Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hồi ức tác giả bức ảnh 'Em bé Napalm' 40 năm sau chiến tranh

Tác giả bức hình nổi tiếng "Em bé Napalm" cho rằng, nếu ông không bắt gặp cô bé đúng thời điểm, có lẽ em đã chết trong trận ném bom của lính Mỹ.

Bức ảnh Em bé napalm của Nick Ut gây chấn động thế giới vì phơi bày bản chất thật của cuộc chiến ở Việt Nam mà Mỹ tham gia. Ảnh: AP
Bức ảnh "Em bé napalm" của Nick Ut gây chấn động thế giới vì phơi bày bản chất của cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Ảnh: AP

Phóng viên ảnh Huỳnh Công Út, hoặc Nick Ut, sinh năm 1951 ở Long An. Anh ruột của ông, Huỳnh Thanh Mỹ, cũng là một phóng viên ảnh chiến trường làm việc cho hãng AP. Ông Mỹ qua đời vào tháng 10/1965 do trúng đạn lạc. Nick Ut quyết định đi theo con đường của anh trai và trở thành phóng viên của AP.

"Trong giai đoạn chiến tranh, tôi thường xuyên di chuyển trên Quốc lộ 1. Khi ấy, đây là con đường rất nguy hiểm", Nick Ut kể trên tạp chí Vanity Fair.

Ngày 8/6/1972, Nick Ut rời Sài Gòn khoảng 7h để đến Trảng Bàng, Việt Nam. Đây là ngày thứ 2 trong trận chiến khốc liệt ở khu vực này. Đi cùng với Nick Ut là nhiều phóng viên của các cơ quan khác như ABC News, CBS, BBC... Những trận càn của Mỹ thường diễn ra vào buổi sáng. Gần 12h, đoàn phóng viên rời khỏi khu vực này vì biết Mỹ sẽ ném bom napalm. Một số người nói họ đã chụp đủ ảnh.

Đàn trẻ chạy ra từ khói lửa

"Khi thấy vụ nổ bom đầu tiên, tôi không nghĩ rằng trong làng còn người, vì hàng nghìn dân đã sơ tán khỏi khu vực này từ trước. Mỹ đã thả 4 quả bom. Sau đó, tôi bất ngờ khi thấy nhiều người chạy ra từ vùng khói lửa. Khi đưa máy ảnh lên, những hình ảnh tôi nhìn thấy là một bà cụ bế đứa trẻ đã qua đời, rồi một bé gái trần truồng chạy trên đường", Nick Ut nhớ lại.

Nick Ut và Kim Phúc trong một cuộc đoàn tụ tại Mỹ. Ảnh: VF
Nick Ut và Kim Phúc trong cuộc gặp mặt tại Mỹ. Ảnh: VF

Nick Ut tiếp tục chụp cho đến khi thấy rõ những mảng da đang tróc ra trên người bé gái. "Tôi chạy lại giúp vì không muốn cô bé phải chết. Chúng tôi tưới nước lên người em. Mọi người đều bàng hoàng khi chứng kiến sự việc".

Nick Ut nhanh chóng đưa cô bé và nhiều trẻ bị thương đến bệnh viện. Kim Phúc bị bỏng rất nặng và có thể thiệt mạng nếu không được điều trị nhanh chóng. Khi ông đến một bệnh viện ở Củ Chi, các bác sĩ ngần ngại không muốn chữa trị cho Kim Phúc vì họ cũng đang bận rộn với rất nhiều binh sĩ và người dân bị thương.

"Họ hỏi 'Liệu tôi có thể chở đứa trẻ lên Sài Gòn không'. Tôi đáp 'Không! Cô bé rất có thể qua đời trong vài phút tới'. Tôi cho họ xem thẻ phóng viên của AP. Rốt cuộc các bác sĩ cũng chữa trị cho những bé bị thương. Kim Phúc là người đầu tiên họ tiếp nhận vì vết thương của em nặng nhất", Nick Ut nói.

Nick Ut chạy về Sài Gòn và lao về buồng xử lý hình ảnh. Sau khi phóng viên AP rửa bức ảnh, Ishizaki Jackson, cộng sự của anh hỏi ngay: Vì sao bé gái lại không mặc quần áo? "Tôi trả lời rằng cô bé vừa chạy ra từ hiện trường vụ nổ bom napalm. Tuy nhiên, biên tập viên khi đó cũng nói rõ bức ảnh không thể đăng ở Mỹ".

'Em bé napalm' ngày ấy, bây giờ

Vài thập kỷ sau chiến tranh, những vết sẹo vẫn hằn trên da thịt Kim Phúc, bé gái trong bức ảnh nổi tiếng "Em bé napalm" ở Việt Nam năm 1972.


Tấm hình nổi tiếng

Horst Faas, biên tập viên ảnh của AP tại Sài Gòn, gặp Nick Ut sau giờ ăn trưa. Horst trông thấy ảnh về bé Kim Phúc trên bàn làm việc của Nick Ut, ông hét lên: "Tại sao những bức hình này còn ở đây? Hãy gửi đi ngay lập tức". Bức ảnh được chuyển từ Sài Gòn đến Tokyo, sau đó đến New York bằng vô tuyến điện trong khoảng 4 tiếng.

"Tôi nhận một cuộc gọi từ New York. Họ đánh giá bức ảnh của tôi tuyệt vời và nó đã xuất hiện trên nhiều tờ báo khắp thế giới. Giá trị thông tin trong bức ảnh rất quan trọng", Nick nhớ lại.

Sáng hôm sau, Nick Ut, Horst Faas và một phóng viên khác của AP trở lại ngôi làng ở Trảng Bàng. "Khi đó quân đội miền nam Việt Nam không biết tôi là ai. Họ cũng chẳng biết tôi đã chụp bức ảnh về bé Kim Phúc. Viên chỉ huy người Mỹ rất giận dữ và la mắng cấp dưới rằng 'Vì sao các anh lại để họ chụp bức ảnh đó'".

Nick Ut và Phan Thanh Tâm, em trai của Kim Phúc (đã qua đời). Tâm chính là cậu bé bên trái của bức ảnh Em bé napalm. Ảnh: VF
Nick Ut và Phan Thanh Tâm, em trai của Kim Phúc (đã qua đời). Tâm chính là cậu bé bên trái của bức ảnh "Em bé napalm". Ảnh: VF

Kim Phúc được điều trị trong gần một năm. Các bác sĩ chuyển em từ bệnh viện ở Củ Chi lên bệnh viện Barsky tại Sài Gòn. Khi cô bé trở về nhà, Nick Ut cũng đi theo. Nhưng toàn bộ nhà cửa đều bị phá hủy trong trận ném bom.

"Kim Phúc vẫn mang nhiều vết thương trên người. Sau khi bức ảnh của cô xuất hiện trên khắp các mặt báo thế giới, nhiều bác sĩ đã tình nguyện giúp. Thật may mắn vì em lọt vào ống kính của tôi. Nếu không, có lẽ em đã phải chết", Nick Ut tâm sự.

Sau khi chiến tranh kết thúc, Nick Ut và Kim Phúc gặp lại nhau lần đầu vào năm 1989 ở Cuba. Kim Phúc đến đây để học dược. Cô đi cùng bạn trai Bùi Huy Toàn. Họ tổ chức đám cưới tại Cuba, sau đó đến Nga vào năm 1992, rồi chuyển sang sống ở Canada.

Bản thân Nick Ut cũng bị thương 3 lần trong những năm lăn lộn chiến trường để đưa tin. "Lần đầu tiên tôi bị thương do trúng mảnh vỡ rocket ở Campuchia. Sau đó, tôi đến Trảng Bàng và theo dõi câu chuyện của bé Kim Phúc. Khoảng thời gian này tôi bị thương ở chân do dính đạn cối. Lần bị thương thứ 3 cũng xảy ra ở Campuchia", Nick Ut nói.

Ông khẳng định: "Rất nhiều phóng viên chiến trường đều mang theo 'quà lưu niệm' chiến tranh trên cơ thể. Tôi cũng có 'món quà' ở chân đấy".

Chiến tranh Việt Nam khốc liệt qua những bức ảnh khói lửa

Trực thăng vận tải trúng đạn, bom napalm nổ hay máy bay rải chất độc da cam là những hình ảnh lột tả sự khốc liệt của cuộc chiến Mỹ phát động trên lãnh thổ Việt Nam.

Những bức ảnh gây chấn động thế giới

Ảnh "người đàn ông rơi" thể hiện sự kinh hoàng của vụ khủng bố 11/9 hay cảnh bé gái bò về phía trại cứu trợ khi kền kền trực chờ ăn thịt em đã lột tả nạn đói tại Sudan.

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm