uống thuốc độc", phu nhân của Quốc trưởng nói. Cô cho hai thư ký xem hộp nhỏ bằng đồng, nơi cô để lọ thuốc độc cyanide. Chiếc hộp luôn nằm trong túi áo của Eva.
"Tôi không biết thuốc độc gây đau đớn ở mức nào. Chịu đựng cơn đau quá lâu là điều tôi sợ nhất. Tôi sẵn sàng chết một cách dũng cảm, nhưng không muốn trải qua cảm giác đau đớn", Eva nói tiếp.
Ngay lập tức Quốc trưởng trấn an vợ: "Hệ thần kinh và hô hấp của em sẽ tê liệt sau vài giây".
Junge và Christian nhìn nhau, sau đó cùng nói với Hitler: "Ngài có thuốc độc dành cho chúng tôi không, thưa Quốc trưởng?". Cả hai cô không muốn tự sát, nhưng họ sợ rơi vào tay Liên Xô hơn uống thuốc độc.
"Chắc chắn mỗi cô sẽ có một lọ thuốc độc. Tôi rất tiếc vì tôi không thể cho các cô món quà từ biệt tốt hơn", Hitler đáp.
Khoảng 3h chiều ngày 29/4/1945
Trong phòng vệ sinh đối diện với phòng tổng đài, Blondi, con chó mà Hitler rất quý, run rẩy vì thượng sĩ Fritz Tornow tóm mũi và dùng sức để mở hàm của nó.
Werner Haase, một trong những bác sĩ của Quốc trưởng, dùng kìm để nhét viên con nhộng chứa cyanide vào miệng của con chó. Blondi lật nghiêng rồi rơi xuống đất, như thể sét vừa giáng xuống cơ thể nó.
Hitler bước tới và kiểm tra xác con chó. Ông ta làm vậy để đảm bảo rằng những viên con nhộng chứa cyanide thực sự phát huy tác dụng.
Mùi hạnh đắng từ cyanide khiến Rochus Misch, sĩ quan tổng đài, cảm thấy khó chịu. Anh ta vội vàng chạy ra khỏi phòng tổng đài.
Tornow đưa xác Blondi lên khu vườn Quốc trưởng ở phía trên để chôn. Sau đó anh ta quay lại để tóm chó Wulf và 4 con của nó. Viên trung sĩ đưa chúng lên vườn rồi bắn và chôn.
4h chiều ngày 29/4/1945
Trong "phòng Xanh" tại phủ Quốc trưởng, Joseph Goebbels - Bộ trưởng Thông tin quần chúng và Tuyên truyền - cùng gia đình ông ta đang dự tiệc chia tay cùng một số thành viên thuộc Đoàn Thanh niên Hitler. Khoảng 40 người - bao gồm nhân viên và bệnh nhân từ bệnh viện trong hầm ngầm Quốc trưởng - dự tiệc.
Sau khi thưởng thức súp đậu, Goebbels yêu cầu các thành viên thuộc Đoàn Thanh niên Hitler hát vài bài ca chiến đấu của đảng Quốc xã. Nước mắt chảy trên má của Goebbels khi ông ta nghe bài hát. Những đứa con của Goebbels tập trung quanh bàn và hát các bài dân ca Đức. Một người lính chơi đàn accordion để đệm nhạc cho lũ trẻ.
Khoảng 22h hôm 29/4/1945
Hitler ngồi tại bàn trong phòng hội nghị dưới hầm Quốc trưởng. Ông ta đọc nội dung của một bản tin về cái chết của Benito Mussolini, nhà độc tài Italy. Bản tin cho biết, du kích Italy bắn Mussolini vào ngày 28/4/1945 rồi treo ngược thi thể ông ta trên quảng trường để người dân phỉ báng.
Heinz Linge đứng ngay sau trùm phát xít. Một trong những nhiệm vụ của anh ta là đảm bảo rằng Quốc trưởng luôn có ngay bút chì, kính mắt, bản đồ, kính lúp, la bàn mỗi khi ông ta cần.
Nhưng lần này Hitler chẳng cần kính mắt hay kính lúp, vì cỡ chữ trên giấy khá lớn. Nhưng ông ta cần bút chì để gạch dưới 3 từ "treo ngược xác".
Đến tận thời khắc ấy, Hitler vẫn hy vọng Berlin sẽ không thất thủ. Ông ta ra lệnh cho đài phát thanh truyền một mệnh lệnh tới toàn bộ lực lượng vũ trang của Đức, yêu cầu họ báo cáo thời gian và địa điểm mà họ sẽ thực hiện các đợt phản công.
Hành động của Hitler cho thấy ông ta không còn nắm rõ tình hình thực tế trên chiến trường. Mọi sĩ quan chỉ huy của Đức Quốc xã đều không tin vào khả năng cứu Berlin.