Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao ảnh em bé Syria đầu hàng máy ảnh lay động trái tim?

Cảnh tượng bé gái trong trại tị nạn giơ tay lên đầu khi thấy máy ảnh cho thấy hậu quả khủng khiếp của cuộc nội chiến ở Syria và số phận đáng thương của dân thường vô tội.

mn
Bé Hudea giơ tay khi nhiếp ảnh gia Osman Sagirli chụp ảnh vì tưởng camera là súng. Ảnh: Osman Sagirli

Khi nhiếp ảnh gia Osman Sagirli hướng một vật về phía Hudea, một bé gái Syria 4 tuổi, trong trại tị nạn Atmeh ở biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ, đứa trẻ vội vàng giơ hai tay lên đầu vì tưởng đó là súng.

Nhưng vật thể mà Sagirli giơ lên là một máy ảnh chứ không phải vũ khí. Sagirli vô tình chụp hậu quả khủng khiếp nhất của cuộc chiến tại Syria: Bạo lực khiến những đứa trẻ mất tính hồn nhiên. Và có lẽ do bạo lực không hiện diện trong ảnh, tác phẩm của ông thu hút sự chú ý của toàn thế giới.

"Tôi đang dùng một ống kính tele và cô bé nghĩ vật thể ấy là súng. Sau khi chụp ảnh tại trại tị nạn Atmeh ở Syria hồi tháng 12/2014, tôi nhận ra rằng Hudea rất hoảng sợ, vì bé mím chặt môi và giơ hai tay", nhiếp ảnh gia nói với BBC.

Ảnh đóng vai trò quan trọng trong hoạt động đưa tin về chiến tranh. Một số ảnh chiến tranh mang tính biểu tượng khiến độc giả không thể bỏ qua dù sau đó họ khóc, nổi giận, hoặc cảm thấy kinh hãi, Christian Science Monitor nhận định.

Em bé Syria 'đầu hàng' máy ảnh vào top ấn tượng nhất tháng

Máy bay Germanwings lao xuống dãy núi Alps ở Pháp; nhật thực toàn phần ở Na Uy; bạo động ở Đức hay em bé Syria nhầm máy ảnh với súng là những hình ảnh ấn tượng nhất tháng 3/2015.

Phần lớn nhiếp ảnh gia chiến trường cho rằng, mọi người luôn quan niệm ảnh chiến tranh khiến độc giả trải qua cảm giác tiêu cực sau khi xem.

"Nhiệm vụ của nhiếp ảnh gia là thể hiện khía cạnh khủng khiếp của cuộc chiến để truyền thông điệp: Đây là chiến tranh thực sự, thực tế trên trận địa, hậu quả của xung đột", Don McCullin, một phóng viên chiến trường mang quốc tịch Anh, phát biểu.

Song một số ảnh chiến tranh không tạo cảm xúc bởi những cảnh tượng rùng rợn hay thương tâm. Bức ảnh nhóm binh sĩ Mỹ kéo cờ sau trận chiến với quân Nhật trên đảo Iwo Jima của nhiếp ảnh gia Joe Rosenthal không mô tả cảnh tượng khốc liệt. Nó chỉ giúp người xem hiểu rằng bạo lực đã xảy ra, và bằng chứng của trận chiến là những mảnh vỡ xung quanh 6 binh sĩ kéo cờ.

Thứ khiến bức ảnh nổi tiếng là thông điệp đằng sau đó. "Tấm ảnh khiến người dân trên khắp nước Mỹ hy vọng quân Nhật sẽ sớm bại trận và hòa bình đang tới gần", CNN mô tả.

Cảnh tượng bé gái Syria "đầu hàng máy ảnh" cũng mang đến một câu chuyện sâu sắc. Hành động tức thì của em cho thấy hậu quả của việc chứng kiến chiến tranh hàng ngày.

"Thông thường trẻ em sẽ chạy, che mặt hoặc cười khi các cháu thấy camera", Sagirli nói với BBC. Nếu từng chứng kiến chiến tranh, người xem có thể hiểu phần nào phản ứng của bé Hudea.

Tổ chức Quan sát nhân quyền Syria khẳng định hơn 10.000 trẻ em thiệt mạng do cuộc xung đột tại đây từ năm 2011. UNICEF thông báo 5,6 triệu người Syria đang sống trong tình cảnh nghèo khổ, sức khỏe kém, phải ly hương hoặc kẹt giữa làn đạn của quân chính phủ và phe đối lập. Hoạt động giáo dục ngừng trệ. Hơn 4.200 trường tan nát hoặc sập hoàn toàn. Những trường nguyên vẹn biến thành nơi cư trú của những người sơ tán.

Anthony Lake, giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), từng gọi nội chiến ở Syria là "cuộc khủng hoảng nhận đạo tồi tệ nhất trong thời gian gần đây".

"Những đứa trẻ ở Syria còn lựa chọn nào không?", ông đặt câu hỏi trên một blog của UNICEF.

Trong thời kỳ mà vụ hành quyết con tin phương Tây do chiến binh Nhà nước Hồi giáo thực hiện thu hút sự chú ý của thế giới hơn số phận của hàng triệu người di cư vì chiến tranh, bức ảnh đứa trẻ Syria đầu hàng máy ảnh đã chạm tới nơi sâu thẳm nhất của trái tim. Đây là hiệu ứng mà các con số thống kê, blog hay những phim tài liệu không thể tạo ra.

Hình ảnh Hudea giơ tay hàng được chia sẻ hơn 20.000 lượt trên mạng xã hội Twitter từ khi một nhà báo công bố ảnh vào tuần trước.

"Cảnh tượng ấy lay động trái tim của người dân trên khắp thế giới. Có lẽ ánh mắt của Hudea, hoặc thực tế khủng khiếp về cuộc xung đột tại Syria khiến người xem cảm thấy ám ảnh. Bức ảnh cho thấy sức mạnh lớn lao của nó", trang PRI bình luận.

Loạt ảnh đoạt giải báo chí thế giới năm 2014

Thiếu nữ bị thương trong cuộc biểu tình, đồng phục nhuốm máu là những tác phẩm tiêu biểu về tình trạng bạo loạn, xung đột trên thế giới đoạt giải Báo chí thế giới lần thứ 58.

Linh Phong

Bạn có thể quan tâm